Giảm tuổi nghỉ hưu mới có ý nghĩa
Bạn đọc Báo Người Lao Động đề nghị nên có một cuộc khảo sát về thời gian đóng, độ tuổi nghỉ hưu trên toàn quốc.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm nhất là quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ LĐ-TB-XH, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phân tích một số hạn chế của Luật BHXH hiện hành và nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Một bạn đọc giấu tên nhận xét: "Gần như chỉ Báo Người Lao Động đề cập đến tuổi nghỉ hưu. Rất bất hợp lý khi cào bằng tuổi nghỉ hưu của lao động gián tiếp, lao động làm công tác quản lý với lao động trực tiếp. Rất mong các đại biểu Quốc hội lưu tâm vấn đề này khi thảo luận và biểu quyết thông qua dự luật".
Bạn đọc Cao Đồng bày tỏ: "Đi làm từ 20 tuổi cho đến 45 tuổi thì được 25 năm mà mới có 45 tuổi mà chờ đến 62 tuổi mới được nhận lương hưu thì chờ quá lâu, thà rút ra gửi tiết kiệm 17 năm sau thì lãi vẫn lấy gốc vẫn còn". Bạn đọc Trần Đình Khôi chia sẻ: "Thấy luật nào cũng dự thảo, luật nào cũng lấy ý kiến nhân dân. Mà sao BHXH lại có nhiều người không đồng ý vậy? Nên có một cuộc khảo sát về thời gian đóng, độ tuổi nghỉ hưu trên toàn quốc".
Một bạn đọc tên Trung góp ý thẳng thắn: "Giảm tuổi nghỉ hưu mới có ý nghĩa còn giảm năm đóng BHXH không có tác dụng gì". Tương tự, bạn đọc Đỗ Thị Quy bức xúc: "Cái cần giảm thì không giảm cứ loanh quanh giảm những cái không cần thiết, chẳng có tác dụng gì với người lao động sản xuất trực tiếp, thậm chí là quá thiệt thòi".
Theo bạn đọc Nguyễn Đức Phương Tuấn, không nên cào bằng tuổi nghỉ hưu của lao động trực tiếp với người lao động gián tiếp như (cán bộ công chức viên chức) được? Nên sửa Luật BHXHlần này thì phải có tuổi nghỉ hưu hướng lương hưu đa tầng? Người lao động có hợp đồng lao động trong và ngoài nhà nước nam trên 55 tuổi nữ đủ 53 tuổi đóng bảo BHXH bắt buộc liên tục 20 năm trở lên ai có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi thì nên giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi để hưởng lương hưu? Chứ người lao động trực tiếp khó ai đợi chờ đến đến quy định tuổi nghỉ hưu hiện nay nên họ chọn lựa rút BHXH một lần là lẽ đương nhiên?".
Cùng góc nhìn, bạn đọc Nguyễn Thị Hương cũng cho rằng giảm tuổi nghỉ hưu là sẽ giải quyết được vấn đề. "Bản thân tôi năm nay 39 tuổi làm kế toán nhưng giờ sức khỏe giảm không biết đến 60 tuổi có thể nhận lương hưu không. Hy vọng Luật BHXH sẽ giảm tuổi nghỉ hưu để còn nhận" – bạn đọc này mong mỏi. Bạn đọc Lê Thái Sơn hài hước: "Các nhà soạn thảo Luật BHXH sửa đổi đâu có thời gian để đi đến các công ty khảo sát ý kiến của NLĐ đâu. Cư lo lắng cho người lao động sau này về già không có lương hưu, gây áp lực, gánh nặng cho xã hội.... trong khi cái sự thật hiện tại đầy nghiệt ngã đó là công việc bấp bênh, tuổi sau 45-50 là đau bệnh. Các công ty cũng tìm cách đào thải không thương tiếc".
Bạn đọc Lê Thị Đài Trang dẫn chứng: "Tôi năm nay 51 tuổi, đóng BHXH được 30 năm Sau khi bị COVID-19, phổi có vệt thâm và thêm chứng hen bậc 4, viêm khớp... Nếu chờ đến đủ tuổi hưu thì chắc chắn công việc giảng dạy sẽ không đạt hiệu quả. Rất mong nhà nước xem xét lại độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động". Bạn đọc Phúc Thanh viết: "Tôi đóng BHXH được 37 năm rồi, mọi người xem tham gia được với mức này đâu phải dễ, mà giờ sức khỏe giảm sút làm nghề lái xe thì mắt kém rất nhiều, xương khớp đau làm sao mà đáp ứng được đến 62 tuổi, với tình trạng trên có ai thuê nữa. Giờ cầm sổ BHXH ngồi chờ tuổi để nghỉ hưu không biết lấy gì mà sống quãng thời gian chờ này. Tôi đề nghị cần xem xét công bằng và thực tế đảm bảo đời sống quyền lợi của người lao động. Cụ thể là giảm tuổi nghỉ hưu khi đóng đủ 35 năm được quyền nghỉ hưởng 75% theo quy định".
Một bạn đọc giấu tên khác cho rằng nên có quy định cụ thể cho người lao động khi đang chờ hưởng lương hưu mà qua đời, họ phải được trả lại y như những người rút BHXH1 lần, con cháu họ sẽ được hưởng thành quả lao động của cha mẹ mình, chứ như hiện tại thì quá thiệt thòi cho họ. Nhiều bạn đọc chỉ mong được giảm tuổi nghỉ hưu, cụ thể nên giữ tuổi nghỉ hưu như cũ là nam 55 tuổi và nữ 50 tuổi. Còn ai có nhu cầu làm việc thêm thì tùy vào khả năng của từng cá nhân lao động đó.
Bạn đọc Võ Tuấn Hải chất vấn: "Ai cũng thấy rõ, trước đây nam tuổi hưu 60, nữ 55, nếu đóng 15 năm được hưởng 45% nay đổi tới đổi lui tuổi hưu thành 62 cho Nam và 60 cho nữ, số năm đóng quay về 15 năm, mức hưởng còn 35% theo dự thảo. NLĐ cảm thấy tiền để trong quỹ càng lâu càng lỗ, vì thế ưu tiên hàng đầu là rút 1 lần khi có thể. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận