24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đồng Khoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giảm thuế - cửa hẹp duy nhất để kìm giá xăng dầu

Giá bán lẻ xăng, dầu trong nước hiện đã tăng 65-70% so với cuối năm ngoái, đang đè nặng lên cuộc sống của người dân và doanh nghiệp.

Khi đà tăng của thế giới chưa dừng lại, "van" Quỹ bình ổn đã cạn, việc giảm thuế phí, theo các chuyên gia, là giải pháp duy nhất hạ nhiệt giá xăng trong nước.

Cách hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước, theo các chuyên gia, khá nan giải khi giá thế giới vẫn "rung lắc" mạnh do nguồn cung bị hạn chế bởi việc cấm dầu Nga từ các nước phương Tây; một số nước OPEC+ không bơm thêm dầu, cộng với gián đoạn sản xuất tại Lybia do bất ổn chính trị...

Hai "van" chính để điều tiết giá bán lẻ trong nước là Quỹ bình ổn xăng dầu và các loại thuế, chi phí trong cơ cấu giá bán lẻ. Với Quỹ bình ổn xăng dầu, từ đầu năm đến nay, quỹ này liên tục được liên Bộ Công Thương - Tài chính chi sử dụng để giảm đà tăng sốc của giá trong nước, với mức chi 100-1.500 đồng một lít, tuỳ mặt hàng. Bốn kỳ điều hành gần đây, liên Bộ đã dừng trích 300 đồng một lít vào quỹ bình ổn và giảm dần mức chi từ quỹ này với mặt hàng xăng.

Quỹ bình ổn xăng dầu chi mạnh từ cuối năm ngoái đến nay, khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn đã âm quỹ. Như đến 21/6, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm gần 100 tỷ đồng, PVOil âm hơn 1.032 tỷ đồng...

Theo đại diện Bộ Công Thương, tổng quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện vẫn dương nhưng "số dư rất ít, chỉ vài trăm tỷ đồng", vì thế dư địa điều hành để giảm sốc đà tăng từ quỹ này không còn nhiều.

Trong bối cảnh đó, dư địa còn lại để hạ nhiệt giá trong nước chỉ còn thuế, phí - điều mà chính Bộ Tài chính, một trong hai cơ quan trong ban điều hành giá - cũng thừa nhận là giải pháp duy nhất.

Bốn loại thuế đang được đánh trong mỗi lít xăng, dầu gồm: thuế nhập khẩu 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế bảo vệ môi trường (1.900-2.000 đồng với xăng; 1.000 đồng một lít với dầu) và thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng một lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tuỳ loại dầu.

Tính chung, mỗi lít xăng, dầu đang "cõng" khoảng 34-35% các loại thuế, chi phí trong cơ cấu giá bán lẻ, tuỳ thời điểm. Tức là, với mỗi lít xăng, một phần ba là tiền người tiêu dùng phải trả cho các loại thuế, chi phí.

Giảm thuế - cửa hẹp duy nhất để kìm giá xăng dầu

Ước tính tỷ trọng các loại thuế, chi phí trong mỗi lít xăng được điều chỉnh từ 21/6. Đồ họa: Tạ Lư

Việc chọn lựa giảm loại thuế nào trong 4 sắc thuế trên nằm trong "chân" của cơ quan này. Thực tế, bộ đã chọn thuế bảo vệ môi trường và vừa đề xuất giảm từ 1/8 tới. Nhưng với mức giảm thêm 1.000 đồng (xăng), 500 đồng (dầu), theo các chuyên gia, vẫn quá ít và không còn mấy tác dụng như đợt giảm thuế này cách đây 3 tháng.

"Giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường cũng tốt nhưng đà tăng của giá thế giới vẫn khó lường, việc giảm loại thuế thu cố định trên mỗi lít xăng sẽ không mấy tác dụng", ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) bình luận.

Căn cơ hơn, ông Việt cho rằng, cơ quan điều hành nên giảm loại thuế gián thu, như thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng (VAT) sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt hơn.

Chia sẻ với cái khó của nhà điều hành, nhưng ông Trịnh Quang Khanh, Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng cần đề xuất giảm ngay thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Đây là các loại thuế gián thu, thu trên tỷ lệ giá nhập khẩu và thuế nhập khẩu. Khi giá nhập khẩu xăng thành phẩm càng cao, tiền thu từ các loại thuế này càng lớn. Tức là, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng thì số thu các loại thuế này cũng cao hơn dù thuế suất không đổi.

"Tỷ trọng thuế tiêu thụ đặc biệt hay VAT giảm sẽ hạ tương đối giá bán lẻ xăng dầu, hơn là tiếp tục giảm thuế môi trường khi dư địa còn lại không còn nhiều", ông Việt nhận xét.

Ngoài ra, mức thuế suất 8-10% tức thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm khoảng 2.000-2.500 đồng trên mỗi lít, được xem là mức tương đối lớn trong cơ cấu giá hiện nay.

"Bộ Tài chính nên xem xét lại quan điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, trình Quốc hội điều chỉnh phù hợp thực tế, nhu cầu giảm giá nhiên liệu. Việc giảm thuế này sẽ có ý nghĩa lớn khi kiềm chế đà tăng của mặt hàng này tới đây", Bộ Công Thương góp ý.

Ngoài thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, sắc thuế khác trong cơ cấu giá bán lẻ có thể giảm là thuế nhập khẩu (10%). Việc giảm thuế này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nên có thể giảm ngay trong tháng 7. Tuy nhiên, giảm thuế nhập khẩu lại vướng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nên đây cũng là lý do được Bộ Tài chính nêu khi không chọn đề xuất giảm loại thuế này.

Cân đối ngân sách là một trong những lý do lớn khiến cơ quan quản lý thận trọng khi chọn giảm loại thuế nào. Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, cả năm ngân sách sẽ giảm hơn 20.300 tỷ đồng khi giảm "kịch kim" thuế bảo vệ môi trường theo thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Lo ngại này là có cơ sở, song theo TS Nguyễn Quốc Việt, bản chất khi giảm thuế VAT hay tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu không phải giảm thu hay hy sinh ngân sách, mà là "điều chỉnh phù hợp với giá thế giới".

Giá dầu thô thế giới đang tăng, Việt Nam cũng được hưởng lợi nhiều hơn trong xuất khẩu mặt hàng này. Theo tính toán, nếu giá dầu thô ở mức 110 USD một thùng, thu ngân sách từ dầu thô tăng khoảng 2.370 tỷ đồng một tháng, còn giá dầu 120 USD một thùng, thì thu từ dầu thô tăng khoảng 2.640 tỷ đồng một tháng.

Ngoài ra, Nhà nước còn thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân.., tất cả những thuế này cũng nằm trong giá bán hàng hoá.

"Giá xăng dầu tăng quá cao so với khả năng chịu đựng của nền kinh tế, người dân sẽ tạo lập mặt bằng giá mới, áp lực tăng giá chi phí đẩy, nguy cơ lạm phát cao", ông Việt nói.

Vị này cho rằng, việc đưa giá xăng dầu về mức cân bằng hơn thông qua giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, hay VAT trong thời gian ngắn hạn sẽ cho thấy sự đồng hành, chia sẻ của cơ quan quản lý với khó khăn của người dân, doanh nghiệp và giúp kiềm chế lạm phát. "Chúng ta nên hy sinh, có thể giảm thu thuế xăng dầu trong ngắn hạn, nhưng lại đảm bảo mục tiêu trung - dài hạn phục hồi kinh tế, phát triển bền vững", Phó Viện trưởng VEPR nói.

Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Trịnh Quang Khanh cũng nói, cơ quan quản lý cần xem xét, cân đối giữa nguồn thu ngân sách để đảm bảo các cân đối vĩ mô và hỗ trợ đời sống dân sinh, phát triển kinh tế.

"Mặt bằng giá mới thiết lập rồi thì sẽ khó giảm, ảnh hưởng điều hành vĩ mô, lạm phát", ông Khanh nhận xét.

Ông Nguyễn Quốc Việt nói thêm, Bộ Tài chính nên công khai, tường minh dự toán thu ngân sách từ thuế xăng dầu cả năm, biến động thu - chi ngân sách từ xăng dầu theo tháng hoặc quý để người dân, doanh nghiệp nắm bắt. Việc này cũng giúp cho các phân tích chính sách, đánh giá sự cần thiết điều chỉnh các yếu tố cấu thành giá bán lẻ xăng dầu minh bạch, rõ ràng hơn.

Ngoài giảm thuế, phí, ông Quang Khanh cho rằng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu hay tăng các biện pháp chống buôn lậu xăng dầu... cũng là giải pháp gián tiếp hạ nhiệt giá mặt hàng này.

"Nhà chức trách cần thúc đẩy sản xuất xăng dầu nội địa khi 2 nhà máy lọc dầu trong nước chiếm 70% nguồn cung. Với 30% nguồn cung còn lại, phải tìm nguồn nhập dồi dào và giá chấp nhận được", ông nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả