24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Băng Tâm
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giải pháp để tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 4 5%

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng 6,5%, ngành Công thương phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5% so với năm 2020. Thời báo Ngân hàng đã trao đổi cùng Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh xung quanh

Nhìn lại hoạt động thương mại quốc tế trong năm 2020, Bộ trưởng thấy có điểm nhấn nào đáng chú ý?

Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2020 ước giảm 2,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm trên 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 84,2% của năm 2019; 82,9% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017. Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi và cơ hội cho sản xuất và hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của DN.

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu cũng tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên tăng đều qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu như năm 2011 mới có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thì đến năm 2020 là 31 mặt hàng (trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Đáng nói Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD); EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD). Riêng đối với thị trường EU, cả năm 2020 xuất khẩu sang thị trường này đạt 34,94 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các tác động của đại dịch. Tuy nhiên, sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Đối với thị trường các nước CPTPP, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên CPTPP đạt mức tăng tích cực. Năm 2020, xuất khẩu sang Canada duy trì mức tăng trưởng dương, đạt 4,35 tỷ USD, tăng 11,9%; sang Mexico đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%...

Giải pháp để tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 4 5%

Năm 2020 đánh dấu việc Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới, theo Bộ trưởng các FTA này có tác động đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới?

Trong thời gian qua, chúng ta đã chủ động và tích cực tham gia vào các thiết chế kinh tế đa phương và khu vực với các dấu mốc quan trọng như việc gia nhập ASEAN, ASEM, APEC, WTO và ký kết 15 FTA ở cấp độ song phương và khu vực (trong đó đang thực thi 14 FTA). Trong số các FTA này có 2 FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. Có thể nói, việc kết thúc đàm phán và đưa vào thực thi hai FTA thế hệ mới này là kết quả của sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Việt Nam.

Được ví là những con đường cao tốc nối Việt Nam với các thị trường lớn, các FTA thế hệ mới của ta được kỳ vọng đem lại những cơ hội lớn. Đó là giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam; giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu; nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; cơ cấu kinh tế từ đó cũng được chuyển đổi theo hướng tích cực; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng đơn giản, minh bạch và tạo thuận lợi cho DN; DN Việt Nam có cơ hội để mở rộng phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh; tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý; tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, ổn định an sinh-xã hội; người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh...

Theo các nghiên cứu, với Hiệp định CPTPP, dự kiến xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035, đặc biệt khi Hiệp định CPTPP mở ra cánh cửa tiếp cận thị trường Mexico và Canada, là hai thị trường lớn mà chúng ta chưa từng có FTA. Bên cạnh đó, Hiệp định còn được kỳ vọng mang lại mức tăng trưởng bình quân 4-5% và mức tăng xuất khẩu từ 8,7-9,6% với các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động của nước ta.

Còn Hiệp định EVFTA, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định này dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện; 4,57-5,3% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 7,07-7,72% cho giai đoạn 5 năm sau đó. EVFTA cũng dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của nước ta sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 11,12-15,27% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 17,98-21,95% cho giai đoạn 5 năm sau đó...

Giải pháp để tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 4 5%

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng 6,5%, ngành Công thương phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5%. Vậy bộ có giải pháp gì để đạt mục tiêu này?

Mặc dù hoạt động xuất khẩu đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên cũng cần nhìn nhận một số hạn chế khó khăn để chung tay tháo gỡ. Với nông sản, chúng ta đã làm tốt công tác đàm phán để nước nhập khẩu cắt giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các Hiệp định FTA. Tuy nhiên, việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng một số nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường. Một số ngành trong nhiều năm là động lực tăng trưởng xuất khẩu như sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, đặc biệt là điện thoại di động không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, các nước ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn do nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới thay vì áp dụng các hàng rào kỹ thuật như áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại...

Việc đàm phán, ký kết các FTA đã mang lại nhiều thuận lợi tuy nhiên, năng lực cạnh tranh, hoạt động thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa có sự cải thiện rõ rệt để tận dụng tối đa lợi ích mang lại. Vẫn còn nhiều DN chưa có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phương thức marketing trong thương mại quốc tế cũng như chưa chủ động kết nối với các DN trong nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối DN FDI.

Bộ Công thương đã đề ra nhiều nhóm giải pháp để đạt được mục tiêu này, trong đó, giải pháp chung là tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid -19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó là củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA để hỗ trợ DN, đặc biệt DNNVV trong khai thác và tận dụng các ưu đãi, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định trong các FTA. Phát triển dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam...

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả