Giải mã sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam
Theo một số chuyên gia, lý do thị trường bán lẻ tại Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn là tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc và dư địa thị trường này còn rất lớn.
Đầu tháng 9/2019, thị trường bán lẻ Việt Nam xôn xao trước thông tin quỹ đầu tư chính phủ Singapore GIC đầu tư 500 triệu USD để nắm giữ một lượng cổ phiếu của Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM thuộc tập đoàn Vingroup.
VCM điều hành và quản lý chuỗi hơn 1.700 cửa hàng tiện lợi Vinmart+ và gần 190 siêu thị VinMart trên toàn Việt Nam. GIC thời gian gần đây đã trở thành nhà đầu tư tích cực tại Việt Nam. Tháng 1/2019, quỹ đầu tư này đã phối hợp cùng với Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản mua lại 111,11 triệu cổ phiếu (trị giá 265 triệu USD) của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Năm 2018, GIC đã mua lại khoảng 7% cổ phần của Vinhomes với giá 850 triệu SGD. GIC cũng đã đầu tư một khoản tiền mua lại một lượng cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ Masan Group. Ngoài ra, GIC cũng đầu tư vào hãng hàng không giá rẻ Vietjet và tập đoàn FPT.
Mới đây nhất, ngày 28/10/2019, doanh nghiệp Scommerce của Việt Nam xác nhận đã gọi vốn thành công từ Temasek Holdings - quỹ đầu tư khác cũng thuộc Chính phủ Singapore với các khoản đầu tư từ trước đến nay chủ yếu tập trung tại Singapore và Trung Quốc. Khoản đầu tư được nhiều chuyên gia kinh tế ước tính lên tới 100 triệu USD, liên quan đến các công ty con thuộc mảng giao nhận thương mại điện tử Giao Hàng Nhanh (GHN) và Ahamove - dịch vụ giao hàng tức thời.
GHN hiện có thể xử lý 300.000 đơn hàng mỗi ngày với mới mạng lưới phủ sóng tại 63 tỉnh thành với 500 bưu cục, 1.500 điểm gửi hàng Vinmart+ và Circle K. GHN cũng có sự hợp tác với 100.000 cửa hàng và doanh nghiệp, trong đó có nhiều thương hiệu lớn như Shopee, Tiki, Lazada, Juno, Vinamilk, Sendo… Trước đó, quỹ Temasek cũng đầu tư vào một loạt các công ty như thủy sản Minh Phú, công ty sữa Vinamilk...
Trong khi đó, báo cáo về tình hình đầu tư công nghệ tại Việt Nam năm 2019 của ESP Capital cũng cho thấy bán lẻ đứng đầu trong các ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Trong nửa đầu năm 2019, tổng vốn ngoại rót vào thương mại điện tử đạt 89 triệu USD, gấp gần 1,8 lần lĩnh vực xếp thứ 2 là mảng công nghệ thanh toán. Con số này cũng tương đương gần 90% giá trị vốn đầu tư kêu gọi thành công của ngành công nghệ trong năm 2018.
Theo một số chuyên gia, lý do thị trường bán lẻ tại Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn là tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc và dư địa thị trường này còn rất lớn. Mặc dù GDP bình quân đầu người năm 2018 của Việt Nam không cao ( khoảng 2.600 USD), nhưng xét về cấu trúc dân số và tốc độ tăng trưởng 6-7%/năm thì GDP bình quân đầu người sẽ sớm vượt ngưỡng 10.000 USD. Bên cạnh đó, thu nhập trung bình của Việt Nam cũng dần tăng lên, giới trung lưu ngày càng nhiều làm gia tăng và thúc đẩy nhu cầu mua sắm hàng hóa.
Theo bản báo cáo tháng 9/2019 của McKinsey&Company, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á và được cân bằng với tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng.
Thị trường bán lẻ nói chung hiện tại có giá trị doanh thu hàng năm khoảng 108 tỷ USD, được dự báo sẽ có tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) khoảng 7,3% trong vòng 5 năm tới. Hàng tạp hóa, thực phẩm phụ và các thiết bị điện tử tiêu dùng là hai mặt hàng chiếm thị phần lớn nhất của thị trường bán lẻ, lần lượt là 44% và 17%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của McKinsey&Company, cả hai lĩnh vực này đều có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai. Năm 2018, việc áp dụng các hình thức trao đổi thương mại hiện đại trong lĩnh vực hàng tạp hóa và thực phẩm phụ của Việt Nam chỉ vào khoảng 8%, thấp hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á khác.
McKinsey&Company dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên tới 26% vào năm 2025 trong bối cảnh thị trường hàng hóa là thực phẩm đang trên con đường hiện đại hóa đáng kể, dự kiến sẽ tăng từ con số 4 tỷ USD hiện tại lên con số 20 tỷ USD vào năm 2025.
Tương tự, mức độ tiếp cận thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ vào khoảng 3% tổng lượng doanh số bán lẻ. McKinsey&Company dự báo tỷ lệ này sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong vòng 5 năm tới và tăng trưởng đáng kể trong dài hạn.
Động lực chính cho sự tăng trưởng này là từ việc Việt Nam có số lượng lớn tầng lớp người trẻ tuổi và sự tiếp cận ở mức độ rất cao với điện thoại thông minh (ước tính có tới hơn 80% người trẻ từ 15 tuổi trở lên sử dụng điện thoại di động thông minh).
Trong bản báo cáo thường niên được công bố vào tháng 7/2019, GIC cho biết việc “phân bổ các nguồn đầu tư của GIC được xây dựng trên cơ sở hướng tới mục tiêu đạt được sự cân bằng cần thiết trong dài hạn giữa yếu tố rủi ro và lợi nhuận mang lại”.
GIC cũng khẳng định việc phân bổ dựa chủ yếu trên quy mô thị trường, chu trình kinh tế và các cơ hội đầu tư có được. Cùng với khoản đầu tư vào VCM, rõ ràng GIC nhìn nhận tiềm năng rất lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam trong tương lai.
Một ví dụ khác cho thấy doanh nghiệp Singapore đang rất quan tâm đến thị trường bán lẻ tại Việt Nam là việc mới đây tập đoàn Innovative Hub Pte Ltd (Singapore) vừa ký biên bản ghi nhớ (MoU) với Alibaba Group nhằm mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Với quy mô 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trên 100 triệu thành viên (90% là người mua), Alibaba.com là website thương mại điện tử (B2B) toàn cầu lớn nhất thế giới của Alibaba Group.
Tại Việt Nam, Innovative Hub Pte Lte dự định cung cấp giải pháp số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời hợp tác với các nhà sản xuất, bán buôn, bán lẻ, hiệp hội, các đơn vị xuất khẩu, thương mại điện tử…
Với việc tầng lớp trung lưu gia tăng và sức mua ngày càng tăng cao, lĩnh vực tiêu dùng và thương mại điện tử tại Việt Nam trở nên rất hấp dẫn đối với Innovative Hub Pte Ltd và các doanh nghiệp Singapore khác như Koda, Kwan Brothers Pte Ltd, Select Group Pte Ltd, and NTUC Fairprice Co-operative Ltd.
Kwan Brothers Pte Ltd (chuyên sản xuất túi và phụ kiện da cá sấu) đang tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động tại Tp. Hồ Chí Minh. Hay NUTC Fairprice Co-Operative Ltd - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Singapore – cũng đã đặt mục tiêu mở rộng hoạt động tại Hà Nội và tại các tỉnh, thành phố khác. Tập đoàn này hiện đang vận hành 4 đại siêu thị và hơn 30 cửa hàng tiện lợi tại Tp. Hồ Chí Minh.
Mặc dù thị trường bán lẻ có tiềm năng lớn như vậy, nhưng theo McKinsey&Company, để có thể thành công, các nhà đầu tư nước ngoài phải luôn ghi nhớ ba xu hướng chính đang diễn ra tại thị trường bán lẻ Việt Nam.
Thứ nhất, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có lòng tin đối với các mặt hàng có thương hiệu, đặc biệt là các thương hiệu của Việt Nam. Một nghiên cứu mới đây cho thấy hơn 69% người tiêu dùng được hỏi cho rằng các mặt hàng có thương hiệu Việt Nam đáp ứng và phù hợp nhất các nhu cầu của họ.
Một nửa trong số người được hỏi khẳng định sẽ lựa chọn hàng Việt Nam thay vì mặt hàng nước ngoài, xuất phát từ yếu tố tự hào dân tộc và niềm tin rằng chất lượng hàng Việt Nam phù hợp với giá tiền.
Thứ hai, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưa thích các cách thức, phương thức mua bán ứng dụng công nghệ hiện đại, bằng chứng là sự tăng trưởng nhanh của các nền tảng phương thức bán lẻ như vậy trong những năm qua tại Việt Nam.
Và cuối cùng, các nhà đầu tư cũng cần ghi nhớ xu hướng hợp nhất các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam đang diễn ra.
McKinsey&Company cũng chỉ ra một số yếu tố thành công chính thường gặp ở những doanh nghiệp bán lẻ thành công. Các yếu tố này bao gồm việc phải đầu tư xây dựng mở rộng quy mô trên cơ sở một mạng lưới rộng lớn; định hình các kế hoạch có giá trị hấp dẫn; “mài giũa”, củng cố hơn nữa các thương hiệu cuốn hút, đáng tin cậy; thúc đẩy sự đổi mới trên các nền tảng, kênh mua bán phổ biến. Những yếu tố này cần phải được hỗ trợ từ các hoạt động mạnh mẽ và các yếu tố hỗ trợ kinh doanh khác; đồng thời không được bỏ qua các kiến thức, hiểu biết về địa phương có liên quan./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận