Giảm mạnh tại 5 thị trường chính, xuất khẩu tôm có hồi phục nửa cuối năm?
Nửa đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đồng loạt giảm tại 5 thị trường chính. Cơ hội phục hồi dự báo ở nửa cuối năm.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm tháng 6/2019 ước đạt 685,022 triệu USD, so với tháng 5/2019 giảm 10,14%; lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 1,414 tỷ USD, giảm 13,56% so với cùng kỳ 2018.
Giá bán tôm trong quý II/2019 đồng loạt giảm giá mạnh, đặc biệt là xu hướng giảm khá nhanh từ giữa tháng 5 đến nay do vào vụ thu hoạch chính nên nguồn cung dồi dào.
Dự báo xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm sẽ hồi phục với mức tăng trưởng khoảng 5%.
Các thị trường chính đồng loạt giảm
Kim ngạch xuất khẩu tôm trong 6 tháng qua vào 5 thị trường chính (EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc) đều giảm, trong đó thị trường EU giảm mạnh nhất.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu tôm vào EU chỉ đạt 299,22 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm tới 26,23%.
Thị trường thứ hai là Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 268,04 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 5,52%.
Đứng thứ 3 là thị trường Mỹ, với kim ngạch ước đạt 242,47 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2018 giảm 5,16%.
Thứ 4 là thị trường Trung Quốc ước đạt 227,9 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2018 kim ngạch XK giảm 7,18%.
Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 5 của tôm Việt Nam, giá trị xuất khẩu ước đạt 157,6 triệu USD, giảm 17,24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đây Mỹ thường xuyên đứng vị trí 1 hoặc 2 trong số các thị trường chính, tuy nhiên từ đầu năm 2019 đến nay xuất khẩu sang thị trường này bị giảm do thuế chống bán phá giá tăng cao.
Tuy nhiên, sau khi giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm nay thì xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong hai tháng 4 và 5 đã có dấu hiệu nhích lên. Trong đó, sản phẩm tôm bao bột ghi nhận mức tăng trưởng tốt.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu tôm bao bột từ Việt Nam vào Mỹ 5 tháng đầu năm nay đạt 4.281 tấn, trị giá 30,9 triệu USD, tăng 53% về khối lượng và 48% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trong bối cảnh xuất khẩu tôm sang Mỹ sụt giảm, tốc độ tăng trưởng của sản phẩm này có thể được coi là một dấu hiệu tích cực.
Cơ hội tăng xuất khẩu tôm bao bột vào Mỹ
Hiện nay, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam là ba nguồn cung chính tôm bao bột cho Mỹ, lần lượt chiếm 31%, 26%, và 25% tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ.
Trung Quốc đang phải chịu thuế 25% do Mỹ tăng thuế nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc, dẫn tới sản lượng tôm bao bột cung cấp cho thị trường Mỹ sụt giảm mạnh.
Các nhà nhập khẩu Mỹ đang tìm các nguồn cung khác thay thế. Xét về khả năng cạnh tranh của Thái Lan thì nước này khó lòng cạnh tranh được với Trung Quốc, do chi phí sản xuất cao nên giá xuất khẩu tôm bao bột của Thái Lan luôn cao nhất so với Trung Quốc và Việt Nam.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, để giành thị phần từ Trung Quốc và Thái Lan, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư dây chuyền sản xuất, cho ra sản phẩm có giá cạnh tranh. Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh thị trường Mỹ đối với sản phẩm tôm bao bột là nhờ chi phí sản xuất thấp, cung cấp hàng cho Mỹ với giá cạnh tranh nhất so với các đối thủ.
“Trong bối cảnh xuất khẩu các sản phẩm tôm truyền thống của Việt Nam sang Mỹ đang bị cạnh tranh mạnh từ Ấn Độ và Indonesia, tôm bao bột là mặt hàng có giá trị gia tăng tốt, tỉ suất lợi nhuận cao cộng với lực lượng lao động tỉ mỉ, cần mẫn, tập trung xuất khẩu tôm bao bột sang Mỹ có thể là một kế hoạch hợp lý cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới”, ông Hòe nhấn mạnh.
VASEP dự báo, xuất khẩu tôm nửa cuối năm 2019 sẽ khả quan hơn so với nửa đầu năm do nhu cầu tiêu dùng thủy sản toàn cầu, nhất là từ Trung Quốc, có khả năng tăng. Trong đó, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng lựa chọn tôm thay thế thịt lợn khi dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng.
Mặt khác, căng thẳng thương mại giữa Mỹ, Trung Quốc và Mexico phần nào tạo cơ hội cho thủy sản Việt Nam.
Xa hơn, việc Hiệp định EVFTA đã được ký kết cũng sẽ tạo ra cơ hội đối với ngành thủy sản trong đó có mặt hàng tôm vào thị trường EU.
Hiện tại, mức thuế GSP mà EU dành cho Việt Nam đối với tôm nguyên liệu đông lạnh là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh là 7%. Như vậy khi EVFTA có hiệu lực, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với Thái Lan, Trung Quốc…
Tuy nhiên đây là hiệp định thương mại thế hệ mới, là một hiệp định toàn diện, mạnh về thương mại và phát triển bền vững, bao gồm cả các vấn đề về lao động và môi trường có liên quan trong quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam. Đặc biệt, để được hưởng ưu đãi thuế quan, các sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn xuất xứ của EU.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận