Giảm thuế xăng dầu: Đừng chần chừ nữa!
Giá xăng dầu tăng cao sẽ sớm thiết lập mặt bằng giá mới với hàng loạt mặt hàng nhưng khi giá xăng dầu giảm thì mặt bằng giá này cũng không đi xuống
Người dân, doanh nghiệp (DN) đang rất ngóng chờ Chính phủ xem xét và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) quyết định về việc giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu đã được Bộ Tài chính đề xuất mới đây. Nhưng ngoài thuế BVMT, giá xăng còn "cõng" hàng loạt loại thuế khác, gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Thuế tiêu thụ đặc biệt: Quá phi lý
"Xăng dầu là hàng hóa thiết yếu với tất cả các ngành kinh tế và đời sống người dân, không phải mặt hàng xa xỉ hay không khuyến khích tiêu dùng mà đánh thuế TTĐB đến 10%. Điều này là quá phi lý! Cần giảm thuế suất thuế TTĐB đầu tiên, giảm xuống mức thấp nhất có thể, thậm chí loại bỏ sắc thuế này khỏi cơ cấu giá xăng dầu" - TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, thẳng thắn nói.
Theo ông Phương, vì thuế phí chiếm tỉ trọng không nhỏ trong cơ cấu giá xăng dầu nên ngoài việc cấp bách giảm thuế TTĐB bởi tính chất bất hợp lý của nó thì tất cả sắc thuế còn lại như thuế BVMT, thuế nhập khẩu và thuế GTGT cũng đều cần được xem xét giảm thêm. "Giá xăng thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 20.000 đồng/lít, giá xăng bán lẻ sau khi cộng tất cả chi phí, thuế thì lên tới hơn 30.000 đồng/lít. Dư địa để giảm thuế còn khá nhiều" - ông Phương nêu rõ.
TS Lê Quốc Phương cũng thừa nhận việc đồng loạt giảm các loại thuế xăng dầu sẽ khiến nguồn thu ngân sách giảm đáng kể. Nhưng trong bối cảnh người dân, DN đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do dịch Covid-19 gây ra và xăng dầu có ý nghĩa quan trọng với toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội, việc lựa chọn "hy sinh" ngân sách tạm thời để hỗ trợ nền kinh tế là hoàn toàn cần thiết.
"Đừng chỉ nhìn một chiều rằng khi giảm thuế thì nguồn thu giảm. Cần nhìn theo hướng lâu dài hơn là khi nền kinh tế được tiếp sức thông qua việc giảm chi phí đầu vào, các ngành sản xuất khởi sắc, tiêu dùng gia tăng thì nguồn thu từ thuế thu nhập DN, thuế GTGT với hàng hóa... hoàn toàn có thể bù đắp được hụt thu, thậm chí có lợi hơn. Mặt khác, giảm giá xăng dầu giúp giảm giá các mặt hàng liên quan khác, từ đó có thể đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm dưới 4%" - TS Lê Quốc Phương phân tích thêm.
Đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc liên quan đến việc cấp bách giảm thuế xăng dầu để hạ nhiệt mặt hàng này, từ đó giảm thiểu tác động đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế của đất nước. Bà Nguyễn Thị Việt Nga đồng tình với việc tiếp tục giảm thuế BVMT bởi dư địa của loại thuế này với mặt hàng xăng vẫn còn tới 2.000 đồng/lít.
ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, góp ý Chính phủ cần linh hoạt sử dụng công cụ thuế phù hợp với tình hình. Theo ông, cần chấp nhận giảm thu ngân sách để giảm ngay thuế BVMT vì nhiều mục tiêu quan trọng hơn.
Quốc hội có thể họp bất thường để giảm thuế
ĐBQH Trần Hoàng Ngân chỉ ra vấn đề rất nghiêm trọng hiện nay là nếu chậm hạ nhiệt giá xăng dầu sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới với hàng loạt mặt hàng nhưng khi giá xăng dầu đi xuống, mặt bằng giá này cũng không giảm. Do vậy, việc sử dụng các công cụ điều tiết để giảm giá xăng dầu là rất cấp bách. "Về nguyên tắc, Chính phủ cần xem xét, trình QH, Ủy ban Thường vụ QH về việc giảm thuế theo đúng thẩm quyền. Nhưng trong trường hợp cần thiết, QH vẫn có thể họp bất thường để xem xét, quyết định" - ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cho hay ngoài những loại thuế sẽ được Chính phủ đề xuất giảm và trình QH xem xét tại kỳ họp thứ 3 đang diễn ra, nếu kỳ họp kết thúc nhưng cần quyết định ngay những vấn đề cấp bách thì QH có thể họp bất thường như kỳ họp cuối năm ngoái.
TS Lê Quốc Phương thúc giục các bộ, ngành cần bắt tay rà soát và nhanh chóng trình Chính phủ phương án giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu để Chính phủ trình QH, Ủy ban Thường vụ QH. "Quy trình quyết định cần nhiều thời gian trong khi người dân, DN không thể chờ thêm được nữa rồi" - ông Phương nói.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, lưu ý giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới được dự báo tiếp tục tăng cao. Nếu không nhanh chóng xem xét, cân đối để tham mưu ngay cho Chính phủ các phương án giảm thuế thì áp lực điều hành giá xăng dầu trong nước sẽ rất lớn.
Ngoài giải pháp giảm thuế, các chuyên gia kinh tế còn góp ý cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu, bởi khan hiếm nguồn cung sẽ đẩy giá lên cao. "Cần đẩy mạnh sản xuất trong nước song song tìm nguồn nhập khẩu với giá hợp lý để kìm đà tăng của giá xăng dầu" - ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.
Về vấn đề nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II/2022 và tồn kho gối đầu sang quý III/2022 khoảng 2 triệu m3. Bộ này đang yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm việc với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn để có cam kết rõ ràng về khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước, từ đó có kịch bản điều hành và chỉ đạo nhập khẩu thay thế.
"Bộ Công Thương cho hay sẽ phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sử dụng các công cụ thuế, phí, như xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế TTĐB... để bình ổn giá xăng dầu. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận