Giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại giúp cải thiện môi trường kinh doanh
Nhiều chuyên gia khẳng định, hòa giải thương mại không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm chi phí mà còn giúp cải thiện môi trường kinh doanh.
Trong một Hội thảo mới đây về chủ đề hòa giải thương mại, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, nếu làm tốt, đây sẽ là phương án phù hợp được nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực thầu xây dựng lựa chọn.
Theo ông Hiệp, trong lĩnh vực thầu xây dựng, việc xử lý tranh chấp và giữ vững quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu là khá nhạy cảm.
“Có một thực tế bất cập hiện nay là dù bị chiếm dụng vốn, song nhà thầu vẫn không dám lên tiếng kiện chủ đầu tư khi có nợ đọng hoặc tranh chấp do e ngại chủ đầu tư không hợp tác tiếp ở các dự án sau nữa. Vì vậy, hòa giải là phương án tối ưu cho các doanh nghiệp”, ông Hiệp khẳng định.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) cho rằng với việc cung cấp thêm một công cụ giải quyết tranh chấp thương mại, hòa giải thương mại đã góp phần vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Giám đốc VMC bày tỏ mong muốn rằng ngoài con đường giải quyết tranh chấp bằng tòa án, trọng tài thì hòa giải chính là phương án giải quyết có lợi cho cả hai bên.
Tính tới thời điểm hiện tại, VMC đã nhận được 5 yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại và đáng chú ý cả 5 vụ đều trong lĩnh vực xây dựng với tổng trị giá tranh chấp lên đến 934,5 tỷ đồng. Tuy các tranh chấp có yếu tố phức tạp nhưng với các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực pháp luật và kinh tế, được đào tạo chuyên sâu về giải quyết tranh chấp nói chung cũng như hòa giải thương mại nói riêng, đã giúp doanh nghiệp tìm được phương án giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất.
Cũng như các doanh nghiệp ngành xây dựng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm cũng thuộc dạng có tranh chấp nhưng “không muốn đi kiện”.
Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, thực tế là khách hàng có thể bỏ hàng giờ đi chọn đồ khi mua sắm nhưng lại không chịu đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm, hoặc khi được tư vấn không chú ý, kê khai không đúng (như khai không đúng về bệnh về sức khỏe…), nên khi xử lý bảo hiểm thì mâu thuẫn phát sinh... Việc một số vụ tranh chấp liên quan đến bảo hiểm đưa nhau ra tòa cũng là “điều bất đắc dĩ” và hòa giải thương mại được xem là phương thức hữu hiệu để giải quyết tranh chấp.
“Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hầu như các thành viên IAV chưa biết có VMC. Chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức các buổi gặp gỡ giữa các thành viên với VMC để hiểu rõ hơn về hòa giải thương mại, tiến tới sẽ chọn hòa giải là phương thức đầu tiên nếu có tranh chấp….”, ông Dũng cho hay.
Kinh nghiệm từ thế giới cho thấy, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp được ưa chuộng, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Ví như Singapore, từ năm 1990, việc triển khai quyết liệt hoạt động hoà giải cùng với cam kết của Chính phủ trong việc đưa cơ chế hoà giải vào trong hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại đã biến Singapore thành địa điểm thu hút đầu tư lớn trên thế giới, cũng như tăng năng lực cạnh tranh, chỉ số minh bạch quốc gia. Tính đến năm 2018, đã có hơn 3.600 vụ việc đã được hòa giải ở Trung tâm hòa giải Singapore, 70% số vụ đã hòa giải thành công (trong đó, 90% số vụ được giải quyết chỉ trong 2 ngày).
Với phương thức hòa giải thương mại và vai trò của VMC thì phí tổn giải quyết tranh chấp giảm đáng kể so với các cách khác. Tuy nhiên ở Việt Nam, thực tế là phần lớn doanh nghiệp chưa biết đến VMC. IAV và VMC đã lên kế hoạch tổ chức các buổi gặp gỡ giữa các thành viên của IAV với VMC để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hòa giải thương mại, và coi hòa giải là phương thức đầu tiên nếu có tranh chấp.
Trong khi đó, ở tầm vĩ mô, dù trực tiếp hay gián tiếp, thì trong các Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đều đã đề cập nhiều đến hỗ trợ giải quyết tranh chấp bằng hoà giải thương mại, qua đó cải thiện chỉ số cũng như môi trường đầu tư kinh doanh. “Đây là thông điệp rất quyết liệt của Chính phủ trong việc khuyến khích các cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài toà án nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) phát biểu. Nhưng việc sử dụng công cụ hòa giải phụ thuộc nhiều vào cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. “Hãy sử dụng hoà giải thương mại, tự sử dụng quyền lực giải quyết tranh chấp của mình trước khi nhờ đến toà án hay cơ quan trọng tài”, bà Mai đưa ra lời khuyên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận