'Giảm tuổi hưu là thất sách'
Nguy cơ vỡ quỹ BHXH sẽ rất cao nếu có quá nhiều người được hưởng lương hưu sớm khi vẫn còn sức lao động.
Tình trạng người lao động cảm thấy đuối sức khi theo đuổi mức lương hưu tối đa 75% được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống kê giai đoạn 2016-2021 có hơn 661.000 lao động nghỉ việc hưởng lương hưu hàng tháng, bình quân 110.000 người mỗi năm. Trong đó, gần 66% lao động nhận trợ cấp một lần cho số năm đóng thừa BHXH hưởng lương hưu tối đa. Đồng nghĩa cứ ba người nghỉ hưu thì hai người sẽ được hưởng lương hưu tối đa 75%. Song đây phần lớn là người đi làm từ sớm, ở giai đoạn đầu tham gia vào hệ thống.
Câu hỏi đặt ra là làm gì để dung hòa lợi ích của người lao động với khả năng duy trì hoạt động của quỹ an sinh? Có nhiều ý kiến cho rằng nên giảm tuổi hưu để bớt gánh nặng cho người lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng không nên làm vậy bởi sẽ dẫn đến hệ quả là có quá nhiều người hưởng lương hưu khi vẫn còn sức lao động, nguy cơ vỡ quỹ cao hơn.
Thực tế, không có nước nào trên thế giới hạ tuổi hưu cả. Dinh dưỡng và y tế ngày càng tốt hơn, sức khỏe người cao tuổi ngày càng tốt hơn, khả năng làm việc tăng lên thì tại sao phải hạ tuổi hưu?
Thay vào đó, vấn đề cần giải quyết ở đây là nâng mức trợ cấp cho những lao động đóng BHXH hơn 30 năm. Nói cách khác, chúng ta cần tăng tỷ lệ hưởng lương hưu, ví dụ cứ tăng lên 1.5% trên số tiền lương đóng BHXH cho mỗi năm, cho đến mức 100%. Điều này sẽ đảm bảo quyền lợi của người lao động và khuyến khích họ tiếp tục làm việc nếu còn đủ sức khỏe.
Có người lại lo lắng về khoảng trống trước tuổi hưu khi người lao động ngoài 40 tuổi phải đối diện với nguy cơ mất việc, không được tuyển dụng. Nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động thực ra không phải là giải pháp cho vấn đề này. Bởi 20 năm làm công nhân đầu tắt mặt tối, tăng ca triền miên thì thời gian đâu mà đòi hỏi họ nâng cao trình độ, kỹ năng của bản thân?
Lao động vẫn tay nghề ấy thì mức lương làm sao khá hơn được, trong khi ngày càng tay chậm mắt mờ. Doanh nghiệp sống còn dựa vào năng suất lao động nên nếu bắt buộc họ phải sử dụng lao động cao tuổi, không đảm bảo được năng suất, doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả thì ai chịu trách nhiệm?
Tôi cho rằng, giải pháp lâu dài ở đây là phải đầu tư đào tạo nghề phù hợp với người trên 45 tuổi, đồng thời có những biện pháp khuyến khích giới chủ sử dụng người lao động lớn tuổi như ưu đãi thuế, phí, giảm tỷ lệ đóng BHXH... để huy động nhóm này tiếp tục tham gia vào lực lượng lao động. Chi phí lao động giảm xuống thì mới hấp dẫn người ta được.
Ngoài ra, các ngành nghề dịch vụ ở đô thị cũng có thể tận dụng nguồn lao động này để vận hành. Giải pháp căn cơ mới là điều quan trọng, chứ chẳng quỹ an sinh xã hội nước nào gánh nổi nếu người lao động ngừng làm việc ở tuổi ngoài 40? Thế nên, đừng bao giờ nghĩ đến các biện pháp hành chính để ép buộc giới chủ sử dụng lao động không phù hợp với nhu cầu của họ. Làm vậy là đi ngược lại nguyên tắc thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận