Giải ngân vốn FDI đạt hơn 17 tỷ USD
10 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài - FDI giải ngân ước đạt 17,45 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 22,46 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, vốn FDI giải ngân lại tăng 15,2%, ước đạt 17,45 tỷ USD. Dự báo cũng cho thấy, giải ngân FDI năm nay có thể đạt 21-22 tỷ USD, tăng 6,4-11,5% so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, vốn đầu tư đăng ký mới dù tiếp tục giảm đã được cải thiện, vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần cũng tăng so với cùng kỳ 2021. Đơn cử, có 1.570 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 14,2% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt gần 9,93 tỷ USD, giảm 23,7%; 880 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn, tăng 13,4%...
Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 18 trên tổng số 21 ngành kinh tế, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đạt hơn 12,9%, chiếm 57,5% tổng vốn đăng ký.
Số liệu cũng cho thấy, trong 10 tháng qua, Singapore đứng đầu danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn hơn 5,34 tỷ USD, chiếm 23,8% tổng vốn. Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt đứng thứ hai và ba với số vốn hơn 4,19 tỷ USD và 3,9 tỷ USD.
Lũy kế đến 20/10, Việt Nam có 35.895 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 435 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 269 tỷ USD, bằng 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn được xem là một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho biết nhiều doanh nghiệp nước ngoài hiện coi Việt Nam như nơi mang đến cơ hội đầu tư dài hạn, đầu tư chất lượng hơn.
"Quan điểm đó có thể minh chứng bằng việc gần đây có rất nhiều các khoản đầu tư lớn đến từ châu Âu, ví dụ như Lego vừa đầu tư xây dựng nhà máy không phát thải các bon tại Việt Nam", ông nói bên lề sự kiện của HSBC hôm 25/10.
Hay trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 9, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội Nakajima Takeo thông tin, 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động – mức cao nhất trong các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát khác được thực hiện với hơn 1.700 công ty mẹ của các doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy Việt Nam xếp thứ 2 trong hạng mục câu trả lời "là nơi mà các quốc gia muốn mở rộng đầu tư" bên cạnh Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận