Giảm sâu lãi suất cho doanh nghiệp: Không dễ
Để tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19, các nhà băng đã hạ lãi suất cho vay, giãn nợ, nhưng để giảm lãi suất sâu hơn là điều không dễ.
Hẹp “cửa” hạ lãi suất về 3-5%/năm
Sau cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với 16 ngân hàng thương mại hôm 12/7/2021, cả 16 ngân hàng này đã cam kết cắt giảm lãi vay 0,5 - 2,5%/năm (tương đương 20.300 tỷ đồng) để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, trong thời gian từ 13/7/2021 đến cuối năm 2021.
Riêng nhóm "Big 4", gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV cam kết dành thêm khoảng 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho doanh nghiệp, người dân ở TP.HCM, Bình Dương và các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thực hiện cam kết, từ tháng 7, VietinBank đã giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đồng thời tung ra gói tín dụng bổ sung đối với khu vực phía Nam có quy mô lên tới 20.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay từ 4%/năm. Nhà băng này dự kiến sẽ cắt giảm lợi nhuận khoảng 6.000 tỷ đồng để thực hiện tổng các gói hỗ trợ có quy mô lên tới 150.000 tỷ đồng.
Vietcombank quyết định giảm lãi suất cho vay 1%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp, đưa lãi suất về còn 5,7%/năm, 6,3%/năm, 6,9%/năm cho các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và trên 12 tháng.
Cũng trong thời gian trên, BIDV giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1 - 2%/năm, kéo lãi suất xuống chỉ còn 5,6 - 6,2%/năm.
Nhóm các ngân hàng thương mại tư nhân cũng có động thái tương tự. Cụ thể, VIB giảm trung bình 1,5%/năm, ACB giảm 0,8 - 1%/năm; nhóm Sacombank, TPBank, MB, VietCapital Bank, Kienlongbank giảm trung bình 1 - 1,5%/năm…
Kết quả, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay trung bình từ 5,7 - 6,2%/năm, tùy mục đích và hạn mức vay vốn của doanh nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, dư địa giảm lãi vay của hệ thống ngân hàng đã chạm đáy, nếu giảm nữa có thể sẽ gây rủi ro cho chính ngân hàng. Thoạt nhìn, các ngân hàng có vẻ đang tăng trưởng tốt, nhưng thực tế, một lượng lớn nợ xấu đang được “trì hoãn” bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN (cho phép giãn thời hạn cơ cấu lại nhóm nợ cũng như kéo dài thời gian trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu).
Khi thông tư này hết hiệu lực, nợ xấu sẽ “bùng lên” và ngân hàng buộc phải lấy lợi nhuận để trích lập dự phòng. Các ngân hàng cần khoản dự trù trong sổ sách riêng để làm “gối đệm” đề phòng rủi ro.
“Ba thành phố lớn nhất là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng đang “đóng băng”, doanh nghiệp cũng vậy, tôi nhìn thấy nợ xấu đang tăng”, ông Hiếu nhấn mạnh.
"Hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn phải bảo đảm an toàn hệ thống một cách cao nhất" Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Bản thân ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng lưu ý, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn phải bảo đảm an toàn hệ thống một cách cao nhất.
Còn ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước thì nhấn mạnh, các ngân hàng nên linh hoạt trong việc giảm lãi suất, tùy theo “sức khỏe” của mình.
Gần đây, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đã kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất 3-5%/năm. Tuy vậy, theo một số chuyên gia, ngân hàng thương mại bản chất cũng là một doanh nghiệp, lời ăn lỗ chịu, nếu giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, họ buộc phải đi ngược lại lợi ích của cổ đông.
Chưa kể, lãi suất cho vay giảm đến một mức nào đó, buộc lãi suất huy động cũng phải giảm, khi đó khách hàng gửi tiền sẽ đồng loạt rút tiền để đầu tư vào kênh khác, gây bất ổn cho hệ thống.
“Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể kêu gọi, chứ không thể ra lệnh cho các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất cho vay”, ông Hiếu nói.
Vậy, khe cửa hẹp nào để giảm tiếp lãi vay? Theo ông Hiếu, Chính phủ nên thông qua Ngân hàng Nhà nước thành lập một “tổ hợp tín dụng” cung cấp gói cho vay 300.000 tỷ đồng.
Tất cả các ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải tham gia gói đó, với tỷ lệ 3% tổng dư nợ tín dụng (lấy nguồn từ tiền gửi không kỳ hạn - CASA).
Tổ hợp tín dụng đó phải liên hệ với cơ chế khác của Chính phủ là Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, có vốn điều lệ lên tới 30.000 tỷ đồng. Quỹ bảo lãnh đó có thể bảo lãnh gấp 10 lần vốn tự có của mình, tức là 300.000 tỷ đồng, khớp với hạn mức tín dụng của tổ hợp tín dụng nói trên.
“Chỉ khi được bảo lãnh như vậy, các ngân hàng mới dám cho vay với lãi suất rất thấp 3 - 5%/năm như đề xuất vừa rồi”, ông Hiếu nhận định.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, “Chính phủ nên cân nhắc có thêm gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có trọng tâm, trọng điểm; phần cấp bù lãi suất lấy từ ngân sách Nhà nước”.
Không hỗ trợ dàn trải
Vừa qua, dư luận xôn xao vụ việc một lãnh đạo công ty thuỷ sản phía Nam từ chối nhận khoản vay ưu đãi vì… chê ít, không bõ công vay. Thực tế thì đây là doanh nghiệp thuỷ sản lớn nhất nhì cả nước, có doanh thu hàng năm tới 3.000 tỷ đồng và vẫn tăng trưởng khoảng 15% trong 7 tháng đầu năm nay.
Thống kê của FiinGroup cũng cho hay, lãi sau thuế quý II/2021 của khối doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu vẫn tăng gần 76%. Song mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vẫn đề xuất ngân hàng giảm 2% lãi vay với doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc (sản xuất và cung ứng các sản phẩm cho khách sạn, du thuyền) cho rằng, giảm lãi suất cho vay nên tập trung vào nhóm ngành nghề chịu tác động, chứ không nên dàn trải.
“Nên hỗ trợ nhóm ngành hàng không, du lịch, khách sạn và dịch vụ phụ trợ. Ngược lại, nhóm thực phẩm, logistic, thương mại điện tử… đang tăng trưởng tới hai con số thì nên ủng hộ thêm vào ngân sách chống dịch”, bà Hương nêu quan điểm.
Đồng thời, Chủ tịch Việt Phúc Group cũng kiến nghị, hiện nay nhóm doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phụ trợ cho du lịch, khách sạn đang bị “bỏ rơi” trong chiến dịch “hà hơi thổi ngạt”, mặc dù nhóm này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề không kém.
Ở một góc tiếp cận khác, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong khi dư địa công cụ tín dụng hành chính không còn nhiều, nên chăng cần có giải pháp kỹ thuật kèm theo, thay vì chỉ giảm lãi vay đơn thuần.
“Khi mình cấp tín dụng ưu đãi hàng loạt, rất dễ dẫn đến hiện tượng “zombie doanh nghiệp”, nghĩa là doanh nghiệp đã chết lâm sàng, không có khả năng phục hồi, sau khi được vay ưu đãi, họ không dùng tiền để cơ cấu lại doanh nghiệp, phục hồi sản xuất - kinh doanh mà trang trải thất thoát, đóng cửa và rút khỏi thị trường”, ông Hiếu phân tích.
Ông Hiếu cũng nêu quan điểm, cần nhận diện những doanh nghiệp có khả năng hấp thụ vốn, rồi bơm tín dụng cho họ, hỗ trợ họ nâng cao năng lực quản trị, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, xây dựng chiến lược dài hạn trong bối cảnh mới. Có như vậy, việc giảm lãi vay mới đi vào thực chất và không làm gia tăng gánh nặng nợ xấu cho bên cấp vốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận