Giải tán quỹ vẫn thu phí hàng chục tỷ, có giảm được ban phát?
Ðoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đề xuất cơ quan có thẩm quyền bỏ ngay 6 quỹ, trong đó có Quỹ Bảo trì đường bộ. Mới đây, Thủ tướng cũng có văn bản đồng ý giải thể Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương, do không còn phù hợp. Tuy vậy, phí sử dụng đường bộ sẽ không bị bãi bỏ.
Cả chục nghìn tỷ đồng tiền phí mỗi năm
Sau đề xuất bỏ Quỹ bảo trì đường bộ, nhiều chủ phương tiện đã thắc mắc về khoản phí sử dụng đường bộ phải nộp khi đi đăng kiểm ô tô. Vì vậy, Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) đã phải có văn bản gửi các trung tâm đăng kiểm để giải thích rằng, phí sử dụng đường bộ đã quy định tại Luật Phí và lệ phí, vẫn phải thu.
Quỹ Bảo trì đường bộ được quy định theo Luật Giao thông đường bộ 2008, chính thức hoạt động từ năm 2013, thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện ô tô qua đăng kiểm. Khi chưa có loại phí này, mỗi năm ngân sách cấp cho hoạt động bảo trì đường bộ khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng. Từ khi có quỹ, ngoài phần ngân sách nhà nước cấp bổ sung, có thêm nguồn thu từ chủ phương tiện, với mức thu tăng đều theo các năm, hiện trên 7.000 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, theo Luật Phí và Lệ phí, Luật Ngân sách, từ tháng 1/2017, toàn bộ phí sử dụng đường bộ thu của ô tô được nhập về ngân sách nhà nước, thay vì đưa vào tài khoản Quỹ Bảo trì đường bộ. Dựa trên số thu, nhiệm vụ chi hằng năm, Bộ Tài chính sẽ cấp phát trực tiếp tiền bảo trì đường bộ, không để Hội đồng quản lý (HĐQL) Quỹ quyết định. Cũng chính thay đổi này, từ năm 2017 tới nay, HĐQL Quỹ bảo trì đường bộ trung ương trở thành 1 bộ phận trung gian, thậm chí còn làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn bảo trì đường bộ. Đây cũng là lý do Bộ Tài chính và Bộ GTVT báo cáo và được Thủ tướng đồng ý cho giải thể HĐQL Quỹ bảo trì đường bộ trung ương. Bộ GTVT đang sửa đổi quy định để giải thể HĐQL và văn phòng của Quỹ.
Theo dự thảo nghị định về quỹ bảo trì đường bộ thay thế Nghị định 18/2012, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án: Xóa bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ và quy định nguồn tài chính cho công tác bảo trì đường bộ được đảm bảo từ ngân sách nhà nước; Vẫn giữ Quỹ nhưng giải thể HĐQL và văn phòng Quỹ, chuyển cơ chế hoạt động. Cơ quan soạn thảo chọn phương án vẫn giữ Quỹ và tổ chức lại bộ máy quản lý. Bộ trưởng GTVT sẽ kiêm Chủ tịch Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh quản lý, sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cũng cho biết, do quy định thay đổi nên tổ chức bộ máy cũng phải thay đổi. Trước đây, Tổng cục Đường bộ xây dựng kế hoạch bảo trì đường bộ hằng năm, HĐQL Quỹ sẽ theo đó quy định phân bổ vốn từ Quỹ. Nay, phí chuyển về Bộ Tài chính nên kế hoạch chi sẽ do Bộ Tài chính quyết định, dựa trên kế hoạch chi ngân sách Quốc hội duyệt.
Ban phát quỹ
Về hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ, bên cạnh thành tích, theo kết quả kiểm toán giai đoạn 2015-2016, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Theo đó, với Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, Tổng cục Đường bộ được giao xây dựng kế hoạch chi tiêu chính. Tuy nhiên, ở thời điểm kiểm toán, Tổng cục Đường bộ chưa xây dựng đủ cơ sở dữ liệu để theo dõi hệ thống cầu đường, tính thời gian, kế hoạch bảo trì. Dẫn tới giao kế hoạch vốn cho một số công trình chưa đúng mục đích của Quỹ… Tại cuộc họp tổng kết năm 2017 của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng truy trách nhiệm của Văn phòng Quỹ về việc giữ lại 15% (khoảng 320 tỷ đồng) là phần phân bổ cho địa phương năm 2017 nhưng tới tháng 2/2018, khoản này vẫn chưa được chuyển. Ông Thể yêu cầu phải chuyển ngay.
Một chuyên gia tài chính cho biết, tổ chức quỹ tài chính nhưng hoạt động như đơn vị hành chính trong bộ, ngành, địa phương nên chưa chặt chẽ. Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, phần lớn nhân sự quản lý các quỹ là cán bộ quản lý nhà nước chuyển sang, trong khi đây là các tổ chức tài chính phi ngân hàng, đòi hỏi có nghiệp vụ quản lý tài chính rất chuyên sâu. Do đó, người quản lý nhiều khi chưa đáp ứng được yêu cầu. Dù vậy, các bộ ngành đều muốn thành lập các quỹ tài chính do mình quản lý. Vì quỹ tài chính được dùng chi cho hoạt động các bộ ngành, địa phương khác, nên bộ nào quản lý quỹ sẽ có quyền ban phát quỹ, thay vì xin ngân sách nhà nước.
Theo thống kê của Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương, giai đoạn 2013-2017, quỹ đã cấp vốn xử lý 1.031 cầu yếu, 614 điểm đen tai nạn giao thông; hơn 76 triệu m2 mặt đường; mở rộng 1.000km mặt đường hẹp… Về thu, Quỹ liên tục tăng trưởng, từ hơn 5.435 tỷ đồng năm 2013, lên hơn 7.047 tỷ đồng năm 2017. Năm 2019, Quỹ dự kiến thu khoảng 7.500 tỷ đồng từ chủ xe ô tô. Ngoài ra, mỗi năm ngân sách nhà nước cấp bổ sung bình quân thêm khoảng 3.000 tỷ đồng. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận