24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quang Sang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giảm thuế VAT và câu chuyện kích cầu

Kể từ ngày 01/07/2023 đến hết ngày 31/12/2023, thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ mức 10% xuống còn 8%. Dù chính sách này được đánh giá là tích cực, nhưng tác động đến nền kinh tế còn nhiều ý kiến trái chiều.

Đây là lần thứ hai Quốc hội giảm thuế VAT nhằm mục đích kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Lần giảm thuế trước đó là vào tháng 1/2022. Quốc hội thông qua việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức thuế suất VAT 10% (còn 8%) để hỗ trợ người dân phục hồi sau dịch COVID-19.

Kết quả thực hiện đã cho thấy, tổng gói hỗ trợ giảm thuế VAT năm 2022 đạt khoảng 44 ngàn tỷ đồng và việc giảm thuế đã kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Ngày 30/06/2023, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo đó, giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.

Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá điếu, xì gà, rượu, bia, xe ô tô dưới 24 chỗ, xe mô tô hai bánh, ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3, máy bay, du thuyền, xăng các loại…

Công nghệ thông tin, theo pháp luật về công nghệ thông tin, như card âm thanh, hình ảnh, mạng và các loại card tương tự dùng cho máy xử lý dữ liệu tự động, thẻ thông minh, máy vi tính và các thiết bị ngoại vi của máy vi tính...

Bàn về tác động của việc giảm 2% thuế VAT, người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này.

Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT mức 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Về tác động của chính sách, Bộ tài chính ước tính số giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 5.8 ngàn tỷ đồng/tháng, tương đương khoảng 35 ngàn tỷ đồng.

Chính sách giảm thuế VAT tích cực và kịp thời

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính đánh giá việc giảm thuế VAT trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 01/07/2023 là quyết định rất kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Trên lý thuyết, đầu tiên, đối tượng được hưởng lợi là người tiêu dùng, do đây là thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng, chứ không phải doanh nghiệp. Giá cả hàng hóa trên thị trường có thể giảm từ 1.5 - 1.7%.

Thứ hai, doanh nghiệp được hưởng lợi cả đầu vào lẫn đầu ra. Ở đầu vào, những nguyên vật liệu mà doanh nghiệp nhập trước đây chịu thuế cao thì nay giảm, giúp doanh nghiệp giảm được giá thành. Trước đây chi phí vốn lớn, bây giờ chi vốn giảm, doanh nghiệp có thể dự trữ được nhiều hàng hóa.

Ở đầu ra, giá hàng hóa giảm, người dân tăng mua, giúp hàng hóa sản xuất ra bán được tốt hơn, kích thích nhu cầu tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có thể đẩy nhanh vòng quay vốn và đem lại hiệu quả cao hơn.

Thứ ba, đối với Chính phủ, Chính phủ hỗ trợ được cho doanh nghiệp cũng như người dân trong nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng. Trên cơ sở đó, thúc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế.

Thêm vào đó, khi giá hàng hóa giảm, sức ép đối với lạm phát cũng sẽ giảm. Đây là yếu tố quan trọng giúp ổn định lạm phát.

Con số 2% chưa thực sự hấp dẫn

Dù con số từ đợt giảm thuế VAT lần đầu cho thấy kết quả khả quan và nhìn nhận chính sách này có tác động tích cực, một số chuyên gia vẫn chưa thực sự đánh giá cao kết quả từ chính sách này tiếp tục mang lại.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng - Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính đánh giá chung, về lý thuyết, việc giảm thuế VAT sẽ giúp chi phí doanh nghiệp giảm, từ đó giảm giá bán hàng hóa, có khả năng sẽ giúp cầu tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn không đủ số liệu để đánh giá việc này. Nhìn chung đây cũng là một chính sách hỗ trợ tổng cầu tích cực.

Bên cạnh việc cho rằng sẽ kích cầu và giá cả hàng hóa rẻ hơn, TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM nhận định một số quốc gia khác thậm chí giảm thuế về mức 0% thì con số giảm 2% chưa thực sự hấp dẫn.

Tại một quán cà phê có tiếng trên địa bàn TPHCM, trước đây đã phản ánh thông tin trong đợt giảm thuế VAT lần đầu. Giá bán một món nước là 55,000 đồng/ly đã bao gồm thuế VAT 10%. Sau ngày 01/07, giá ly nước này được quán niêm yết vẫn là 55,000 đồng/ly với dòng chữ giá bán đã bao gồm thuế VAT 8%. Như vậy, việc giảm thuế 2% ở trường hợp này trở thành thu nhập của người bán hàng và người tiêu dùng phải chịu mức giá cao hơn.

Thêm vào đó, một số sản phẩm sau khi thông báo giảm thuế, nhưng tổng giá hàng hóa bán ra không giảm, vô hình trung đẩy giá sản phẩm tăng lên. Như vậy, chính sách này dường như không hiệu quả.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế bổ sung thêm vấn đề tiêu cực rõ ràng nhất của việc giảm thuế VAT là thất thu ngân sách. Ngoài ra, nhiều giao dịch hàng hóa trên thị trường Việt Nam là giao dịch tiền mặt, cho dù có giảm thuế VAT cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Mức thuế cần phải giảm nhiều hơn. Thay vì giảm 2%, có thể phải giảm từ 10% xuống còn 5%.

Làm sao để kích cầu?

Với tình hình hiện nay, TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định, nếu chỉ kích cầu tư nhân thì sẽ khó, chỉ còn kích cầu Nhà nước, tức tăng chi tiêu công của Chính phủ, tăng giải ngân vốn đầu tư công.

Theo lý thuyết, để tăng tổng cầu của nền kinh tế khi kinh tế tư nhân quá yếu thì yếu tố bắt buộc là Chính phủ phải can thiệp, tăng chi tiêu để làm tổng cầu của nền kinh tế tăng lên. Việc giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay không đạt mục tiêu cũng là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế trì trệ. Toàn bộ hệ thống phải tập trung vào giải quyết vấn đề này, giải ngân vốn đầu tư công để kích thích tăng trưởng kinh tế trở lại mới là giải pháp hữu hiệu nhất ở thời điểm hiện tại.

“Những giải pháp tư nhân được đưa ra, nhưng trong tư nhân không có tiền khi nhà nhà thất nghiệp, lương giảm, vật giá tăng thì tư nhân lại càng không dám chi tiêu, phải thắt lưng buộc bụng. Do đó, Chính phủ phải can thiệp, đẩy mạnh vốn đầu tư công thì mới mang lại hiệu quả” - chuyên gia diễn giải thêm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả