menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huyền My

Giải ngân vốn FDI giảm mạnh trong tháng Tám do Covid 19

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, giải ngân vốn FDI trong tháng Tám giảm 14,3% so với tháng Bảy và giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy nhiên, tính cả 8 tháng năm 2021 (từ đầu năm đến 20/8), giải ngân vốn FDI vẫn tăng nhẹ, ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Về vốn đăng ký, tính đến ngày 20/8/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của khu vực FDI đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2020.

"Cùng với vốn đăng ký mới tiếp tục duy trì tăng thì vốn điều chỉnh cũng đã tăng nhẹ trở lại sau khi giảm trong 7 tháng. Chỉ có GVMCP vẫn tiếp tục giảm, song mức giảm cũng đang được cải thiện dần", Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý thêm.

Cụ thể, có 1.135 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 36,8%), tổng vốn đăng ký đạt gần 11,33 tỷ USD (tăng 16,3% so với cùng kỳ); 639 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 11%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 5 tỷ USD (tăng 2,3% so với cùng kỳ); 2.720 lượt GVMCP của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 43,4%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,81 tỷ USD (giảm 43,4% so với cùng kỳ).

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,3 tỷ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,5 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD và trên 734 triệu USD.

Theo đối tác đầu tư, đã có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 6,2 tỷ USD, chiếm gần 32,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 5% so với cùng kỳ 2020. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,2 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư, tăng 94,9% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,4 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư, giảm 17,8% so với cùng kỳ…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý thêm, vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 79,4% và 73,9% tổng vốn đăng ký. Trong đó, vốn đầu tư của Singapore gấp 1,9 lần vốn đầu tư của Nhật Bản và gấp gần 2,6 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc do Singapore có dự án lớn 3,1 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 50% tổng vốn đầu tư của Xinh-ga-po. Hàn Quốc mặc dù chỉ xếp thứ ba về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới cũng như số lượt dự án điều chỉnh vốn.

"Như vậy, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD (chiếm tới 85,8% tổng vốn đầu tư của Long An). TP. Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký gần 2,2 tỷ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ ba với gần 1,7 tỷ USD, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội…

Nếu xét về số dự án, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả về số dự án mới (34%), số lượt dự án điều chỉnh (18,3%) và GVMCP (59,8%). Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút FDI trong 8 tháng, song xếp thứ hai về số dự án mới (21,5%), số lượt dự án điều chỉnh (14,2%) và GVMCP (12,1%).

Liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực FDI, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng song mức độ tăng giảm nhẹ so với 7 tháng năm 2021.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI kể cả dầu thô ước đạt 156,9 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ, chiếm 73,8% kim ngạch xuất khẩu của cả nước; nếu không kể dầu thô ước đạt 155,9 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,3% kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực FDI ước đạt 140,2 tỷ USD, tăng 36,4% so cùng kỳ và chiếm 64,8% kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Như vậy, khu vực FDI xuất siêu gần 16,7 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 15,6 tỷ USD không kể dầu thô trong 8 tháng đầu năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả