menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Sơn Tuấn

Giảm thuế VAT kích sức mua

Hy vọng giảm thuế VAT thì sức mua sẽ tăng trở lại

Việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ kích cầu, người dân tiêu dùng nhiều hơn nhờ giá hàng hóa, dịch vụ giảm tương ứng. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi.

Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Người tiêu dùng được lợi

Chị Vân An - nhân viên văn phòng tại Phú Nhuận, TP.HCM - cho biết rất mừng khi nghe tin Chính phủ đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Nhẩm tính chi phí hằng tháng cho gia đình 5 người gồm 3 người lớn và 2 con nhỏ, chị Vân An cho biết ít nhất phải tốn 17 triệu đồng cho tiền ăn, tã sữa, chưa kể học phí và các khoản tiền điện, nước, Internet...

"Nếu thuế VAT giảm còn 8%, tôi chỉ phải trả 1,36 triệu đồng tiền thuế VAT cho số hàng hóa mình mua, thay vì 1,7 triệu đồng như hiện nay, tiết kiệm khoảng 340.000 đồng.

Dù không phải là lớn nhưng trong bối cảnh khó khăn do COVID-19 như hiện nay, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Tôi sẽ tăng mua hàng hóa dịch vụ ở những nơi có mức thuế suất rõ ràng" - chị Vân An nói.

Tương tự, chị Nguyễn Minh Ngọc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho rằng việc giảm thuế VAT là tin rất vui với người dân. Vì giảm thuế sẽ giúp số tiền phải trả khi mua hàng giảm xuống. Mức giảm 2% dù không nhiều nhưng cũng rất tốt trong bối cảnh thu nhập bị giảm sút do tác động của đại dịch COVID-19.

Theo chị Ngọc, với mức chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu của gia đình khoảng 15 triệu đồng/tháng, số tiền thuế phải trả mỗi tháng chỉ còn khoảng 800.000 đồng, thay vì 1 triệu đồng như trước, nếu thuế VAT còn 8%.

Trên đây chỉ là những ví dụ cho thấy việc giảm thuế VAT trên hàng hóa dịch vụ sẽ có mức phủ rất rộng, hầu hết người tiêu dùng, chẳng cần thủ tục gì, nhưng số tiền giảm được nhiều hay ít tùy vào mức chi tiêu của từng gia đình nhiều hay ít.

Có thể với nhiều gia đình, số thuế được giảm chỉ là vài trăm ngàn đồng/tháng, nhưng trên tổng thể quốc gia, số tiền thuế giảm lên đến vài chục ngàn tỉ đồng.

Góp phần kích thích tiêu dùng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - cho rằng thuế VAT đánh trên toàn bộ các mặt hàng từ sản xuất đến tiêu dùng, nên việc giảm thuế VAT sẽ giúp kéo giá thành sản phẩm, dịch vụ từ cuốc xe ôm, đến các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như quần áo, xăng dầu, bánh kẹo... sẽ giảm theo.

"Việc giảm thuế VAT sẽ khuyến khích người dân tiêu dùng, mua sắm, nhất là dịp lễ Tết đang đến gần" - ông Tú nói. Tuy nhiên, theo ông Tú, để nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững và xét về mặt lâu dài, mức giảm thuế VAT cần mạnh mẽ hơn.

"Mức giảm được đề xuất là 2% đã tốt rồi nhưng chưa đủ liều, cần giảm 50% so với hiện nay, tức là từ 10% còn 5% đối với những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, những ngành, lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề bởi dịch..." - ông Tú đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Được - tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín - cũng cho rằng việc giảm thuế VAT sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, cứu nhà sản xuất, đồng thời tạo công ăn việc làm, giúp kinh tế tăng trưởng. "Đây là chính sách cần thiết nhằm vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do COVID-19" - ông Được nói.

Trong khi đó, theo luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, hai tháng cuối năm 2021, Chính phủ đã giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 7%, nay đề xuất áp dụng mức 8% tức tăng lên so với cuối năm ngoái. "Sao không giữ ổn định mức 7% để tạo điều kiện cho các ngành nghề kinh doanh hồi phục sau dịch?" - ông Xoa nói.

Bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hội Tư vấn thuế - cũng cho rằng chính sách giảm thuế VAT sẽ góp phần kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn. Tuy nhiên, phải có giải pháp để đảm bảo người tiêu dùng được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế này. "Phải đảm bảo hàng hóa, dịch vụ phải có mức giảm bằng với mức giảm thuế VAT. Khi mua hàng hóa, dịch vụ ở siêu thị hay những đơn vị có xuất hóa đơn, người tiêu dùng sẽ được giảm thuế trực tiếp trên hóa đơn mua hàng" - bà Cúc nói.

Việc giảm thuế suất thuế VAT hiếm khi diễn ra. Từ trước đến nay, Chính phủ hầu như chỉ giảm thuế TNDN chứ ít giảm thuế VAT vì mức độ tác động rất rộng và khó dự trù được số thuế giảm. Chắc chắn tới đây khi giảm thuế sẽ tác động dây chuyền đến giá cả hàng hóa dịch vụ trong xã hội ở những ngành nghề được hưởng lợi. Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại