24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bùi Sơn Vinh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gian nan gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt

Việc bị thẻ vàng khiến hầu hết các container hàng hải sản xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác.

Hôm qua 25.9, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) tổ chức hội nghị đánh giá 2 năm triển khai chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)”.

Chi phí tăng, xuất khẩu tuột dốc

Trước khi VN bị thẻ vàng, Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của VN, chỉ đứng sau Mỹ. Báo cáo từ VASEP cho biết, kể từ khi VN bị EU phạt thẻ vàng IUU vào tháng 10.2017, giá trị hải sản sang thị trường này đã giảm nhiều. Cụ thể năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 390 triệu USD, giảm 7% so với năm 2017. Trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hải sản sang EU đạt 251 triệu USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản VN, EU đã tụt xuống đứng thứ 5, tỷ trọng của thị trường này cũng giảm từ 18% xuống 13%. VASEP cũng dự báo xuất khẩu thủy hải sản sang EU từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm với mức khoảng 8%, ước đạt 1,35 tỉ USD.

Gian nan gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt

Hải sản khai thác phải được phép mới có thể xuất khẩu vào EU. Ảnh: Hoàng Trọng

Việc bị thẻ vàng khiến hầu hết các container hàng hải sản xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Trong đó, nguy cơ hàng bị trả về rất cao. Riêng về chi phí để trả khi bị kiểm tra hàng, trung bình một container hàng hải sản xuất sang EU phải tăng thêm 5.000 - 10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng). Cụ thể, theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Bình Định, hàng bị dừng tại hải quan kiểm tra từ 10 - 15 ngày, thậm chí có lô hàng kéo dài đến 20 ngày. Điều này khiến phát sinh chi phí rất lớn, khách hàng mất nhiều thời gian để nhận hàng nên dần dần e ngại mua hàng từ VN và chuyển sang nước khác. Doanh số xuất khẩu vào EU của Bình Định từ trên 40 triệu USD/năm đến nay còn khoảng 30 triệu USD/năm.

“Chi phí xuất khẩu tăng thêm 15 - 20% cho mỗi lô hàng khiến DN không còn lợi nhuận, thậm chí có lô hàng còn bị lỗ. Hoạt động của DN bị tác động mạnh từ khi bị thẻ vàng; đến nay chúng tôi rất thấm thía trong việc này và thật sự cần phải phát triển bền vững để duy trì sản xuất”, bà Lan nói.

Tương tự, ông Đặng Thành Pha, Giám đốc thu mua nguyên liệu Công ty TNHH Phillips Seafoods VN (Khánh Hòa), cho biết từ khi thẻ vàng, công ty không còn xuất sang EU một đơn hàng nào vì không lấy được giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Xuất phát từ nguồn nguyên liệu chủ yếu của công ty là ghẹ để chế biến được mua từ miền Tây (Hà Tiên) nhưng từ một số tàu đánh bắt nhỏ, cập vào những cảng không thuộc danh sách chỉ định để xác nhận nguyên liệu thủy sản. Vì vậy khi bị thẻ vàng chặn đứng con đường xuất khẩu, dù công ty đã xoay xở tăng xuất khẩu vào các thị trường khác cũng như bổ sung thêm nhiều sản phẩm mới nhưng chưa thể bù đắp được doanh số từ thị trường EU.

Chưa biết ngày được gỡ thẻ

Những khó khăn của DN nêu trên cũng không phải là mới. Tuy nhiên, theo ông Đặng Thành Pha, qua tiếp xúc cho thấy chuyển biến ở các ngư dân chưa nhiều. Bên cạnh đó, những quy định của VN cũng còn nhiều bất cập. Ví dụ cá cơm và ruốc đa số ở gần bờ trong khi những tàu xa bờ lại không được cấp phép đánh bắt gần bờ, vậy giải quyết thế nào về việc xác nhận nguyên liệu thủy sản? Còn ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Tam Quan (Bình Định), cho biết hiện tại, việc kiểm tra kiểm soát sản lượng khó thực hiện. Bởi theo quy định, để cấp giấy xác nhận thì chủ tàu phải cung cấp nhật ký hành trình và phải cập nhật thông tin vị trí tàu 2 giờ/lần đối với tàu dài trên 24 m. Do đó trường hợp chủ tàu không bật thiết bị giám sát hành trình thì cảng cũng không ký xác nhận được vì đó bị liệt kê là đánh bắt bất hợp pháp. Trong khi những tàu đánh bắt gần bờ vẫn đa số không có giấy tờ đầy đủ.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP, kiêm Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP, nhận định muốn giải quyết được nguồn gốc bị thẻ vàng thì Chính phủ phải quyết liệt đưa ra các giải pháp xử lý những tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo. Thứ hai là việc gắn thiết bị giám sát hành trình phải làm thật nhanh. Thứ ba là hệ thống truy xuất thông tin của các tàu đánh bắt hải sản cần làm ngay. Nếu chưa giải quyết được những vấn đề trên thì sẽ khó gỡ được thẻ vàng IUU. “Quan trọng nhất là VN phải thể hiện cho phía EU biết những việc đã làm được và tiến độ của quá trình đó. Vì vậy cần phải có chương trình cụ thể. Sau đợt làm việc của phái đoàn EC sắp tới, các bộ ngành và hiệp hội cần ngồi lại để tóm lược công việc đã tới đâu và những việc cần thiết phải làm cho năm 2020. Đặc biệt hơn để tự mình đánh giá và đề ra mục tiêu lấy được thẻ xanh vào lúc nào? Tôi hy vọng với cố gắng của DN và Chính phủ, sau 1 năm nữa sẽ lấy lại được thẻ xanh”, bà Sắc chia sẻ thêm.

Tự “trói” tay mình

Cuối tháng 6.2019, Hiệp định thương mại tự do giữa VN và EU (EVFTA) có hiệu lực. Nhiều bộ ngành và doanh nghiệp đã hào hứng khi nói về cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu từ VN vào thị trường này, trong đó có thủy hải sản. Ví dụ một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) khi xuất vào EU sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến... Ngoài ra, sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0%... Thế nhưng, thẻ vàng IUU đối với hải sản VN đã vô hiệu hóa những lợi thế có được từ EVFTA.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay sáp nhập với Bộ NN-PTNT), chủ tịch danh dự VASEP, nhận định nếu không được gỡ thẻ vàng trong dịp tới, hàng thủy sản VN xuất sang EU rất khó tận dụng lợi thế từ EVFTA. Cũng cho rằng để chuyển biến cách đánh bắt vốn dĩ đã được hình thành như phong tục tập quán thì cần thời gian và kiên trì. “Nhưng tại sao chúng ta thấy khó khăn? Bởi chúng ta chưa làm tới cùng”, bà Minh tự đặt câu hỏi và trả lời. Chẳng hạn, người dân không dễ thay đổi, phải đào tạo, hỗ trợ họ trước khi có những hình phạt răn đe. Tuy nhiên, bà Minh cũng khuyên áp dụng biện pháp hành chính sẽ ít hiệu quả hơn “đánh” vào kinh tế bằng những giải pháp lâu dài. Bà dẫn chứng, ở Pháp có cảng cá, cùng một loại cá nhưng trong chợ lại chia làm 2 loại và bán hai giá khác nhau. Một loại có gắn thẻ màu đỏ lên trên, bán giá cao hơn loại không có gắn thẻ đỏ trên mang cá 0,9 cent/kg. Bởi theo quy định đánh bắt, ngư dân tự nguyện đăng ký tham gia đánh bắt theo chuẩn của hiệp hội nghề cá đưa ra về bảo vệ nguồn lợi môi trường... sẽ được bán giá cao hơn, không tham gia thì bán giá thấp hơn. “Thế nên, theo tôi, muốn ngư dân tham gia một cách tự nguyện theo khuyến cáo của IUU, nhà nước có hỗ trợ người mua hoặc không cần hỗ trợ, nhưng giao hẳn cho các tổ chức, hội nghề cá tự quản lý và kiểm soát lẫn nhau. Như vậy, VN có thể nghiêm cấm việc đánh bắt cá kiểu tận diệt, gây xáo trộn môi trường, truy xuất nguồn gốc... đều có thể làm được. Các nước đánh giá cao vai trò của các hội đoàn, cùng với người dân để làm, nhà nước không ôm hết. Còn VN lại giao cho bộ này bộ kia quản lý, nhưng làm không tới và khó khăn là vậy”, bà Minh chia sẻ thêm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả