Giảm lãi suất huy động thì lãi suất cho vay mới giảm
Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh nói về việc giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và các hoạt động của Ngân hàng.
Ông đón nhận quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước như thế nào?
Có thể hiểu nôm na về vòng quay kinh tế thế này: Để phát triển nền kinh tế chúng ta phải đầu tư, và để đầu tư được, lãi suất phải thấp đủ để có khả năng sinh lời cho kinh doanh, từ đó mới phát triển lên.
Hiện giờ, mọi người thấy, lãi suất huy động vẫn cao. Phải làm thế nào để giảm lãi suất huy động thì lúc đó lãi suất đầu ra mới giảm. Vòng quay này hiện vẫn chưa tích cực cho lắm, nên quyết định của Ngân hàng Nhà nước là để đẩy vòng quay nhanh hơn. Có nghĩa, ngân hàng cần hỗ trợ ở cả hai chiều, vừa giảm lãi suất cho vay cùng với giảm thiểu chi phí tài chính hoạt động.
Còn cụ thể ở Techcombank, chúng tôi đang tập trung vào việc giảm lãi suất đầu ra cho các doanh nghiệp trung và nhỏ, nhất là những ngành ưu tiên của Chính phủ để giúp những doanh nghiệp này chạy tốt hơn. Khi giảm lãi suất như vậy cũng có nghĩa phải chuyển tiền lời từ ngân hàng, chia sẻ dòng tiền đó. Techcombank đã chủ động thực hiện chính sách miễn phí giao dịch chuyển khoản điện tử (E-Banking 0 đồng) trong ba năm qua, bắt đầu từ tháng 9/2016. Ước tính đến cuối quý I/2019, Techcombank đã “miễn” hơn 600 tỷ đồng tiền phí chuyển khoản giao dịch điện tử cho khách hàng.
Và hiện tại, rất tự hào là nhiều ngân hàng khác cũng đang thực hiện tương tự. Như vậy, các ngân hàng đang cùng đẩy vòng quay tích cực giảm chi phí hoạt động cho khách hàng, cho doanh nghiệp khi giao dịch điện tử.
Việc chia sẻ lợi nhuận như ông nói trên Techcombank có chịu áp lực thế nào trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động?
Thật ra riêng về Techcombank thôi thì không bị ảnh hưởng nhiều, bởi những biến động đó chúng tôi đều đã hoạch định trước trong kế hoạch.
Còn nhìn ra bên ngoài, như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bây giờ, đâu đó, nó có gây ảnh hưởng khá lớn ở Mỹ, cũng như ảnh hưởng khá lớn ở Trung Quốc. Hai bên “cùng chiến” thì ít nhiều cả hai cũng đều bị thương, cho nên nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc theo tôi đang suy giảm.
Vậy nên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới bắt đầu giảm lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng giảm, và đâu đó lãi suất bắt đầu xuống 0% và xuống âm rồi. Bản chất là NHTW giảm lãi suất cho ngân hàng để ngân hàng giảm lãi suất cho doanh nghiệp, mục đích vẫn là để thúc đẩy nền kinh tế. Đó như là một liều thuốc kích thích “tiêm” vào nền kinh tế, có thêm lực để chạy.
Techcombank và riêng các ngành giao dịch xuất khẩu nhập khẩu ra nước ngoài của Việt Nam hiện giờ không bị ảnh hưởng lắm. Có chăng là tỷ giá đang nằm trong tầm chú ý thôi. So với biến động tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ với đồng USD, hay đồng Euro với đồng USD, thì tiền Việt Nam từ đầu năm đến giờ vẫn đang giữ mức độ quân bình không giảm hay tăng, không dao động lớn. Techcombank cũng đã làm việc với doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đảm bảo tỷ giá an toàn, giảm thiểu rủi ro. Đó là chuyện ngân hàng làm khá tốt.Trong bối cảnh đó, Techcombank có bị ảnh hưởng gì hay không?
Với Techcombank, chúng tôi tập trung nhiều vào người tiêu dùng trong nước, vào sáu lĩnh vực kinh tế trọng tâm nhằm tập trung giải quyết những nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế trong nước vẫn ở mức ấn tượng, do đó Techcombank không bị ảnh hưởng nhiều lắm về những biến động của nền kinh tế bên ngoài.
Vậy khả năng Techcombank sẽ tiếp tục nối dài chuỗi kỷ lục tăng trưởng liên tiếp trong kết quả kinh doanh, thưa ông?
Thường nói trước thì bước không qua. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng so với kế hoạch đã trình xin ý kiến và được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 4/2019 thì những kết quả đến nay đều khả quan hơn.
Nhìn lại quá trình chuyển đổi và giai đoạn phải “sửa nhiều thứ” cho đến nay, đâu là những điều ông tự hào nhất?
Điểm khẳng định và tự hào đầu tiên là Techcombank đã định vị thương hiệu tốt trên thị trường. Chúng tôi đã khởi xướng tinh thần cùng nhau vượt trội hơn mỗi ngày đến cộng đồng, lan tỏa phong trào dẫn dắt lối sống lành mạnh như giải Marathon quốc tế TP. Hồ Chí Minh Techcombank mà năm 2020 sẽ được mở rộng tại Hà Nội; giải thể thao Ironman… Tôi rất tự hào khi giờ đây, gần như tuần nào cũng có một giải chạy được ngân hàng hoặc doanh nghiệp nào đó phát động để mang lại lợi ích rèn luyện sức khỏe cho người dân.
Với khách hàng, trong rất nhiều sản phẩm và dịch vụ, nhiều chính sách đồng hành, Techcombank tự hào đem lại hành trình trải nghiệm và những giá trị lớn cho khách hàng. Sau các chương trình hỗ trợ, gắn chặt với lợi ích của khách hàng, số lượng giao dịch tại Techcombank, chỉ tính riêng khách hàng cá nhân, đã tăng tới 20 lần sau hơn 3 năm qua, tức khách hàng đã thay đổi rất lớn cách thức dùng tiền. Và chính những thành công của Techcombank với E-Banking 0 đồng đã thu hút nhiều ngân hàng khác đi theo, và tạo hiệu ứng giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Để đáp ứng và xử lý tốt nhu cầu và lượng giao dịch tăng đến như vậy, tất nhiên Techcombank phải mạnh về nền tảng, và đi đầu về công nghệ và tiện ích. Đó cũng là điểm làm được của Techcombank. Đến nay nhìn lại, điều mà Techcombank tự hào nhất là những chính sách và chiến lược của mình đã góp phần thay đổi được giải pháp tài chính, chi phí tài chính của khách hàng, qua đó góp phần thay đổi cách người Việt dùng tiền.
Và nói gì thì nói, thành công phải dựa trên kết quả kinh doanh. Techcombank tự hào về hiệu quả hoạt động. Hiện, Techcombank đứng ở vị trí thứ 7 về tổng tài sản; thứ 6 về tổng doanh thu, song về lợi nhuận đứng ở vị trí thứ 2 chỉ sau Vietcombank, và đứng đầu trong hệ thống ngân hàng về hiệu quả trên tổng tài sản (ROA). Như vậy, mục tiêu đứng số 1 về hiệu quả đã về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra cho giai đoạn chuyển đổi 2016 - 2020.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận