Giải pháp cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử
Hơn 58% doanh nghiệp cho rằng phải mất hơn một năm sau đại dịch các hoạt động sản xuất kinh doanh mới khôi phục và trở lại bình thường; 75% các doanh nghiệp mong mỏi tìm kiếm hướng đi mới...
Khảo sát của Reed Tradex với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử mới đây cho thấy hơn 58% doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho rằng phải mất hơn một năm sau đại dịch các hoạt động sản xuất kinh doanh mới khôi phục và trở lại bình thường; 75% các doanh nghiệp mong mỏi tìm kiếm hướng đi mới và muốn được chuyên gia tư vấn về các giải pháp kinh doanh hậu Covid-19 nhằm thúc đẩy công việc kinh doanh trở lại.
NGUY CƠ TỤT HẬU VỀ CÔNG NGHỆ
Tại diễn đàn “Kết nối doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội và thách thức hậu Covid-19” tổ chức trực tuyến mới đây, các chuyên gia đều cho rằng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử hiện nay đang đối mặt rất nhiều khó khăn và thách thức.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), cho rằng các doanh nghiệp ngành điện tử đang đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn do sự phát triển quá nhanh của công nghiệp 4.0 nên buộc doanh nghiệp phải phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo.
Thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn nhân lực lao động lành nghề, thiếu năng lực tài chính và năng lực công nghệ để tiếp nhận công nghệ tiên tiến từ dòng vốn FDI. Cùng với đó là nguy cơ tiếp nhận chuyển giao công nghệ thấp và trung bình vào Việt Nam. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Nhân công giá rẻ không còn là lợi thế. Tài nguyên thiên nhiên sẵn có cũng không còn là lợi thế nữa, do vậy đòi hỏi chúng ta phải chuyển đổi thực sự để có thể duy trì lợi thế là nơi có lực lượng lao động tay nghề cao, với mức lương xứng đáng, chứ không phải xếp cuối ở khu vực và vùng lãnh thổ châu Á trong nôi sản xuất điện tử như hiện nay.
Thêm vào đó, bà Hương còn đề cập đến những thách thức từ an ninh phi truyền thống, từ biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên không bền vững... Theo bà, những yếu tố này sẽ tác động mạnh tới mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Đặc biệt, trong ngành điện tử, nếu phát triển nóng thì yếu tố phát thải môi trường sẽ ảnh hưởng nhiều tới tương lai của ngành.
Một thách thức nữa là nguy cơ thiếu vật liệu, linh kiện và bộ phận hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử. Trong tình hình đại dịch như hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung linh kiện từ các quốc gia và vùng lãnh thổ truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…
Trong khi đó, bà Phạm Liên Anh, chuyên gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng tốc độ chuyển đổi số ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn rất thấp.
Việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất kinh doanh là điều kiện quan trọng để phát triển, song theo bà Liên Anh, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều sử dụng máy vi tính nhưng ở mức độ ứng dụng thông thường trong khi thiếu các ứng dụng mang tính chuyên sâu.
Số lượng doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho số hóa không nhiều, chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh nghiệp cả nước. “Có tới 51% các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ kỹ thuật số cho quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, nhưng số áp dụng công nghệ số cho bán hàng online chỉ chiếm 1%”, bà Phạm Liên Anh cho biết.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu chuỗi đa quốc gia trong lĩnh vực điện - điện tử, đều có các bộ phận công nghệ thông tin chuyên trách xây dựng các nền tảng số, cho phép họ kết nối toàn cầu, xây dựng những hệ cơ sở dữ liệu quản lý và đánh giá các nhà cung ứng trên phạm vi toàn cầu.
Các doanh nghiệp Việt Nam bị bất lợi hơn so với doanh nghiệp các nước khác vì trình độ số hoá của chúng ta chưa cao. Bà Phạm Liên Anh, chuyên gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).
Ở góc độ chính sách, ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Công ty Deloitte Việt Nam, nhận xét rằng Chính phủ trong thời gian qua đã đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư nhằm khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Điển hình là thuế thu nhập doanh nghiệp với mức ưu đãi cao nhất, cụ thể đó là thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Đặc biệt, Nghị định 57/2021/NĐ-CP mới được ban hành đã có nhiều điểm mới và thuận lợi hơn so với quy định cũ. Đối tượng được hưởng lợi từ Nghị định là các doanh nghiệp có dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trước năm 2015 và đã được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Doanh nghiệp thuộc các trường hợp này sẽ được áp dụng mức ưu đãi thuế cao nhất, đối với thu nhập phát sinh từ dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại, kể từ kỳ tính thuế được cấp Giấy xác nhận ưu đãi công nghiệp hỗ trợ …
Tuy nhiên, dù chính sách đã được đánh giá tốt, nhưng số lượng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa tham gia vào mạng lưới sản xuất còn rất thấp. Số lượng doanh nghiệp trong ngành tiếp cận được chính sách hỗ trợ còn khá khiêm tốn.
ĐẨY MẠNH SỐ HÓA CHO CÁC DOANH NGHIỆP
Trước các thách thức trên, bà Đỗ Thị Thúy Hương khuyến nghị Việt Nam cần kịp thời điều chỉnh chính sách trong hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo dòng vốn FDI có chọn lọc hơn. Ưu tiên vào những lĩnh vực có công nghệ tiên tiến, bền vững, có sức lan toả với nền kinh tế Việt Nam, tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp Việt.
“Điều quan trọng là thu hút FDI có chọn lọc. Cần tập trung, ưu tiên vào các FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, chứa đựng nhiều tính đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các chính sách cần chặn các dòng vốn đầu tư và công nghệ chất lượng thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường kỹ thuật số và nền kinh tế số”, bà Hương đề xuất.
Chính phủ cần tận dụng cơ hội chuyển đổi sản xuất sang Việt Nam để thúc đẩy doanh nghiệp Việt lớn mạnh, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn.
Chính phủ nên tập trung đầu tư vào các công ty đầu ngành để có thể kéo theo các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hình thành chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp Việt. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất cần ưu tiên đầu tư vào công nghệ tầm trung và cao, tránh các công nghệ, máy móc cũ kỹ, lạc hậu.
Mặt khác, cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách hơn nữa các thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng thời bà Hương khuyến nghị Chính phủ tận dụng cơ hội chuyển đổi sản xuất sang Việt Nam để thúc đẩy doanh nghiệp Việt lớn mạnh, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn. Trong đó, những dạng hỗ trợ như chuyển đổi số, ưu đãi start-up, tiếp cận nguồn vốn, công nghệ sáng tạo… cần được tăng cường và hài hoà hơn.
Bà Liên Anh nhận định số hoá đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, nên Việt Nam cần đẩy mạnh quá trình số hoá cho các doanh nghiệp. Chuyển đổi số nên tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, các lĩnh vực mà khoảng cách chuyển đổi số còn lớn như chức năng nghiệp vụ sản xuất, quản lý chất lượng.
Phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyển đổi số. Hợp tác với các doanh nghiệp đầu chuỗi trong hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng chuyển đổi số. Phổ biến các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số của Chính phủ để doanh nghiệp tiếp cận được rộng rãi hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận