Giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài 'ì ạch', vì sao?
6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương chỉ đạt 9,12% kế hoạch vốn, cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2021 song vẫn thấp so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước (đạt khoảng 29,76% kế hoạch).
Phát biểu tại hội nghị với các bộ, ngành, địa phương sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, kết thúc 6 tháng năm 2022, sau khi cơ bản kiểm soát dịch Covid-19 và mở cửa nền kinh tế, các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo, tăng trưởng đạt 6,42%. Quý 2/2022, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 11 năm trở lại. Thu ngân sách nhà nước đạt khá tới 66% dự toán.
Bên cạnh các chỉ tiêu tích cực, thì có điểm nghẽn đó là giải ngân vốn đầu tư công, trong đó giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài đạt tỷ lệ thấp dưới 10%.
Thứ trưởng cho rằng, tổ chức thực hiện là nguyên nhân trọng yếu khiến giải ngân thấp. Ngoài ra, còn có nguyên nhân quan trọng đó là nguồn lực đầu tư cao trong đó có nguồn lực từ nguồn vốn trong nước thì có hiện tượng một số bộ, ngành địa phương trả lại nguồn vốn ngoài nước.
Theo đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, nguyên nhân chậm giải ngân là do các dự án chậm triển khai công tác sẵn sàng cho đầu tư (chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chậm thiết kế cơ sở; chậm đấu thầu, vướng mắc trong đấu thầu hoặc vướng trong thực hiện hợp hiện hợp đồng với nhà thầu). Bên cạnh đó, một số dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay.
Ngoài ra, một số dự án chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán, hoặc đang kiện toàn ban quản lý dự án, ảnh hưởng thời tiết, bão lũ, sạt lở và dự án không triển khai được...
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: Xử lý ngay những tồn tại, hạn chế (thuộc thẩm quyền xử lý của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương) đã được các Đoàn công tác của Chính phủ nêu tại báo cáo số 3605/BC-BKHĐT ngày 02/6/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 5 tháng năm 2022 và kết quả của 06 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 02/5/2022.
Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 8/6/2022 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2022, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất phương án cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu tư nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 để bổ sung cho cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần vốn.
Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài cho các dự án đầu tư, thời gian tới, Bộ Tài chính khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng.
Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, Bộ Tài chính lưu ý, các bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, phần kế hoạch vốn còn lại sau khi đã được điều chỉnh giảm, người đứng đầu các bộ, ngành cam kết giải ngân hết 100%; bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc phát.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận