Giải ngân vốn đầu tư công: Vẫn có nơi "dậm chân" tại chỗ
Gần nửa chặng đường của năm 2024 đã qua đi, bên cạnh những bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt thì vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương đang có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí đang còn 4 bộ, cơ quan trung ương dậm chân tại chỗ khi tỷ lệ giải ngân bằng 0%. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước.
Nhiều dự án chưa giải ngân
Đang có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) 5 tháng đạt 22,04% so với tổng kế hoạch vốn ĐTC năm 2024 của tỉnh (4.338,962 tỷ đồng), nhưng tỉnh Sơn La đang còn tới 8 đơn vị chưa giải ngân, bao gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng công nghiệp và phát triển đô thị; Ban Quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa; Ban Quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn phòng tỉnh ủy…
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn có nơi "dậm chân" tại chỗ.
Tại tỉnh Hà Giang, tính đến hết tháng 5/2024, tổng số vốn ĐTC đã giải ngân trên địa bàn tỉnh thuộc kế hoạch năm 2024 là 1.205 tỷ đồng, đạt gần 28% kế hoạch vốn được giao (4.363 tỷ đồng).
Mặc dù tỷ lệ giải ngân của tỉnh đang đạt cao so với bình quân chung của cả nước, nhưng theo báo cáo của các sở, ngành, UBND các huyện và chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh, tiến độ giải ngân vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, tính đến nay vẫn còn 10/39 chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân.
Tổ công tác số 5 cũng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân vốn ĐTC của 6 địa phương: Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Theo báo cáo, 5/6 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước trong tháng 5/2024.
Đặc biệt, đến thời điểm này, có 5/6 địa phương còn dự án giải ngân bằng 0%. Cụ thể, tỉnh Bình Thuận có 7 dự án với tổng số vốn 92 tỷ đồng; tỉnh Gia Lai có 4 dự án với tổng số vốn 63,177 tỷ đồng; tỉnh Lâm Đồng có 6 dự án với tổng số vốn trên 1.076 tỷ đồng; tỉnh Đồng Nai có 2 dự án với tổng số vốn trên 731 tỷ đồng; tỉnh Bình Phước có 3 dự án với tổng số vốn 250,8 tỷ đồng.
Đồng thời, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn cũng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu của 3 địa phương: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Đặc biệt, trong lĩnh vực ĐTC, báo cáo này cho biết, tỉnh Bình Định đang có tỷ lệ giải ngân cao, 2 tỉnh còn lại có tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Theo đó, ước đến hết tháng 5/2024, tỉnh Phú Yên giải ngân được 505 tỷ đồng, bằng 12,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 13,6% kế hoạch vốn địa phương triển khai chi tiết. Đặc biệt, đến ngày 30/4/2024, tỉnh Phú Yên có 3 dự án được giao kế hoạch năm 2024 với tổng số vốn là 489 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân, gây ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh.
Còn tại tỉnh Khánh Hòa, ước đến 31/5/2024, toàn tỉnh giải ngân được trên 1.330 tỷ đồng, bằng 16,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 19,2% kế hoạch vốn địa phương triển khai chi tiết.
Theo đánh giá của Đoàn công tác, qua các thời điểm, tỷ lệ giải ngân của Khánh Hoà đều thấp hơn so với bình quân chung cả nước và tỷ lệ tăng của tỉnh ở mức không cao. Đặc biệt, đến ngày 30/4/2024, tỉnh Khánh Hòa vẫn còn 1 dự án xây dựng Cầu Huyện 2 và đường dẫn được giao kế hoạch năm 2024 có kế hoạch vốn 72,2 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân.
Thúc các bộ ngành, địa phương “tiêu tiền”
Các bộ, ngành, địa phương đang được thúc "tiêu tiền".
Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, từ đầu năm đến nay tỷ lệ giải ngân của cả nước luôn tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng tỷ lệ tăng không đáng kể. Cụ thể, ước 5 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt 20,99% tổng kế hoạch và đạt 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2023 đạt 20,8% tổng kế hoạch và đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân được chỉ ra là do tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương không đồng đều, bên cạnh những bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao thì vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí còn chưa giải ngân.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phải xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng và từng quý cho từng nhiệm vụ, dự án. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động rà soát, đánh giá để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao…
Riêng các bộ, ngành, địa phương đang có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC 5 tháng dưới mức trung bình của cả nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị người đứng đầu tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các dự án. Kiên quyết thực hiện việc điều chuyển cán bộ đối với những cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC được Chính phủ quy định tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024; Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn ĐTC năm 2024 và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo tại các Phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Đặc biệt, Bộ Tài chính lưu ý các địa phương chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triền khai các gói thầu. Trong đó, đặc biệt quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm (bao gồm các tuyến đường bộ cao tốc) trên địa bàn các địa phương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận