menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Đức

Giải pháp xử lý 'sốt đất' tại dự án cao tốc

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, các đại biểu băn khoăn về nguồn vốn bổ sung trong trường hợp phát sinh thêm vốn cho công tác giải phóng mặt bằng.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) đặc biệt lo ngại vấn đề đội vốn khi giải phóng mặt bằng các dự án đường vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP. HCM bởi diện tích mặt bằng của 2 dự án này khá lớn.

Trong văn bản giải trình do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký, Bộ GTVT thừa nhận tại một số địa phương đã và đang diễn ra tình trạng sốt đất như ở huyện Long Thành (Đồng Nai). Giá đất đền bù có thể cao hơn so với giá trị tính toán theo quy định tại thời điểm quyết định đầu tư.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ GTVT kiến nghị các địa phương cần quản lý tốt quỹ đất theo quy hoạch, kiểm soát vấn đề sốt đất bảo đảm không vượt chi phí tính toán theo quy định.

Trường hợp giá đất tăng cao, các địa phương sẽ bổ sung nguồn vốn như cam kết tại các nghị quyết bố trí vốn ngân sách địa phương của HĐND. Nếu chi phí phát sinh làm vượt sơ bộ tổng mức đầu tư, địa phương phải kiến nghị Quốc hội cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Rút kinh nghiệm từ các dự án trước đây, Chính phủ sẽ triển khai công tác giải phóng mặt bằng đồng thời với công tác chuẩn bị dự án. Những phần việc này gồm cắm và bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, kiểm đếm thống kê di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị xây dựng các khu tái định cư, tuyên truyền phổ biến để người dân hiểu và đồng thuận…

Các địa phương phải thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ngay sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Thời gian qua, tình trạng nhu cầu vốn thực tế cho giải phóng mặt bằng bị đội lên so với dự toán ban đầu xuất hiện phổ biến tại nhiều dự án được Bộ GTVT triển khai.

Tại dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc trục vành đai 3 TP. HCM, chi phí giải phóng mặt bằng đoạn đi qua TP. HCM ban đầu được tính toán là gần 150 tỷ đồng, sau đó đội gấp 10 lần, lên thành 1.600 tỷ đồng. Kinh phí GPMB đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai cũng bị đội từ 475 tỷ đồng lên 651 tỷ đồng. Hậu quả, dự án thành phần 1A bị chậm khởi công, mất nhiều thời gian để xin điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Bộ GTVT cho biết, chi phí bồi thường, tái định cư sẽ bao gồm 3 phần: Thứ nhất là chi phí giải phóng mặt bằng được xác định trên cơ sở đơn giá do địa phương ban hành, diện tích các loại đất, đồng thời xác định chi phí bồi thường nhà, tài sản, vật nuôi trên phần đất chiếm dụng. Thứ hai, chi phí hỗ trợ sẽ bao gồm các khoản hỗ trợ theo quy định như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ thuê nhà, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ đối tượng nghèo/chính sách. Cuối cùng, chí phí tái định cư.

Theo tờ trình của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài tuyến là 76,34 km, bao gồm: Tp. Hồ Chí Minh: 47,51 km, Đồng Nai: 11,26 km, Bình Dương: 10,76 km, Long An: 6,81 km.

Điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Đường Vành đai 3 được đầu tư thành đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 80 km/giờ với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75 m, được phân kỳ đầu tư theo nhu cầu vận tải và sự phát triển đô thị hai bên đường.

Dự án sơ bộ có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách trung ương và địa phương; trong đó ngân sách trung ương bố trí 38.741 tỷ đồng; ngân sách địa phương bố trí 36.637 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, ngân sách trung ương bố trí 31.380 tỷ đồng; ngân sách địa phương bố trí 36.637 tỷ đồng.

Dự án phân chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.Chính phủ dự kiến năm 2022, 2023 chuẩn bị dự án; bắt đầu từ quý III/2022 thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quý IV/2023 xây dựng hệ thống đường cao tốc và đường song hành, cơ bản hoàn thành năm 2025, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, quyết toán năm 2027.

Dự án Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8 km gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư PPP (đối tác công - tư) với sơ bộ tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) dự kiến khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương 28.200 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 28.203 tỷ đồng, vốn BOT 29.410 tỷ đồng.

Nhằm giải quyết các giao cắt hai bên tuyến, Chính phủ lựa chọn phương án 65% chiều dài đường Vành đai 4 đi trên cao. Còn khoảng 39,13 km; trong đó, Hà Nội 10,53 km, Hưng Yên 8,4 km và Bắc Ninh 20,2 km được thiết kế đi thấp để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả