Giảm phụ thuộc vào khu vực FDI: Kinh tế trong nước phải là trụ cột
Sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là vấn đề đáng quan tâm và cần tìm giải pháp tháo gỡ.
Những điểm yếu
PGS. TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng - cho biết, nửa đầu năm 2019, mức tăng trưởng kinh tế ghi nhận 6,76%, thấp hơn mức tăng 7,08% của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011- 2017. Nền kinh tế đang đứng trước ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tổng cầu thế giới giảm như một phản ứng tất yếu khi các yếu tố rủi ro gia tăng.
7 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 145 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2%, chiếm 30,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 101 tỷ USD, tăng 5,6%, chiếm 69,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kết quả này phần nào bộc lộ rõ điểm yếu lớn của nền kinh tế, đó là phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI ở những mắt xích quan trọng...
Và dù kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng đến 12,2%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung nhưng cũng không đủ để kéo tăng trưởng xuất khẩu toàn nền kinh tế do xuất khẩu khu vực FDI chỉ tăng 5,6%. Đáng nói hơn, thặng dư thương mại từ khu vực FDI đóng vai trò quan trọng bù đắp thâm hụt thương mại từ khu vực kinh tế trong nước nhiều năm qua.
Giải pháp nào?
PGS. TS. Nguyễn Đức Trung cho hay, cần hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực FDI để khu vực kinh tế trong nước thật sự trở thành trụ cột. Muốn vậy, cần có những giải pháp củng cố năng lực và gia tăng hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài nhà nước; tập trung vào tái cơ cấu đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi gắn với công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tái cấu trúc ngành năng lượng...
TS. Phạm Phú Quốc - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, tập trung cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân cũng là góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, vấn đề bội chi cũng đáng quan ngại. Đây là vấn đề mà Chính phủ, cơ quan quản lý cần quan tâm hơn nữa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận