Giải quyết tranh chấp nhà chung cư: Cần sớm dứt điểm
Hàng năm, Bộ Xây dựng và chính quyền các tỉnh, TP đều tổ chức các đoàn kiểm tra về công tác quản lý nhà nước trong quản lý vận hành và sử dụng nhà chung cư. Nhưng thực tế, những khó khăn, vướng mắc chính chưa được giải quyết, vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình kiểm tra.
Dây dưa kéo dài
Trưởng ban quản trị nhà A1 chung cư 54 Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) Nguyễn Đức Tiến cho biết, mặc dù cư dân đã sinh sống tại dự án này được trên 15 năm qua, nhưng vấn đề tranh chấp giữa người dân với chủ đầu tư dự án chưa khi nào kết thúc.
"Từ những vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng phí bảo trì nhà chung cư cho đến những quy định về diện tích sử dụng chung - riêng, chúng tôi đã nhiều năm kiến nghị với chính quyền và làm việc với chủ đầu tư nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng" - ông Tiến cho hay.
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-SXD ngày thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước nhằm làm rõ những hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ; xác định nguyên nhân, trách nhiệm nhằm kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn, khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP.
Theo kế hoạch, trong quý II/2020, Đoàn sẽ kiểm tra tại các quận, huyện: Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì. Trong quý III, quý IV/2020, kiểm tra tại các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mê Linh, Đan Phượng, Quốc Oai.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã có văn bản ủy quyền cho UBND huyện Thanh Trì ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì 2% nhà chung cư NC2, KĐT mới Cầu Bươu, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì; ủy quyền cho UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì 2% nhà chung cư N03T8 Khu đoàn ngoại giao, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm; ủy quyền cho UBND huyện Hoài Đức ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì 2% nhà chung cư 18T1, 18T2 The Golden An Khánh, huyện Hoài Đức.
Sớm giải quyết dứt điểm
Tính đến thời điểm hiện tại, TP Hà Nội có gần 2.600 chung cư, chiếm 58% số lượng chung cư của cả nước, trong đó có gần 1.580 chung cư cũ, 845 chung cư thương mại và 174 chung cư tái định cư. Trong đó, có 86 chung cư có tranh chấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.
Mâu thuẫn chủ yếu là việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, một số chủ đầu tư không bàn giao cho ban quản trị tòa nhà, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân... Bên cạnh đó, số lượng dân số đang sinh sống tại các dự án nhà chung cư chiếm tới 14% tổng dân số của Thủ đô.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, những tranh chấp tại các dự án nhà chung cư trong thời gian qua xuất phát từ việc các doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà "bỏ quên" trách nhiệm của mình đối với khách hàng.
"Việc giảm bớt diện tích sử dụng chung để gia tăng diện tích căn hộ với mục đích bán thu lợi nhuận tối đa. Còn đối với 2% phí bảo trì, có những dự án lớn lên tới hàng trăm tỷ đồng, chủ đầu tư đã tự ý sử dụng nguồn tài chính này để tái đầu tư thu thêm lợi nhuận" - ông Tùng cho hay.
Ở khía cạnh khác, Luật sư Nguyễn Hồng Thơm - Hội Luật gia Việt Nam cho biết, cơ quan chức năng cần sớm giải quyết dứt điểm vấn đề này, bao gồm cả việc ban hành những quy định có tính cưỡng chế đối với các chủ đầu tư liên quan đến tranh chấp chung - riêng hay việc quản lý, sử dụng phí bảo trì (2%).
"Bộ Xây dựng cần sớm xây dựng quy chế làm cơ sở cho các địa phương thực hiện, trong đó có các biện pháp cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải xây dựng đúng theo thiết kế được phê duyệt và buộc phải bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho Ban quản trị chung cư, cũng như yêu cầu các biện pháp quản lý đối với đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư theo đúng cam kết theo hợp đồng và các quy định pháp luật liên quan" - ông Thơm nhìn nhận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận