Giải pháp bờ kè hồ Hoàn Kiếm: Cần một cách nhìn tổng hợp và rộng hơn 1 cái bờ kè
%
Các nghiên cứu về lịch sử trầm tích vùng đất Thăng Long cho thấy bản chất Hồ Hoàn Kiếm, cũng như các hồ khác trong hệ thống hồ ở Hà Nội (các hồ Thuyền Quang, Ba Mẫu, Bảy Mẫu, Đống Đa, Xã Đàn, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Vạn Phúc, Trương Định, Thanh Nhàn), là hồ tự nhiên được hình thành và tiến hóa từ bãi bồi sông Hồng. Quá trình dịch chuyển lòng Sông Hồng từ Tây Nam lên Đông Bắc là nguyên nhân tạo nên hệ thống sông con bắt nguồn từ bãi bồi cao đổ vào Sông Hồng, thực chất đó là lạch thoát lũ tự nhiên. Các hệ thống hồ cạn dạng ao chuôm, ô trũng phát triển trên bãi bồi thấp như Hồ Hoàn Kiếm,… đều có nguồn gốc ra đời trong giai đoạn hình thành hệ thống Sông Tô Lịch từ hơn 4000 năm trước. Từ khi vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long là bắt đầu của quá trình đô thị hóa. Vì vậy, theo chiều dài lịch sử, con người đã cải tạo bằng nhiều hình thức làm cho cảnh quan bãi bồi tự nhiên khi xưa đã bị đổi khác. Hồ Hoàn Kiếm cũng nằm trong tình trạng đó.
Diễn thế sinh thái của một hồ tự nhiên: ban đầu là một hồ nông có nhiều sinh vật thuỷ sinh, sau do quá tình lắng đọng vật chất ở đáy nên hồ cạn dần, quần xã thuỷ sinh lần lượt được thay thế bằng trảng cỏ, rồi tiếp đến trảng cây thân thảo, rồi rừng cây gỗ trên cạn phát triển tới mức ổn định thay thế hoàn toàn hồ nước trước đó.
Phú dưỡng hóa (Eutrophication) là hiện tượng ao hồ bị “giàu quá mức” những dinh dưỡng vô cơ (thông thường là nồng độ các chất dinh dưỡng N và P cao, tỷ lệ P/N cao). Sự dư thừa các chất dinh dưỡng này sẽ kéo theo sự phát triển quá mức của các loại tảo, rong rêu, vi tảo .. làm mất cân bằng sinh học của nước. Hiện tượng “Nước nở hoa” hay “tảo nở hoa” là do quá nhiều tảo sinh sản với số lượng nhanh làm nước bị đục màu xanh và làm nước bị ô nhiễm do không có sự cân bằng môi trường, càng gây thêm sự bùng nổ phát triển của tảo. Hoạt động phân huỷ của vi khuẩn trên sinh khối tảo sau đó làm cạn kiệt Oxy tại chỗ, nhất là vào mùa hè. Đồng thời khi tảo chết đi rơi xuống đáy tạo thành lớp trầm tích ở đáy hồ, lâu ngày làm hồ nông dần. Môi trường đáy hồ có nồng độ Oxy rất thấp, các vi khuẩn phân huỷ trong điều kiện yếm khí,.. Kết quả là sinh ra các khí như H2S, Methan, … gây mùi hôi thối và làm nước bị vẩn đục. Sinh vật thuỷ sinh khó có điều kiện sống sót do hệ sinh thái bị đe doạ nghiêm trọng. Đây là hiện tượng nhãn tiền cho các hồ ở Hà Nội, đặc biệt là hồ Hoàn Kiếm.
Hồ Hoàn Kiếm đang cạn dần vừa bởi lý do lộ trình diễn thế sinh thái tự nhiên, vừa do hiện tượng phú dưỡng này. Với những tác động can thiệp của con người không đúng đắn, tuổi thọ của hồ sẽ suy giảm nhanh chóng. Với những hồ tù đọng, không có nguồn nước dẫn vào hay ra mà nguồn cung cấp nước chính là các mạch nước ngầm, nước chảy tràn bề mặt (mưa), thoát nước bằng hệ thống cống bê tông, bờ kè bê tông ngăn chặn sự thẩm thấu vào đất và làm triệt tiêu hệ sinh thái ven bờ nước, hệ thống nước thải sinh hoạt ít nhiều dẫn trực tiếp vào lòng hồ,…. đều là các nguyên nhân gây ra hiện tượng phú dưỡng và theo đó đe dọa tuổi thọ của hồ. Màu nước “xanh mát” của hồ không hẳn là tín hiệu đẹp đẽ, bình yên, thậm chí ngược lại là mối đe dọa tiềm ẩn.
Những cố gắng can thiệp của chính quyền và các nhà khoa học gần đây đa số tập trung vào giải quyết mấy vấn đề: ô nhiễm nước và chất lượng nước hồ, nơi ở và bảo vệ “cụ Rùa”, tu bổ các ông trình cảnh quan của hồ (đền Ngọc Sơn, đường dạo bộ ven hồ (kè), ..). Có thể nêu một vài điểm nhấn dự án hoặc ý tưởng dự án như nạo vét bùn lòng hồ (của Đức), thả các viên “gạch vi sinh” công nghệ nano làm sạch tảo độc trong nước (của Nhật), bảo tàng sinh thái hồ Hoàn Kiếm được đặt tại Đồng Mô (nơi có tiêu bản các cá thể Rùa Hoàn Kiếm),… Tuy nhiên, các ý tưởng hay dự án này vẫn hạn chế ở mức can thiệp phiến diện của vấn đề chứ không giải quyết được căn nguyên “bệnh” của hồ: phục hồi hệ sinh thái tự nhiên để kéo dài tuổi thọ của hồ.
Đặc biệt gần đây thành phố có triển khai đề án tu bổ bờ kè hồ Hoàn Kiếm và lựa chọn các giải pháp khả thi để triển khai thông qua cuộc thi mở cho các kiến trúc sư. Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ các công trình đề đạt giải pháp bờ kè cho hồ, chỉ ra rằng hầu hết các kiến trúc sư chỉ đưa ra các giải pháp kỹ thuật “cứng” nhằm đáp ứng tiêu chí công năng hạ tầng của hồ là nơi giải trí cho công chúng (đi bộ, ngắm cảnh, các dịch du lịch vụ ven bờ..) chứ không hề đưa ra cách nhìn và giải pháp căn bản và tổng thể của hồ. Các phương án kỹ thuật trên đã không hiểu và không đề cập đến “sự -sống-còn” của hồ – chính là 3 hệ sinh thái cơ bản phải được tuân thủ và phục hồi: Đáy hồ, Lòng hồ và Ven bờ. Theo đó, các giải pháp kỹ thuật bờ kè cứng (đa số là Bê tông hóa, dù có tạo các hốc bê tông để trồng cỏ) cũng không thể cứu vãn được hệ sinh thái ven bờ này.
Vấn đề cụ thể của hồ
Tóm tắt hiện trạng của hồ Hoàn Kiếm: 3 hệ sinh thái cơ bản đều có vấn đề:
- HST Tầng đáy: bồi tích (nông dần lên) và ô nhiễm kim loại nặng, xuất hiện tảo độc
- HST Lưu vực hồ: chất lượng nước (hiện tượng phú dưỡng và tảo nở hoa), thuỷ sinh (không có), động vật thuỷ sinh (có cá, rùa)
- HST Ven hồ: đây là hệ sinh thái chìa khoá có tính quyết định cho sự sống của hồ thì lại hoàn toàn “chết” bởi các vách ngăn bê tông kè hồ. Sự tiếp xúc tự nhiên quan trọng nhất giữa Đất và Nước lại bị chặn bởi bê tông. Cây trồng trên mặt đất ven hồ không đúng cách nên rễ lâu năm đã đánh bật các công trình bê-tông lên.
Vì vậy, mục tiêu đề ra cho ý tưởng này là:
- Mang lại sự sống của hồ bằng cách khôi phục 3 hệ sinh thái thành phần, đặc biệt là hệ sinh thái Ven bờ hồ;
- Tạo không gian hài hoà về chức năng của một không gian công cộng/giao tiếp (con người với thiên nhiên, không chỉ là không gian giải trí/ngắm mà cần mang tính giáo dục cao), bộ mặt của Thủ đô (tính lịch sử và tâm linh).
Cách tiếp cận và Giải pháp cho bờ kè
Cách tiếp cận hệ sinh thái và dùng các biện pháp can thiệp kỹ thuật hạ tầng thông minh nhằm tôn trọng tối đa hệ sinh thái và khôi phục sự sống, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Hệ sinh thái tầng Đáy hồ: các biện pháp cải tạo tầng cặn (nạo vét) và dùng vi sinh làm sạch tảo độc và xử lý kim loại nặng (công nghệ Nhật Bản)
- Hệ sinh thái Lòng hồ: chất lượng nước mang tính quyết định, song việc làm sống lòng hồ bằng sự đa dạng sinh học của tảo, động thực vật thuỷ sinh để biến thành 1 “phễu lọc sống/ tự động” tuần hoàn (các phao/đảo cây thuỷ sinh, tăng cường sinh vật lòng hồ (ếch, cá, bò sát, vịt/chim trời,.. ), tăng các biện pháp làm sạch nước (đài phun, bằng vi sinh vật,..)
- Hệ sinh thái Ven bờ: nhất thiết cần tái lập hệ sinh thái quan trọng này bằng cách tăng tiết diện tiếp xúc giữa đất và nước, bổ sung động thực vật ven bờ phù hợp (xem thao khảo Hình 2); qua đó các giải pháp kỹ thuật hạ tầng thông minh dựa vào nguyên tắc này sẽ đưa ra được phương án tối ưu (VD: giảm tiếp cận trực tiếp của con người tới bờ nước, trồng cây trên bờ đúng quy tắc và thích hợp, các điểm tiếp cận bờ nước nên được thiết kế gián tiếp/ nâng cao độ tránh tác động trực tiếp vào bờ..)
Nguyên lý kết cấu kỹ thuật đề xuất cho bờ kè
Giải pháp này đề cập tới những nguyên lý căn bản để phục hồi một hệ sinh thái ven bờ, tạo “tổ sinh thái” cho quần xã sinh vật trên/ven bờ và ngập nước gồm thực vật, động vật, vi sinh vật. Do vậy việc tạo độ dốc (taluy) cho 1 bờ kè “Mềm” là điều cần thiết. Đây cũng là thay đổi đáng kể so với hiện trạng “kè cứng” của hồ hiện nay (xem hình 3 và 4).
Đồng thời, để tăng việc tiếp cận và sử dụng công năng của hồ đối với công chúng (đi bộ, quan sát/giải trí/ thư giãn), giao tiếp và học tập .. của một không gian công cộng, các can thiệp kết cấu kỹ thuật tránh tối đa tác tác động/tiếp cận trực tiếp lên bờ kè mềm này (xem phối cảnh minh hoạ Hình 5,6,7,8).
Quần xã sinh vật đề xuất nhằm khôi phục hệ sinh thái hồ
Nếu hiểu biết đúng đắn và có những can thiệp thông minh của con người, chính quần xã sinh vật là những cỗ máy tuần hoàn đảm bảo cho dòng năng lượng sản xuất và tiêu thụ của hồ được tuần hoàn, bền vững, ổn định.
- Các loài tảo (thực vật phù du) hiện hữu;
- Dương xỉ và Rêu;
- Thực vật (xem minh hoạ các hình 9,10,11)
- Cây bóng mát trên bờ: Phượng vĩ, Bằng lăng, Xà cừ, Sưa (các cây bóng mát hiện hữu quanh hồ) và Bụt mọc (đặc biệt quan trọng trồng ven bờ vì bộ rễ cây bụt mọc rất sâu và lan rộng, có nhiều nhánh nhô lên mặt đất – bảo vệ bờ đất ngập nước rất tốt)
- Cây bụi và hoa cỏ trên bờ: Ngọc Anh (Nhài Nhật), hoa Ngâu, Nguyệt quế, hoa Mộc, Tường vi, Huyết dụ, ..
- Cây thuỷ sinh ven bờ (ta-luy dốc): Cúc tần, cỏ Vertiver, ..
- Cây thuỷ sinh ven bờ ngập nước: Thuỷ trúc, Khoai nước,
- Cây thuỷ sinh lá nổi trên mặt nước: hoa Súng, Bèo nhật, .. (trồng trong các chậu thả xuống đáy hồ);
- Cây thuỷ sinh chìm trong nước: rong Đuôi chó, cỏ Thìa, Hẹ thẳng, Rêu cá đẻ (Java moss), ..
- Động vật:
Ngoài 4 cá thể Rùa Hoàn Kiếm là loài bò sát nổi tiếng đã đi vào truyền thuyết lịch sử Việt Nam (hiện tại không còn cá thể nào sống sót), hệ động vật của hồ chưa được quan tâm nghiên cứu và phục hồi đúng cách cho 1 hệ sinh cảnh quan trọng đến như vậy.
Một hệ sinh thái hồ tự nhiên và ổn định cần tôn trọng và được phục hồi đúng nghĩa, ngoài các yếu tố vật lý (nước/đất là chủ đạo) và khí hậu còn là hệ sinh cảnh gồm vi sinh vật, thực vật và động vật tương thích trong chuỗi và bậc dinh dưỡng. Chính sự đa dạng của quần xã sinh vật này mới duy trì hệ sinh thái hồ và tạo sự ổn định cho hồ. Việc tập trung vào xử lý chất lượng Nước và bảo vệ “cụ Rùa” truyền thuyết mà quên đi việc khôi phục sự sống, phục hồi hệ sinh thái hồ, chỉ là cách làm phiến diện và không thể coi là bền vững.
- Các loài thân mềm, giáp xác, chân khớp: tôm, cua, ốc, chuồn chuồn, nhện nước, dế,..
- Các loài cá: các loài cá ở các tầng khác nhau
- Các loài lưỡng cư: ếch nhái
- Các loài bò sát: Rùa, rắn nước, thằn lằn, kỳ nhông,..
- Các loài chim: vịt, thiên nga, ngỗng, le le, cuốc, chim (trên cành), …
- Các loài thú: Sóc, chuột,…
Hình ảnh minh hoạ một quần xã sinh vật ổn định, khoẻ mạnh của 1 hồ nước (Hình 12) và 1 vài ví dụ một vài chuỗi thức ăn trong hồ:
Mùn bã hữu cơ à Ốc à Cá nhỏ à Vịt/ Chim nước
Tảo à Cá nhỏ à Ếch à Cá ăn thịt à Lưỡng cư (thằn lằn, rùa,..)
Mùn bã hữu cơ à Cua à Ếch nhái à Cá ăn thịt
Kết luận và khuyến nghị
Trên đây là ý tưởng đề đạt như một giải pháp cho hồ Hoàn Kiếm nói chung và cho bờ kè hồ nói riêng được trình bày dưới một góc nhìn căn bản và tổng thể hơn: nhìn nhận hồ như một “cơ thể sống” và sức khỏe/ tuổi thọ của hồ phụ thuộc vào việc con người tôn trọng và phục hồi một hệ sinh thái tự nhiên theo bề dày lịch sử như thế nào. Đây là Di sản Quốc gia và bộ mặt của Thủ đô, là trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ của chính quyền. Do vậy những can thiệp cứng của các công trình hạ tầng tốn kém và huỷ hoại hệ sinh thái cần được nghiêm khắc xem xét và loại trừ.
Không nên nhìn nhận việc “giữ màu nước xanh” hay “bảo vệ loài tảo độc đáo của hồ” như một kỳ tích lịch sử và để hồ chết dần bởi những tác động/can thiệp của con người (ô nhiễm nước thải, rác thải, lấn chiếm không gian hay cứng hoá hệ sinh thái ven bờ,..). Âu đó cũng là cách con người tôn trọng thiên nhiên và thể hiện tính giáo dục/ nhận thức/ thái độ ứng xử đúng đắn của con người đối với mỗi di sản thiên nhiên để lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận