Giảm đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ lương hưu sẽ giảm theo
Nếu đưa tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) giảm như đề xuất của 13 hiệp hội doanh nghiệp, lương hưu lẫn chế độ sẽ giảm, theo ban soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Luật hiện hành quy định mức đóng của người lao động và chủ sử dụng trong khu vực BHXH bắt buộc vào các Quỹ Bảo hiểm xã hội là 25,5%, bao gồm quỹ thành phần Hưu trí tử tuất 22%, Ốm đau thai sản 3% và 0,5% vào quỹ Tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp; 4,5% vào Quỹ Bảo hiểm y tế và 2% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tổng mức đóng 32% tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng BHXH.
13 hiệp hội doanh nghiệp hôm 23/10 cho rằng, đây là tổng mức rất cao và kiến nghị giảm còn 24%. Trong đó, tỷ lệ đóng đề xuất vào Quỹ Bảo hiểm xã hội là 19,5% (Hưu trí tử tuất 16%; Ốm đau thai sản 3%, Tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp 0,5%). Tỷ lệ đề xuất đóng các quỹ còn lại gồm Bảo hiểm y tế 3% và Bảo hiểm thất nghiệp 1%.
Tỷ lệ đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội theo đề xuất của các hiệp hội là mức đóng trước năm 2009, thời điểm một số quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2006 chưa có hiệu lực. Luật quy định từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần, lao động đóng thêm 1% mức tiền lương, tiền công vào Quỹ Hưu trí tử tuất cho đến khi đạt tỷ lệ 8% và chủ sử dụng đạt 14%.
Từng tham gia sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội 2006, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân lý giải tỷ lệ đóng tăng theo lộ trình hai năm thêm 1% để chống sốc cho chủ sử dụng lẫn người lao động. Mục tiêu là nâng dần mặt bằng lương hưu khi nền lương tính đóng BHXH quá thấp. Năm 2009, lương tối thiểu chung mới đạt 650.000 đồng mỗi tháng.
"Việt Nam chọn mô hình tính mức hưởng trước nên mức đóng luôn phải đuổi theo nhằm cân đối độ bền của Quỹ Hưu trí tử tuất", ông giải thích, thêm rằng các hiệp hội so sánh với nhiều nước khác song mô hình đóng - hưởng BHXH không tương đồng. Trong đó, có nước dựa trên tài khoản cá nhân, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.
Theo ông Huân, trong bối cảnh này khó giảm được tỷ lệ đóng BHXH vì liên quan lương hưu và thụ hưởng các chế độ của người lao động. Song với quỹ tọa chi (chi trừ dần hàng năm) như Bảo hiểm thất nghiệp nên nghiên cứu giảm dần mức đóng, hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí. Việc duy trì mức đóng giúp nguồn thu vào quỹ ngày càng lớn trong khi chi phí doanh nghiệp tăng.
Nhiều nước điều chỉnh bằng cách giảm đóng, tăng chi khi nguồn thu lớn và ngược lại, chi nhiều thì tăng tỷ lệ đóng. Tại Việt nam, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp mỗi bên 1% đã được áp dụng từ năm 2009 đến nay, tức sau 14 năm chưa thay đổi. Trong khi với các quỹ ngắn hạn thì 3- 5 năm phải rà soát lại mức đóng - hưởng và điều chỉnh nếu cần thiết.
"Giảm tỷ lệ đóng BHXH đồng nghĩa phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ, trong đó quan trọng nhất là tỷ lệ hưởng lương hưu, khiến giá trị thực mức hưởng các chế độ BHXH khác của lao động còn thấp hơn so với hiện hành", ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội nói, cho rằng đề xuất này không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn hiện nay của Việt Nam. Bởi mức đóng BHXH gồm tỷ lệ đóng và tiền lương làm căn cứ đóng được tính toán kỹ lưỡng trong mối tương quan mức hưởng, giá trị thực tế của mức đóng- mức hưởng các chế độ, cũng như thời gian đóng và thời gian hưởng, độ bao phủ lưới an sinh.
Việt Nam có tỷ lệ đóng BHXH cao so với một số nước trong khu vực, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, tương ứng 30 năm tham gia BHXH với nữ và 35 năm với nam, cũng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Như vậy, tỷ lệ tích lũy cho mỗi năm đóng BHXH khoảng 2,14% với nam và 2,5% với nữ, trong khi các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, tỷ lệ này chỉ được tính 1% và bình quân của thế giới là 1,7%.
Luật đã quy định từ năm 2018 trở đi, tiền lương tính đóng BHXH gồm tổng mức lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung khác ổn định, thường xuyên được ghi trong hợp đồng lao động nhằm từng bước tiệm cận tiền lương, thu nhập thực tế của lao động. Song nhiều doanh nghiệp thực thi không đầy đủ, thậm chí còn tách thu nhập của lao động thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để không phải tính đóng BHXH.
"Có doanh nghiệp tách thành hàng chục khoản phụ cấp, phúc lợi khác nhau để không phải tính đóng BHXH", ông Cường nêu thực tế, thêm rằng nền lương đóng BHXH thấp đã ảnh hưởng trực tiếp tới tiền hưởng thực tế các chế độ ốm đau, thai sản, đặc biệt là tiền lương hưu sau này của người lao động. Mức lương hưu bình quân hiện chỉ đạt 5,4 triệu đồng dù tỷ lệ hưởng tối đa tới 75%.
Thống kê năm 2022, tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH của lao động chỉ đạt 5,7 triệu đồng, nhích hơn lương tối thiểu vùng và tăng 1,4 triệu so với năm 2016 - thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành có hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập: làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và thu nhập thực tế. Có doanh nghiệp trưng hơn 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi và gần như không thể tính đóng BHXH.
Giảm đóng BHXH là kiến nghị thường xuyên của các doanh nghiệp mỗi lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Đây là lần thứ hai trong vòng 5 tháng, các hiệp hội doanh nghiệp gửi góp ý với cùng kiến nghị giảm mức đóng BHXH vì cho rằng tỷ lệ cao.
Năm 2016, sau 9 tháng thực thi Luật Bảo hiểm xã hội 2014, các doanh nghiệp cũng kiến nghị giảm đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất từ 22% xuống mức 18%. Đây là năm đầu tiên thực hiện quy định tính đóng BHXH dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Doanh nghiệp thời điểm đó cho rằng cách tính này khiến họ chịu áp lực khi chi phí tăng cao.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp 6 đang diễn ra, thông qua tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận