Giải pháp nào ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu?
Sau khi ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sỹ bị đối thủ mua lại, khó khăn của ngành ngân hàng vẫn chưa chấm dứt. Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý phải chạy đua để ngăn chặn sự lây lan rộng hơn.
Dưới sự dàn xếp bởi các nhà chức trách Thụy Sỹ cuối tuần trước, UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse. Thương vụ này đã loại bỏ nguy cơ một ngân hàng khổng lồ gục ngã và xô đổ toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Vài giờ sau, một nhóm các ngân hàng trung ương lớn thông báo sẽ phối hợp hành động để thúc đẩy thanh khoản USD, giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp tiếp cận được với tiền vay một cách suôn sẻ, hỗ trợ nền kinh tế thế giới.
Câu hỏi tiếp theo mà các nhà đầu tư và người gửi tiền quan tâm là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Phải chăng sẽ có thêm nhà băng sụp đổ hoặc được giải cứu? Liệu các nhà quản lý có buộc phải can thiệp vào thị trường và vạch ra những kế hoạch cứu trợ khác?
Tại Mỹ, khủng hoảng ngân hàng bắt đầu gần hai tuần trước với sự sụp đổ đột ngột của SVB và Signature trong vòng ba ngày.
Các ngân hàng khu vực có nhiều điểm tương đồng với SVB, bao gồm First Republic Bank, PacWest và Western Alliance, bị dồn đến sát chân tường. Những khách hàng hoảng hốt đã rút hàng chục tỷ USD khỏi những ngân hàng vừa và nhỏ và gửi tiền vào các nhà băng lớn hơn.
Để hoàn trả tiền cho khách, các ngân hàng khu vực phải vật lộn để tiếp cận được tiền mặt. First Republic nhận được khoản vay 70 tỷ USD từ JPMorgan Chase một tuần trước và thêm 30 tỷ USD tiền gửi từ nhóm 11 nhóm ngân hàng lớn vào ngày 16/3. Nhưng số tiền này có vẻ vẫn chưa đủ, bởi ngày hôm sau cổ phiếu First Republic tiếp tục lao dốc 33%.
Moody’s hạ xếp hạng tín dụng của First Republic vào tối 17/3. Hãng giải thích sự hạ bậc này phản ánh “những thách thức đáng kể” mà ngân hàng này phải đối mặt vì sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn, chi phí cao trong lúc khách hàng rút tiền ồ ạt.
Nhiều ngân hàng khác đã phải viện đến khoản vay khẩn cấp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong tuần vừa rồi, các ngân hàng vay kỷ lục 153 tỷ USD từ cửa sổ chiết khấu của Fed – lựa chọn cuối cùng để các nhà băng tiếp cận tiền mặt nhanh chóng.
Tin tốt và xấu
Tin tốt: Các khoản vay trên không phản ánh vấn đề sai trái gì trong hệ thống ngân hàng. Không ngân hàng nào "viện" tới cửa sổ chiết khấu của Fed vay theo lãi suất tín dụng thứ cấp.
Những khoản vay khẩn cấp tính theo lãi suất tín dụng thứ cấp thường chỉ dành cho các ngân hàng gặp rắc rối nặng nề và đi kèm với các hạn chế nghiêm ngặt cùng sự giám sát chặt chẽ từ Fed.
Jill Cetina, nhà phân tích của Moody’s, cho biết các khoản vay mà Fed cung cấp tuần trước đều theo hình thức tín dụng cơ bản. Điều này “ngụ ý rằng các nhà quản lý vẫn coi những ngân hàng cần hỗ trợ khẩn cấp là ‘lành mạnh’ và không có rủi ro cao là sẽ sụp đổ ngay lập tức”.
Các nhà quản lý tài chính toàn cầu cũng có cùng ý kiến. Họ đã tận dụng mọi cơ hội có thể để tuyên bố rằng hệ thống ngân hàng vẫn an toàn, mạnh khỏe và nhiều tiền mặt.
Tin xấu: Xét về tổng thể, các ngân hàng có thể vẫn mạnh khỏe nhưng các khoản vay quy mô lớn trên cho thấy hệ thống tài chính đang chịu căng thẳng lớn.
Sự căng thẳng có thể khiến ngân hàng ngần ngại cho vay tiền, đánh giá chặt chẽ hơn những người vay tiềm năng. Điều này dẫn đến dòng vốn của doanh nghiệp sụt giảm, có nguy cơ khiến nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và gây ra suy thoái.
Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu?
Theo tờ CNN, giải pháp dễ thấy nhất để ngăn khủng hoảng trầm trọng thêm là khách hàng ngừng rút tiền gửi. Nhưng hệ thống ngân hàng và các cơ quan quản lý sẽ phải xoa dịu nỗi sợ hãi của người dân trước khi điều đó xảy ra trên toàn hệ thống.
Đó là lý do ngày càng nhiều người kêu gọi các nhà chức trách Mỹ bảo đảm cho toàn bộ tiền gửi ngân hàng, dù chúng được bảo hiểm hay không. Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ đang bảo đảm cho số tiền tối đa 250.000 USD/mỗi người gửi tại mỗi ngân hàng. Các nước châu Âu cũng có chương trình tương tự.
Nếu các nhà quản lý bảo đảm cho mọi khoản tiền gửi, tương tự như những gì họ làm trong vụ sụp đổ của SVB và Signature, khách hàng có thể an tâm rằng tiền của họ vẫn an toàn trong các ngân hàng trong khu vực.
Moody’s nhận định "có khả năng cao” là các nhà quản lý Mỹ sẽ viện dẫn ngoại lệ rủi ro hệ thống để bảo vệ tất cả người gửi tiền không được bảo hiểm tại First Republic.
Nhưng nếu các cơ quan quản lý đưa thêm một ngân hàng nữa vào danh sách ngoại lệ thì điều đó đồng nghĩa rằng họ sẽ giải cứu mọi ngân hàng có vấn đề.
Các nhà chức trách có lẽ sẽ không muốn làm vậy nếu hệ thống ngân hàng có thể tự giải quyết được rắc rối. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trần nợ của Washington đang tới gần và người dân ngày càng chán ghét việc chính phủ dùng tiền thuế của họ để giải cứu các công ty tài chính, khả năng cao là chính quyền Tổng thống Biden sẽ muốn thấy một giải pháp theo kiểu “tự thân vận động”.
Đã có một số bằng chứng cho thấy điều này đang diễn ra. Western Alliance và Charles Schwab, hai ngân hàng tuần trước vừa báo cáo bị khách hàng rút ra lượng tiền và tài sản đáng kể, đang ra sức trấn an khách hàng và nhà đầu tư. Họ khẳng định rằng các khoản tiền gửi vẫn tương đối ổn định trong những ngày qua và có đủ thanh khoản để tiếp tục hoạt động.
Rắc rối của Credit Suisse không liên quan tới cảnh tượng khách hàng đổ xô đi rút tiền tại các ngân hàng Mỹ. Nhưng sau khi UBS cứu Credit Suisse khỏi sự sụp đổ, làn sóng rút tiền gửi từ các ngân hàng khu vực của Mỹ đã dịu bớt.
Các ngân hàng trung ương cũng đang cố gắng đảm bảo thanh khoản USD để ngân hàng có thể tiếp tục cho vay. Thế giới có thể hy vọng rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện tại sẽ qua đi và suy thoái kinh tế sẽ không ập đến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận