24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Huỳnh Văn Bảy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giải pháp tái cấu trúc thị trường tài chính

Để có nguồn vốn với mức chi phí thấp giúp tập trung sản xuất kinh doanh, chúng ta cũng cần nhận diện các khó khăn và đưa ra giải pháp cụ thể nhằm tái cấu trúc thị trường tài chính.

Một quốc gia không thể thiếu thị trường tài chính phát triển, vì thị trường sẽ giúp chuyển dòng tiền nhàn rỗi đến các doanh nghiệp nhằm tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Tuy nhiên, phải có cơ chế chuyển nguồn vốn này một cách minh bạch, rõ ràng ở quy mô lớn, tránh việc thiếu cân bằng thông tin.

Chính phủ Việt Nam cũng đã có chiến lược tài chính đến năm 2023 và thu hút những nguồn vốn từ bên ngoài, bằng cách xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm, tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường có rủi ro mất vốn rất cao. Ví dụ như câu chuyện ngân hàng Thung lũng Sillicon (SVB) tại Mỹ sụp đổ gần đây, có một số ý kiến băn khoăn tại sao ngân hàng này có thể cho các công ty khởi nghiệp công nghệ, hay công ty về tài sản số vay, trong khi họ có rất nhiều rủi ro. Điều này cho thấy, đầu tư mạo hiểm là vấn đề Mỹ đã làm được, thế giới làm được nhưng Việt Nam chưa làm được, do chúng ta vẫn chưa xây dựng được quy định về đầu tư mạo hiểm.

Theo chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra để phát triển thị trường tài chính và đáp ứng mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế thì: Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu so với GDP giai đoạn 2021-2025 phải đạt trên 85% do Bộ Tài chính theo dõi; Quy mô vốn hóa thị trường trái phiếu so với GDP trên 47% cũng do Bộ Tài chính chủ trì; Còn dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp so với GDP là 20% và do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay đang rất căng thẳng, nếu vẫn tiếp tục tình trạng mất niềm tin với thị trường, các con số nêu trên sẽ khó đạt được. Trong khi để tăng trưởng sản xuất kinh doanh đều cần có vốn, nhưng từ trước đến nay nền kinh tế hầu như dựa vào nguồn vốn gián tiếp là hệ thống ngân hàng. Và nếu lãi suất ngân hàng thấp, thì tiền sẽ chảy vào các lĩnh vực khác như vàng, đô la Mỹ hoặc bất động sản,... là những lĩnh vực không nhanh chóng tạo ra năng lực sản xuất của Việt Nam. Do đó, muốn phát triển một nền kinh tế với các doanh nghiệp mạnh, chúng ta cần giúp họ thu hút vốn từ những người có tiền nhàn rỗi và tăng cường năng lực sản xuất.

Không chỉ riêng Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, mà các quốc gia như Thái Lan, Philippines, Indonesia hay Ấn Độ đã dùng rất nhiều nguồn lực để phát triển doanh nghiệp.

Để có nguồn vốn với mức chi phí thấp, giúp tập trung sản xuất kinh doanh, chúng ta cũng cần nhận diện các khó khăn và đưa ra giải pháp cụ thể. Thứ nhất, về giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán so với GDP hiện hành, tỷ lệ này năm 2021 là 76,12%, còn năm 2022 là 43,76%.

Giải pháp tái cấu trúc thị trường tài chính

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp điểm nghẽn rất lớn là số lượng trái phiếu đáo hạn ở cuối năm 2023 và năm 2024, nhất là những doanh nghiệp bất động sản

Hiện tại, thị trường chứng khoán theo khối lượng giao dịch cũng sụt giảm, như vậy, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021 không đến từ nội tại của nền kinh tế, của doanh nghiệp mà đơn thuần là đến từ những người “chơi chứng khoán”. Cho nên mục tiêu thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP sẽ là một thách thức lớn, bởi vì GDP hằng năm đều tăng khi chúng ta là nền kinh tế đang phát triển. Còn chỉ số VN-Index vẫn lình xình, thậm chí sụt giảm do tâm lý trên thị trường yếu.

Về giải pháp, Việt Nam kỳ vọng trở thành quốc gia tham gia vào nhóm các thị trường mới nổi nên có rất nhiều việc cần làm với các vấn đề về thể chế, luật pháp và cả tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài... Bên cạnh đó, có thêm một cách nữa để tăng quy mô trên thị trường là tăng thêm lượng hàng hoá, cụ thể, các doanh nghiệp Nhà nước lớn cần phải tính đến phương án cổ phần hóa và niêm yết trên sàn.

Có nhiều thông tin mới đây cho biết, tình hình niêm yết mới của các doanh nghiệp Việt Nam đang rất ảm đạm trong hai quý gần nhất, do cả năm 2022 thị trường khó khăn và quý 1/2023 này mọi thứ vẫn chưa “dễ thở” ở cả thị trường kinh doanh và thị trường tài chính.

Thứ hai, về quy mô thị trường trái phiếu trên GDP, theo ngân hàng Phát triển châu Á cập nhật đến quý 3/2022, con số này là 25,2%, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, trong đó trái phiếu doanh nghiệp chiếm 7,8%. Đây là vấn đề cần hết sức lưu ý trong giai đoạn hiện tại, chưa kể chúng ta đang gặp điểm nghẽn rất lớn là số lượng trái phiếu đáo hạn ở cuối năm 2023 và năm 2024, nhất là những doanh nghiệp bất động sản.
Thứ ba, về dư nợ trái phiếu doanh nghiệp so với GDP, chúng ta mới đạt 8,4%. Sau các sự kiện xảy ra đã khiến niềm tin của người dân với trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm trầm trọng.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP góp phần mở ra cơ hội kéo dài thêm thời gian để các bên có thể xử lý những vấn đề nội tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Tôi cho rằng, chúng ta phải đi từ các vấn đề giống như ở các thị trường phát triển, là có các cơ quan giám sát, đảm bảo tính minh bạch.

Dù là trái phiếu riêng lẻ hay phát hành ra công chúng thì đều phải minh bạch, cách thức tiếp cận của những người đi bán trái phiếu cần đúng đối tượng và khi có vấn đề xảy ra sẽ phải có biện pháp kĩ thuật can thiệp thì niềm tin mới trở lại.

Thêm một vấn đề cần lưu ý nữa đó là, vai trò của những người cố vấn tài chính còn thiếu và yếu, khi bán các sản phẩm đầu tư phức tạp cho những người thiếu hiểu biết về tài chính. Ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp, thì người sát sườn nhất tới những người gửi tiền chính là lực lượng cố vấn tài chính, đó là những nhân viên ngân hàng, nhân viên của các công ty chứng khoán, khi tư vấn, liệu có độc lập, minh bạch cung cấp đầy đủ thông tin cho người sẽ mua một sản phẩm phức tạp như vậy hay không? Vì vậy cần phải chuyên nghiệp hóa hoạt động cố vấn tài chính hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả