menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thanh Thùy

Giảm phụ thuộc Trung Quốc không có nghĩa là dời đi

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ điểm yếu cốt tử của chuỗi sản xuất, cung ứng khi phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, đối với nhiều doanh nghiệp, việc điều chỉnh chuỗi sản xuất, cung ứng không có nghĩa là rời khỏi Trung Quốc.

Mở rộng chứ không dời đi

Theo một báo cáo của McKinsey, hiện Trung Quốc chiếm tới 35% sản lượng sản xuất toàn cầu. Nước này cũng đã trở thành thị trường lớn nhất trên thế giới đối với nhiều sản phẩm như ô tô, hàng xa xỉ và điện thoại di động, chiếm khoảng trên 30% mức tiêu thụ các hàng hóa này trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa toàn cầu, Bên cạnh đó, làn sóng dịch chuyển còn xuất phát từ những lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và chi phí lao động rẻ hơn ở các quốc gia bên ngoài Trung Quốc.

Gerry Mattios - Phó Chủ tịch Công ty quản lý tư vấn toàn cầu Bain cho biết, đại dịch Covid-19 là “tiếng chuông cảnh tỉnh đối với rất nhiều doanh nghiệp” trong việc quá phụ thuộc vào chuỗi sản xuất, cung ứng từ Trung Quốc. Ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay là làm sao xây dựng được cuỗi cung ứng bền vững. Một cấu phần quan trọng của chiến lược đó là xây dựng tính linh hoạt - khả năng chuyển đổi nhanh chóng từ các nguồn sản xuất khác nhau để đối phó với các cú sốc tương tự như đại dịch Covid-19 trong tương lai.

“Chúng ta sẽ không thấy Trung Quốc đang cạn kiệt sản xuất một cách bất ngờ”, ông nói và cho biết thêm: “Một phần lớn năng lực sản xuất xuất khẩu có khả năng chuyển ra khỏi Trung Quốc, nhưng các hoạt động sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa ở Trung Quốc sẽ ở lại Trung Quốc”.

How Jit Lim - Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Alvarez & Marsal cũng cho rằng, xét trên góc độ kinh doanh, việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững sau đại dịch Covid-19 cũng có nghĩa là phải ý thức rằng đại dịch có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Cũng theo vị chuyên gia này, quyết định chuyển sản xuất đòi hỏi phải có kế hoạch và cam kết lâu dài. Vì vậy điều đó khó có thể xảy ra sau một đêm, đặc biệt là khi các doanh nghiệp cố gắng tiết giảm chi phí trong bối cảnh đang phải vật lộn với nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế.

“Về tổng thể, Trung Quốc vẫn là một giải pháp đầy hấp dẫn về chuỗi cung ứng. Có rất ít quốc gia trên thế giới mà bạn có thể tìm thấy hầu hết mọi thứ cần để xây dựng chuỗi cung ứng... Bên cạnh đó, sự trưởng thành của lực lượng lao động và đội ngũ nhân lực chất lượng cao ở Trung Quốc vẫn rất hấp dẫn”, Lim nói.

Tuy nhiên theo Lim, còn một yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng là chính trị khiến cho những sự dịch chuyển sản xuất không nhất thiết là vì hiệu quả kinh tế cao hơn. Quả vậy, hiện có không ít quốc gia đang gây áp lực hoặc khuyến khích các doanh nghiệp của mình rời khỏi Trung Quốc và trở về nước.

Sẽ hình thành nhiều trung tâm sản xuất

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang nỗ lực níu chân các doanh nghiệp nước ngoài ở lại với nước mình. Trong các cuộc họp báo tháng này, các quan chức Trung Quốc đã nhấn mạnh sự hấp dẫn của thị trường Trung Quốc đối với các doanh nghiệp, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp không nên rời khỏi Trung Quốc. Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ nên hợp tác để xây dựng chuỗi cung ứng mở và tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những nỗ lực này sẽ không ngăn được làn sóng dịch chuyển. Nguyên nhân do, bên cạnh nhu cầu nội tại của doanh nghiệp, sức ép chính trị cũng đang tăng lên, nhất là khi nhiều nền kinh tế lớn đang cân nhắc về vai trò của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Theo McKinsey, phần còn lại của thế giới đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, trong khi quốc gia này trở nên tự chủ hơn khi họ cố gắng phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước để tăng trưởng.

Thế nhưng như đã nói ở trên, mối quan tâm hàng đầu hiện nay của doanh nghiệp là giảm phụ thuộc và xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững chứ không phải là rời bỏ hoàn toàn Trung Quốc. “Chúng ta sẽ bắt đầu thấy những khu vực mới, những địa điểm mới trên khắp thế giới, bắt đầu phát triển năng lực sản xuất, điều mà họ đã từng làm trong quá khứ”, Gerry Mattios - Phó Chủ tịch của Bain nói, đặc biệt nhấn mạnh đến châu Âu. “Cuối cùng, nơi mà chúng ta hướng tới là sản xuất phân mảnh hơn - nhiều công xưởng nhỏ trên thế giới thay vì công xưởng của thế giới”, Mattios nói.

Lẽ đương nhiên điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề lao động việc làm khi mà nước này, trong khi nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bị thu hẹp 6,8% trong quý đầu năm mà nguyên nhân một phần do xuất khẩu tính bằng đồng nhân dân tệ giảm tới 11,4%. Mặc dù xuất khẩu tính bằng nhân dân tệ của Trung Quốc bất ngờ tăng 8% khi các nhà máy mở cửa trở lại và hoạt động xuất khẩu các mặt hàng y tế tăng mạnh. Tuy nhiên giới chuyên môn dự báo điều đó là không bền vững và kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu toàn cầu vẫn yếu vì dịch bệnh, cộng thêm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng phát. Nay lại thêm nguy cơ dịch chuyển sản xuất.

Đó có thể là lý do, Trung Quốc không đặt ra mục tiêu tăng trưởng cụ thể trong năm nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả