Giãn nộp tiền sử dụng đất: Hàng trăm dự án sẽ tái khởi động?
Việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất nhà riêng lẻ và cả dự án được kỳ vọng sẽ giúp tái khởi động hàng trăm dự án bất động sản, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đề xuất cho cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất nhà riêng lẻ và cả dự án.
Theo HoREA, động thái này sẽ giúp tái khởi động hàng trăm dự án bất động sản, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường; đáp ứng nhu cầu nhà ở cho dân, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh.
Trước đề xuất này, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết, nếu được thông qua, doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn rất nhiều.
Một doanh nghiệp ở Hà Nội phân tích, số tiền sử dụng đất chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư, trong 30 ngày kể từ ngày có thông báo của cơ quan thuế, doanh nghiệp phải 50% số tiền sử dụng đất và 60 ngày tiếp theo nộp nốt 50% còn lại. Tuy nhiên, từ sau khi nộp tiền sử dụng đất, phải mất 1 - 2 năm dự án mới khởi công và bán hàng, thu tiền về. Vì vậy, trong khoảng thời gian này, các chi phí về vốn thực sự là gánh nặng với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề lên thị trường bất động sản, khiến cho các hoạt động rơi vào trạng thái “ngủ đông” thì việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất là tín hiệu đáng mừng, tạm thời hỗ trợ doanh nghiệp đỡ sức ép về tài chính.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA phân tích, đối với doanh nghiệp, tiền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn trong dự án nhà ở. Nếu phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm hiện nay, trong lúc bị sụt giảm mạnh doanh thu hoặc không có doanh thu, thì doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Đối với các cá nhân, hộ gia đình, trước đây khi được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp Giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính sẽ được ghi nợ tiền sử dụng đất. Hiện nay, nếu cá nhân, hộ gia đình phải nộp tiền sử dụng đất để hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, thì khoản tiền này có giá trị rất lớn, trong lúc hầu hết các cá nhân, hộ gia đình đều khó khăn sau đại dịch.
Vì vậy, HoREA đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho doanh nghiệp được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở giai đoạn hậu giãn cách xã hội. Hiệp hội cho rằng, đề xuất này tương tự như cơ chế giãn tiến độ nộp tiền thuê đất, tiền thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 41 của Chính phủ.
Ngoài ra, theo HoREA cũng cần xem xét cho cá nhân, hộ gia đình được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng khi làm thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.
Thống kê từ VNREA cho thấy, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn trong nước đều do các doanh nghiệp bất động sản đầu tư và quản lý vận hành giảm sút lên đến gần 90%; phần lớn cơ sở du lịch nghỉ dưỡng phải đóng cửa hoặc giảm công suất.
Thời gian tới, nếu dịch bệnh thuyên giảm thì khả năng phục hồi tốt nhất cũng đạt khoảng 50% trong năm 2020 và 60 - 70% cho năm 2021.
“Mặc dù đã chủ động nhiều biện pháp khắc phục khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua giai đoạn này”, VNREA nhận định.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận xét, bất động sản là loại hàng hoá đặc thù riêng với dòng tiền lớn, các sản phẩm có giá đắt đỏ. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường bất động sản sẽ chững lại và là lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự đi xuống của nền kinh tế.
Trong khi đó, hiện nay nhiều mức hỗ trợ đưa ra dường như chỉ mang tính “hình thức”. Ví dụ, về lãi suất, một số doanh nghiệp tính toán, họ chỉ được giảm 0,2 - 0,5% lãi suất chứ không được đến 2-3% lãi suất như các ngân hàng công bố.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận