Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để “hạ nhiệt” giá xăng
Giá xăng đã tăng lên mức cao nhất 8 năm, nguy cơ tác động tiêu cực đến nền kinh tế, theo chuyên gia, cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo giới phân tích, giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hóa chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng đang được triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.
GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Phát triển nông thôn, nền kinh tế đang trên đà hồi phục, việc giá xăng dầu liên tục tăng gây áp lực rất lớn lên tiến trình này. Giá xăng dầu trong nước lại đang phụ thuộc giá thế giới nên Việt Nam rất khó giảm. Song có thể kìm hãm đà tăng bằng chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc điều chỉnh quỹ bình ổn giá...
“Giảm được loại thuế, phí gì hỗ trợ doanh nghiệp lúc này mà trong khả năng làm được thì nên làm ngay. Hiện doanh nghiệp cứ nghe tăng giá thứ gì đều thấy lo lắng. Chính sách gì thì cốt lõi vẫn phải tạo tâm lý an dân mới phục hồi kinh tế đường dài được”, bà Dung nói.
Đồng quan điểm, theo Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, với cơ cấu hình thành giá có gần 40% là thuế phí, mặt hàng xăng dầu có nhiều cơ hội để giảm giá khi thuế phí được giảm. Trong đó, ông Ngân cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt nên được giảm tối đa.
"Chúng ta phải xác định xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, huyết mạch của nền kinh tế, người nghèo cũng phải sử dụng, vì thế không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên xăng dầu như với rượu bia, trong khi chi tiêu cho mặt hàng này của người dân ngày càng tăng.
Có giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và áp 8% thuế VAT giá xăng mới không vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít. Kiềm chế giá xăng dầu chính là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, không nên chần chừ, vì giá tăng rồi càng khó cho nền kinh tế. Khi tình hình giá dầu thế giới dịu lại, chúng ta trở lại áp dụng như bình thường", ĐBQH Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cũng khẳng định, xăng dầu là hàng hóa thiết yếu của người dân và doanh nghiệp. Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đánh vào hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng, cho nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu sẽ không hợp lý, nhất là trong bối cảnh chi phí sản xuất đầu vào tăng rất nhanh.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam lại đang kích thích tiêu dùng, sản xuất để phục hồi sau dịch COVID-19. Không thể chỉ nhìn vào việc giảm thu ngân sách khoảng 30.000 tỷ đồng mà chần chừ giảm thuế để hạ giá xăng dầu.
Đồng ý với việc có thể giảm thêm các loại thuế khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, có thể giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt trong một khoảng thời gian nhất định với mặt hàng xăng dầu để giảm sức ép tăng giá mặt hàng này trong thời gian tới.
Cụ thể, ông Lâm ví dụ việc giảm thuế để "hạ nhiệt" giá xăng dầu cũng đã được các quốc gia trên thế giới thực hiện thời gian qua. Trong đó, với thuế tiêu thụ đặc biệt, Ấn Độ đã giảm 5 rupee (0,0671 USD)/lít đối với xăng và 10 rupee (0,1342 USD) mỗi lít đối với dầu diesel. Chính phủ liên bang nước này dự kiến sẽ giảm thu từ 550-600 tỷ rupee (7,38-8,05 tỷ USD) từ việc cắt giảm thuế.
Tại Thái Lan, nội các nước này đã quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel còn ở mức 3 Bạt/lít trong thời hạn 3 tháng đến hết ngày 20/5/2022, nhằm giảm mức ảnh hưởng giá dầu ở mức cao đối với hàng hóa tiêu dùng và vận tải. Chính phủ Thái Lan ước tính việc giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel sẽ khiến thu thuế giảm 17 tỷ Bạt.
Tại Ba Lan, Chính phủ nước này đã quyết định giảm thuế đối với xăng dầu, gas. Theo đó, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng từ mức 1,514 PLN/lít xuống mức 1,413PLN/lít trong vòng 5 tháng kể từ ngày 20/12/2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận