24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hồng Nhung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giải pháp nào giúp kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm 2022?

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần nhanh chóng có chính sách để ổn định giá xăng dầu.

Báo cáo kinh tế 6 tháng đầu năm cho thấy dấu hiệu tăng tốc của lạm phát trong quý 2/2022 khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể so với mức tăng 2,86% của tháng 5/2022 với xu hướng tăng được ghi nhận ở hầu hết các nhóm ngành. Do đó, lạm phát cơ bản tháng 6/2022 cũng tăng lên 1,98% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ tháng 9/2020 trở lại đây.

Tuy CPI 6 tháng đầu năm được kiểm soát chặt chẽ ở mức 2,44%, thấp hơn mục tiêu Chính phủ đề ra do bên cạnh các yếu tố chính ảnh hưởng đến lạm phát (các sản phẩm xăng dầu như xăng, LPG... và vật liệu xây dựng), thì vẫn còn những yếu tố hỗ trợ kéo giảm lạm phát (như giá thực phẩm, học phí và giá viễn thông).

Dẫn lời VnEconomy, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: “Song áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ ngày càng lớn khi vòng tác động của đà tăng xăng dầu tới giá cả hàng hóa trên thị trường rõ nét hơn”.

“Để đạt mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần nhanh chóng có chính sách để ổn định giá xăng dầu. Cần chấp nhận một khoản thiếu hụt trong ngắn hạn nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế với xăng dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn”, ông Lê Trung Hiếu nêu quan điểm.

Theo đó, Tổng cục Thống kê đề xuất tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất, nâng cao khả năng tự chủ nguồn cung xăng dầu trong nước. Cần rà soát, xem xét, đánh giá lại năng lực sản xuất, các nút thắt của các nhà máy lọc dầu để có chính sách quản lý hỗ trợ, tháo gỡ nút thắt cho các đơn vị này hoạt động hiệu quả, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.
Thứ hai, xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí xăng dầu phù hợp với thực tế sử dụng sản phẩm này ở Việt Nam. Hiện nay, xăng dầu đang phải chịu 4 loại thuế: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng.

“Có thể thấy xăng dầu đang phải chịu quá nhiều loại thuế, cần xem xét nó như một mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng để đánh các sắc thuế phù hợp, điều chỉnh một số loại thuế để tác động kích thích tích cực đến sản xuất trong nước”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, nhiều quốc gia đã thực hiện giảm thuế như Hà Lan đã giảm 12% thuế VAT xuống còn 9%; giảm 21% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu đồng thời tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp lên gấp 4 lần, từ 200 EUR lên 800 EUR; Thái Lan giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong 3 tháng, sử dụng Quỹ dầu để bình ổn mặt hàng này ở mức 30 Baht/lít; Hàn Quốc giảm 20% thuế với xăng, dầu diesel và LPG.

Ở Việt Nam, lạm phát đang được kiểm soát, tuy nhiên, nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt thì giá xăng dầu tăng cao sẽ gây ra hiệu ứng domino đến mặt bằng giá cả hàng hóa khác.

“Do đó, cần chấp nhận một khoản thiếu hụt trong ngắn hạn nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế với xăng dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Thứ ba, cần có phương án dự trữ, giải pháp và chiến lược “rất đặc biệt với mặt hàng xăng, dầu”, nhất là tăng dự trữ xăng, dầu quốc gia và làm tốt hơn dự báo để tránh rơi vào thế bị động về nguồn cung; tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh lợi dụng để kinh doanh, tăng giá xăng, dầu.

Riêng đối với nhóm lương thực, thực phẩm, Tổng cục Thống kê cho rằng cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả lương thực, thực phẩm cũng như đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Ngoài ra, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.

Đối với các nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, Tổng cục Thống kê cho rằng cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chủ động các biện pháp bình ổn giá các mặt hàng, không để xảy ra các trường hợp tăng giá bất hợp lý.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả