24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giảm 2% thuế VAT: Cú hích cho tiêu dùng?

Chính sách tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) đến hết năm 2024 sẽ giúp giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, doanh nghiệp có cơ hội gia tăng sản xuất.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72 quy định chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội. Theo đó, sẽ tiếp tục giảm 2% thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Việc giảm 2% thuế suất thuế VAT sẽ được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nghị định cũng quy định cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế VAT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được quy định cụ thể) đạt được kết quả tích cực.

Số thuế VAT dự kiến giảm khi xây dựng chương trình là 49.400 tỷ đồng. Số thực hiện đạt 44.458 tỷ đồng, trong đó làm giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2022 là 41.498 tỷ đồng, làm giảm thu ngân sách Nhà nước tháng 1/2023 là 2.960 tỷ đồng, bằng 90% số dự kiến.

Việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT cho 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến sẽ làm giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng/tháng.

Chị Bùi Thu Châu (phường Hoàng Liệt, TP Hà Nội) cho biết từ năm 2023 đến nay, với việc giảm thuế VAT nhiều mặt hàng từ 10% còn 8%, mỗi lần đi siêu thị, chị tiết kiệm được vài chục ngàn đồng cho mỗi hóa đơn thanh toán.

"Số tiền cho từng lần mua hàng không lớn nhưng tính trên nhiều hóa đơn thì rất đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, chi tiêu phải tính toán như hiện nay",chị Nguyệt nhận xét.

Nhấn mạnh cần tiếp tục giảm thuế VAT đến hết năm 2024, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng việc giảm thuế VAT cũng chính là tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể sử dụng, tiêu thụ hàng hóa hóa nhiều hơn. Trên cơ sở đó kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa lớn khi cùng với đầu tư và xuất khẩu, tiêu dùng trong nước là một trong 3 động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Theo chuyên gia này, số tiền giảm thể hiện trên từng hóa đơn mua hàng sẽ kích thích người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống. Từ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng mạnh, người dân cũng hưởng lợi khi có thêm công ăn việc làm.

Về phía doanh nghiệp, việc giảm thuế sẽ giúp tiêu thụ của thị trường trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của doanh nghiệp cũng giảm, từ đó hạ giá thành sản xuất. Từ việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, các doanh nghiệp tăng tính thanh khoản trong kinh doanh, quay vòng vốn để phục vụ hoạt động của mình.

Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Agrex Sài Gòn đánh giá cao chính sách giảm 2% thuế VAT, nhờ chính sách này, doanh nghiệp vừa giảm chi phí giảm, giá thành giảm, giá bán giảm. Và cái lợi là kích thích sản xuất lẫn tiêu dùng.

“Trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, cước phí vận chuyển cũng tăng cao, giá bán doanh nghiệp Việt Nam rất khó giữ, tăng thì khó cạnh tranh, sức mua giảm. Do đó, những chính sách giảm thuế như giảm 2% VAT hay giãn thời gian nộp thuế là những trợ lực rất cần thiết để doanh nghiệp trong nước hồi phục”, ông Long chia sẻ.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 6 ước đạt 522,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước do doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng. Trong quý 2, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.558,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với quý trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%).

Các chuyên gia đánh giá, chính sách giảm thuế VAT vừa chính thức thông qua và thực hiện đến cuối năm nay kỳ vọng sẽ kích cầu tiêu dùng hơn nữa.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả