24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Quang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giám định các vụ án quá... tốn kém, Bộ Công an đang “nợ” không ít

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an - than công tác giám định đang là vướng mắc lớn, chi phí cao, thời gian kéo dài. Giám định vụ vỡ đường ống nước sông Đà tốn 2 tỷ. Vụ Vũ “nhôm” cũng phải trưng cầu giám định lớn, địa phương chi không xuể. Bộ Công an đang “nợ” các tổ chức giám định không ít…

Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 13, sáng 5/9, UB Tư pháp thực hiện giám sát về công tác giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.

Theo báo cáo của đoàn giám sát do Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Pha trình bày tại phiên họp, một số vụ việc giám định trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai… (để phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế) còn bị kéo dài. Ngoài những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo đúng thời hạn tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, còn lại các trường hợp khác thời gian giám định thường bị kéo dài, không đáp ứng yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cá biệt có vụ án thời gian giám định kéo dài tới 5 năm.

“Việc cử người giám định ở các bộ ngành thường không kịp thời, làm chậm quá trình giải quyết vụ án. Một số kết luận giám định dùng từ ngữ khó hiểu hoặc chung chung, có dấu hiệu né tránh trách nhiệm, nhất là giám định về tài chính ngân hàng, kinh tế; dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án” - Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Pha nhận định.

Một vướng mắc quan trọng cũng đã được đoàn giám sát của UB Tư pháp chỉ rõ. Dẫn báo cáo chuyên đề của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Pha cho biết, đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, các cơ quan giám định tài chính kế toán thường yêu cầu phải có giám định chất lượng công trình trước, hoặc công trình phải được quyết toán thì mới có cơ sở kết luận về tài chính kế toán (kể cả công trình đã qua kiểm toán).

Trong khi đó, các công trình xây dựng cơ bản phải thi công trong nhiều năm và không biết khi nào mới quyết toán được. Nếu chưa quyết toán, mặc dù có việc lập chứng từ giả mạo, tiền đã xuất ra khỏi quỹ, bị chiếm đoạt vào túi cá nhân thì giám định tài chính vẫn có thể có quan điểm cho rằng đó là khoản tiền tạm ứng (vì công trình chưa quyết toán), nên chưa cấu thành tội phạm.

Đoàn giám sát cho rằng, đây là một thực tế diễn ra tương đối phổ biến trong công tác điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan tư pháp trung ương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác giám định theo vụ việc để có giải pháp xử lý cụ thể, nếu không sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, kinh phí phục vụ cho công tác giám định trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ trọng cao, việc cấp kinh phí chậm trễ trong khi thời hạn điều tra vụ án bị giới hạn, dẫn đến quá trình xử lý vụ án bị kéo dài hoặc không thể xử lý được.

Giám định các vụ án quá... tốn kém, Bộ Công an đang “nợ” không ít
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an nêu nhiều điểm vướng mắc liên quan đến giám định tư pháp.

Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Lê Quý Vương cũng nói thêm, việc giám định tư pháp các vụ án loại này liên quan đến rất nhiều bộ ngành, từ Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Khoa học - Công nghệ, Tài chính… nên đòi hỏi tính phối hợp rất cao; giám định viên phải có trình độ, hiểu biết đa ngành.

“Các bộ ngành cần có kế hoạch xây dựng tổ chức giám định vụ việc của mình để cơ quan tư pháp có thể gửi yêu cầu giám định đúng người, đúng việc” - ông nói.

Thứ trưởng Lê Quý Vương chia sẻ, chi phí giám định cũng là vướng mắc rất lớn. Bộ Công an hiện nay “nợ” các tổ chức giám định không ít. Như giám định vụ vỡ đường ống nước sông Đà, chi phí lên đến khoảng 2 tỷ đồng. Vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) phải trưng cầu giám định với khối lượng rất lớn, địa phương làm không xuể.

Trước đó, khi bị phê bình về việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều gây kéo dài thời gian làm án, gây áp lực với bị can, bị cáo… Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cũng nêu một nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là vì vướng giám định. Quy định hiện còn vênh khi việc điều tra, tạm giam, truy tố… thì có thời hạn nhưng giám định lại không. Có những vụ việc trưng cầu giám định 5 tháng vẫn không có trả lời, vậy là “chết” cả quy trình điều tra.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả