Giảm phát siết chặt nền kinh tế Trung Quốc
Giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc giảm nhanh nhất trong 3 năm vào tháng 11 trong khi giảm phát tại nhà máy ngày càng sâu sắc, cho thấy áp lực giảm phát tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gia tăng do nhu cầu trong nước yếu, đòi hỏi nước này cần phải triển khai nhiều biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố hôm thứ Bảy tuần trước (9/12) cho thấy, CPI tháng 11 tại Trung Quốc giảm 0,5% so với tháng 10 và cũng giảm tương tự so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm của CPI so với cùng kỳ năm trước là mạnh nhất kể từ tháng 11/2020. Trong khi CPI cơ bản (không bao gồm giá lương thực và nhiên liệu) chỉ tăng với tốc độ hàng năm là 0,6%, ngang bằng với mức tăng của tháng 10.
Một chỉ báo đáng quan ngại khác đo là chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 3,0% so với cùng kỳ trong tháng 11, mạnh hơn so với mức giảm 2,6% trong tháng 10, ghi nhận tháng giảm thứ 14 liên tiếp và là tháng giảm nhanh nhất kể từ tháng 8.
Trong khi giá tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ở mức giảm phát trong vài tháng, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Pan Gongsheng đã cam kết duy trì chính sách tiền tệ phù hợp để hỗ trợ phục hồi sau đại dịch, nhưng cũng kêu gọi cải cách cơ cấu để giảm sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và tài sản để tăng trưởng.
Tên thực tế từ đầu năm đến nay, PBoC đã cắt giảm lãi suất đối với một số khoản vay và bơm thêm tiền mặt trong những tháng gần đây, trái ngược với các nền kinh tế lớn khác đang thắt chặt chính sách để giải quyết lạm phát. Đặc biệt hồi tháng 9, PBoC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng lần thứ hai trong năm nay.
Tuy nhiên, PBoC đã giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn một năm ở mức 3,45% và lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm ở mức 4,2% trong tháng 11. Trước đó PBoC cũng giữ nguyên lãi suất công cụ cho vay trung hạn (MLF) ở mức 2,5%.
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân khiến PBoC giữ nguyên lãi suất LPR chủ yếu do đồng nhân dân tệ suy yếu đã hạn chế việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa và các nhà hoạch định chính sách đang chờ xem tác động của các biện pháp kích thích trước đó đối với nhu cầu tín dụng.
Với động lực kinh tế yếu và áp lực giảm giá, gới chuyên gia cho rằng, PBoC sẽ sớm có những biện pháp nới lỏng mạnh mẽ hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Trung Quốc đã phải vật lộn với nhiều thách thức kể từ khi thoát khỏi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vì Covid-19 năm 2022 vào đầu năm 2023. Vấn đề cấp bách nhất là cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản và mối liên hệ của nó với việc gia tăng nợ của chính quyền địa phương và các “ngân hàng ngầm” không ổn định. Nhu cầu yếu cả trong nước và quốc tế khiến người tiêu dùng thận trọng trong bối cảnh kinh tế phục hồi không chắc chắn.
Điều đáng ngạc nhiên là nhu cầu đối với các mặt hàng quan trọng như than nhiệt, đồng và quặng sắt vẫn mạnh, tạo ra một nghịch lý khó hiểu.
Moody's đã đưa ra cảnh báo hạ xếp hạng tín dụng đối với Trung Quốc, với lý do chi phí giải cứu chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng BĐS là những yếu tố sẽ đè nặng lên nền kinh tế. Chính phủ không hài lòng khi tin tức về giảm phát khẳng định tình trạng trì trệ của phần lớn nền kinh tế.
Các báo cáo gần đây cho thấy chính phủ Trung Quốc có ý định thúc đẩy nhu cầu trong nước và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế vào năm 2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận