Giảm áp lực nợ xấu ngân hàng thời COVID-19
Các đợt bùng phát dịch COVID-19, nhất là từ nửa đầu năm 2021 đến nay đang tác động tiêu cực đến khả năng trả nợ của khách hàng, tạo áp lực nợ xấu lên hoạt động tín dụng ngân hàng. Giải pháp nào để giảm áp lực nợ xấu cho hệ thống ngân hàng nhưng vẫn hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh?
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng.
Nhìn lại quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thời gian qua, ông đánh giá như thế nào?
Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng kể từ khi đưa vào triển khai đến nay đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, Nghị quyết 42 tạo ra hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ. Mặt khác, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, từ các bộ ngành đến chính quyền địa phương các cấp, tòa án... cùng tạo điều kiện hỗ trợ cho việc hoàn tất thủ tục thi hành án, xử lý tài sản đảm bảo. Hơn nữa, người dân nhận thức được trách nhiệm trả nợ cao hơn nhiều so với trước.
Tổng số nợ xấu xử lý từ khi thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC) đến nay khoảng 550 nghìn tỷ đồng; trong đó 350 nghìn tỷ đồng xử lý theo Nghị quyết 42, chiếm 66%. Trong 350 nghìn tỷ đồng đó có 150 nghìn tỷ đồng là khách hàng tự trả nợ. Điều này cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã tăng gấp đôi so với trước khi có Nghị quyết 42.
Nợ xấu thường đi chậm hơn một bước và độ trễ rất dài. Hiện các tổ chức tín dụng đang tái cơ cấu, xử lý để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn và kết quả triển khai đang rất khả quan, thể hiện sự cố gắng tích cực của các tổ chức tín dụng và ý thức của người dân, khách hàng.
Đồng thời, trình độ nghiệp vụ trong phân tích, thẩm định, đánh giá các khoản vay mới của nhân viên ngân hàng cũng được nâng cao nên hạn chế phát sinh nợ xấu. Tốc độ thu hồi nợ xấu cũ và nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang trên đà tích cực.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và cả nền kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng các ngân hàng đã nhìn nhận đánh giá và xây dựng kịch bản riêng của mình.
Song song với thực hiện giảm lãi suất hỗ trợ người dân, ngân hàng cũng chủ động nâng cao năng lực tài chính và vốn tự có để đảm bảo khả năng của mình trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Thông tư 03 yêu cầu trích lập dự phòng trong thời gian 3 năm với tỷ lệ trích lập tối thiểu là 30%, nhưng nếu tình hình tài chính của tổ chức tín dụng tốt nên trích dự phòng các khoản nợ đó ngay từ bây giờ để có dự phòng trong tương lai.
Việc thu hồi nợ trong giai đoạn hiện nay là rất khó khăn với các tổ chức tín dụng. Khi khách hàng không phải là đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng không có khả năng trả nợ hoặc không trả nợ ngân hàng, phát sinh nợ quá hạn trong thời gian dài, ngân hàng bắt buộc phải thu hồi nợ, thậm chí cả biện pháp rắn là khởi kiện ra tòa, thu giữ, phát mại tài sản đảm bảo.
Thêm nữa, việc tiếp cận để đôn đốc thu nợ khách hàng cũng rất khó do phải đảm bảo các quy định phòng chống dịch COVID-19 nên chỉ dựa chủ yếu vào ý thức khách hàng trong việc trả nợ.
Bài toán đặt ra cho các ngân hàng là làm sao để tạo hiệu ứng với người dân và khách hàng trong giai đoạn này rằng nếu có điều kiện trả nợ, có nguồn thu nhập thì tập trung vốn để trả những khoản nợ cũ và đề xuất các phương án mới để tiếp tục ổn định kinh doanh và phục hồi.
Cần phải nhìn nhận lợi nhuận ngân hàng một cách toàn diện và khách quan. Đó là kết quả của cả một quá trình dài tái cơ cấu trong 5 năm vừa qua. Các ngân hàng đã dành mọi nguồn lực, đảm bảo nâng vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn CAR. Có ngân hàng không chia cổ tức nhiều năm để dành vốn dự phòng rủi ro.
Mặt khác, các ngân hàng đang thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước nên chưa phải trích dự phòng rủi ro, lợi nhuận vì thế có chiều hướng tăng.
Một yếu tố nữa là việc ứng dụng ngân hàng số tạo điều kiện cho người dân, đồng thời cũng đem lại lợi ích cho ngân hàng. Bởi khi người dân không sử dụng tiền mặt thì số tiền trong tài khoản sẽ tăng lên, chính là khoản tiền gửi không kỳ hạn, tạo điều kiện chênh lệch lãi suất huy động và cho vay được nới rộng.
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng. Đây là bước đi rất phù hợp trong giai đoạn này. Bởi dịch bệnh dù đang rất phức tạp nhưng tôi kỳ vọng với những giải pháp mạnh tay của Chính phủ thì sẽ sớm kiểm soát được.
Khi đó doanh nghiệp sẽ trở lại ổn định, duy trì sản xuất và phục hồi. Các doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất do dịch bệnh sẽ trở lại với cường độ làm việc cao hơn, nhu cầu vốn lớn hơn, thì ngân hàng cũng cần tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp đó.
Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho trong nước và xuất khẩu, khi trở lại hoạt động cũng rất cần vốn. Các ngân hàng cần đánh giá hiệu quả của phương án kinh doanh để cấp vốn kịp thời cho doanh nghiệp. Đây là cơ hội cho phục hồi sản xuất.
Nhìn nhận được điều này, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nới room tín dụng cho các tổ chức tín dụng, tạo tiền đề để từ nay đến cuối năm các tổ chức tín dụng có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận