Gián đoạn hai huyết mạch thương mại quan trọng, cơ hội cho xuất khẩu ngô Mỹ
Kể từ cuối quý III/2023, thương mại ngô toàn cầu đã phải đối mặt với những thách thức đáng kể do gián đoạn trong vận chuyển biển, đặc biệt là tại hai tuyến đường quan trọng: kênh đào Panama và kênh đào Suez. Dưới góc nhìn của tôi, đây lại là cơ hội mới để Mỹ có thể lấy lại vị thế xuất khẩu số 1 của mình.
Ngũ cốc từ vùng Vịnh xoay sở với hạn hán kỷ lục ở Panama
Từ tháng 9 - 12/2023, xuất khẩu ngô Mỹ tại các cảng ở vùng Vịnh chỉ đạt hơn 6,4 triệu tấn, chiếm khoảng 54% tổng lượng ngô xuất khẩu, thấp hơn 7% so với cùng kỳ năm 2022 và 11% so với mức trung bình 2019-2021. Mức sụt giảm trên bắt nguồn từ sự gián đoạn trong hoạt động hậu cần qua kênh đào Panama trong giai đoạn này.
Kênh đào Panama vốn là tuyến đường ngắn nhất giúp Mỹ vận chuyển ngũ cốc xuất khẩu tới các nhà mua hàng lớn ở Đông Á, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, một đợt “hạn hán chưa từng có” ở Panama đã khiến Cơ quan Quản lý kênh đào Panama (PCA) buộc phải quy định hạn chế số lượng tàu quá cảnh tại kênh đào và cắt giảm trọng tải.
Để ứng phó với động thái này của PCA, trong suốt tháng 10 - 11/2023, các tàu hàng của Mỹ đã định tuyến lại từ kênh đào Panama sang kênh đào Suez. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong tuần 15 - 28/10, 91% trên tổng 2,9 triệu tấn ngũ cốc xuất khẩu được vận chuyển qua tuyến đường thay thế này, trong đó có 90.000 tấn là ngô.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi trên cũng đồng nghĩa với việc quá trình giao hàng sẽ chậm hơn 2 tuần với chi phi phí cao hơn, đặt ra thách thức cho khoảng 40% lượng ngô Mỹ xuất sang các thị trường quan trọng tại Đông Á.
Thêm thách thức tại kênh Suez, bán hàng của Mỹ vẫn duy trì ổn định
Trước những khó khăn vốn có, sang tháng 11, các chủ hàng từ vùng Vịnh tiếp tục đối mặt với một loạt thách thức mới, khiến chi phí vận tải tăng cao hơn nữa. Các cuộc tấn công gần đây xảy ra trong bối cảnh chiến tranh nổ ra giữa Isarel - Hamas tại khu vực biển Đỏ, làm tê liệt hoạt động vận chuyển qua kênh đào Suez. Điều này buộc các tàu chở ngũ cốc của Mỹ lần thứ hai phải chuyển tuyến quanh Mũi Hảo Vọng phía Nam Phi, kéo dài hành trình thêm khoảng 9 ngày và tăng chi phí ít nhất là 15%.
Mặc dù vậy, báo cáo Bán hàng Xuất khẩu của Mỹ cho thấy, lũy kế bán hàng ngô niên vụ 23/24 của Mỹ tính tới ngày 11/1 vẫn vượt trên 8,4 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng ngô kỷ lục ở Mỹ trong niên vụ hiện tại đã tạo nguồn tồn kho lớn cho quốc gia này xuất khẩu, khiến giá ngô xuất khẩu giảm mạnh 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, ngay cả khi chi phí vận chuyển ngũ cốc của Mỹ cao hơn, giá bán hiện vẫn thấp hơn so với năm trước, hỗ trợ nhu cầu mạnh mẽ.
Qua những phân tích trên, tôi cho rằng, những lo ngại về vấn đề hậu cần vẫn chưa làm suy yếu hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ. Triển vọng cho nguồn cung tại quốc gia này hiện tại còn đang phụ thuộc nhiều vào yếu tố nhu cầu tại các quốc gia nhập khẩu chính.
Cơ hội cho vụ ngô bội thu của Mỹ trong năm nay
Kênh đào Suez, huyết mạch giao thông quan trọng, vốn xử lý khoảng 15% hoạt động vận tải biển quốc tế, đã đặt ra tình trạng khẩn cấp về thương mại và vận chuyển toàn cầu, không chỉ riêng với Mỹ.
Theo nhận định của tôi, rủi ro xoay quanh khu vực biển Đỏ kéo dài sẽ đặc biệt gây bất lợi cho xuất khẩu của Ukraine, vốn đã bị ảnh hưởng từ cuộc chiến với Nga. Nguyên nhân chính là do phần lớn ngô của nước này hướng đến châu Á sẽ đi qua kênh đào Suez. Ở phía nhu cầu, nếu gián đoạn hoạt động vận tải tiếp diễn trong dài hạn, điều này sẽ có để lại ảnh hưởng rõ ràng nhất đến các nhà nhập khẩu nhạy cảm về giá ở khu vực châu Phi và châu Á. Khi phải chi trả phí nhập khẩu cao hơn đáng kể, người mua hàng sẽ buộc phải chuyển đổi nhà cung cấp thay thế. Đáng chú ý có thể kể đến là Trung Quốc - thị trường nhập khẩu tới khoảng 30% lượng ngô từ Ukraine kể từ năm 2020 - sẽ đối mặt với những thách thức trong việc duy trì nguồn cung ổn định và chi phí hợp lý.
Nhìn chung, mức độ tác động của cuộc khủng hoảng biển Đỏ sẽ phụ thuộc vào việc các cuộc tấn công sẽ tiếp tục trong bao lâu. Trong trường hợp chi phí nguồn cung ngô Ukraine tiếp tục gia tăng do xung đột biển Đỏ, điều này sẽ thúc đẩy Trung Quốc mở rộng nhập khẩu từ Mỹ và Brazil trong thời gian tới. Tuy nhiên, mùa vụ tại Nam Mỹ đang đối mặt với rủi ro thiệt hại sản lượng do kiểu thời tiết El Nino gây ra khô hạn kéo dài trong khu vực. Như vậy, với nguồn cung ngô dồi dào trong năm nay tại Mỹ, tôi kỳ vọng vào kịch bản, xuất khẩu ngô niên vụ 23/24 của quốc gia này sẽ cải thiện đáng kể, để bù đắp mức sụt giảm từ Ukraine và khu vực Nam Mỹ. Đây sẽ là động lực dài hạn thúc đẩy giá ngô phục hồi trở lại từ vùng đáy thấp trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, để nhận định khả năng giá có tăng về vùng 5 USD hay không còn dựa vào mức độ cải thiện mực nước tại kênh đào Panama khi mùa mưa quay trở lại vào tháng 4 - tháng 5, bên cạnh việc đánh giá thiệt hại mùa vụ tại Nam Mỹ
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận