Giải mã ổ dịch tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng: 29/38 hội viên dương tính
TP.HCM đang đối diện với nhiều nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, khi chỉ trong một thời gian ngắn (9 ngày) lần lượt xuất hiện 3 chuỗi lây nhiễm dịch COVID-19 lưu hành trong cộng đồng.
Đó là những chuỗi lây nhiễm từ công ty, quán ăn cùng ở quận 3 và "hội thánh truyền giáo Phục hưng" ở quận Gò Vấp.
29 ca dương tính, 7 ca F1
Trong khi hai chuỗi lây nhiễm ở quận 3 có những dấu hiệu được kiểm soát, ổ dịch ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng vừa bùng phát vào tối 26-5 được đánh giá phức tạp, nguy hiểm và có diễn biến khó lường. Ổ dịch này chỉ được phát hiện thông qua việc có 3 người sinh hoạt chung trong Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cùng đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh) thăm khám sau khi có các triệu chứng viêm hô hấp.
Từ đêm khuya đến rạng sáng 27-5, song song với việc các quận huyện có người sinh hoạt trong hội này đồng loạt kích hoạt "đội đáp ứng nhanh", ngành y tế TP đã huy động lực lượng y tế của cả khối điều trị và dự phòng tham gia điều tra dịch tễ khoanh vùng dập dịch, lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm.
Đến cuối giờ chiều 27-5 đã có 36 trường hợp dương tính được ghi nhận, cư trú rải rác ở 8 quận huyện gồm quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè và TP Thủ Đức. Đặc biệt có đến 29/38 (chiếm 3/4) hội viên của hội này dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, 7 trường hợp dương tính khác là F1 của các trường hợp dương tính này, trong đó có 4 người làm việc chung tại tòa nhà ở quận Phú Nhuận và 3 người tiếp xúc gần một số hội viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ngay nơi cư trú.
Phát bệnh từ ngày 13-5
Ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết trong số các ca bệnh này có 19 trường hợp ghi nhận có triệu chứng, khởi phát sớm nhất bắt đầu từ ngày 13-5 (13 ngày trước); 4 trường hợp không ghi nhận triệu chứng và 13 trường hợp không rõ triệu chứng.
Thông qua các chỉ số xét nghiệm, ông Dũng đánh giá chuỗi lây nhiễm đang diễn tiến, do đó mức độ lây nhiễm rất cao, có khả năng mầm bệnh đã xuất hiện trước đây và lây lan trong cộng đồng. "Các trường hợp hội viên cho dù âm tính nhưng vẫn được xem là ca nghi ngờ vì có khả năng đang nhiễm bệnh hoặc đã khỏi bệnh. Hệ thống phòng chống dịch thành phố đang triển khai thực hiện truy vết nhanh, mở rộng bao vây để cắt đứt chuỗi lây nhiễm này, đồng thời điều tra đánh giá nguồn lây nhiễm", ông Dũng khẳng định.
Cùng đánh giá về chuỗi lây nhiễm trên, TS.BS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) - cho rằng "rất phức tạp" bởi các ca được phát hiện khi bệnh nhân đã có triệu chứng (chu kỳ thông thường kéo dài từ 1 - 14 ngày và trung bình là 5 - 7 ngày) và chưa kể đến nay vẫn chưa thể xác định được chủng virus gây bệnh.
"Với một số lượng lớn ca nhiễm phát bệnh trong khoảng thời gian dài như thế, có khả năng dịch đã lây lan nhiều trong cộng đồng. Ngoài ra tính chất sinh hoạt hội nhóm, giao lưu, giao tiếp nhiều cũng là một nguy cơ rất cao. Khi chưa xác định được nguồn lây, buộc chúng ta phải đặt trong tình huống đang đối diện với chủng virus lây lan mạnh nhất, từ đó đưa ra các giải pháp căn cơ nhất khống chế dịch", bác sĩ Hùng nhận định.
Trong bối cảnh chưa tìm ra nguồn lây, bác sĩ Hùng cho rằng "bất kể ai cũng có thể là F0". Và theo ông, ngoài giải pháp thần tốc khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cần "kích hoạt" lại ý thức 5K về phòng dịch của mỗi người dân và có thể phải tính toán đến phương án "cách ly xã hội" những nơi có nguy cơ cao.
Khẳng định mầm bệnh có thể đã lây lan trong cộng đồng, HCDC cảnh báo người dân phải nâng cao cảnh giác, đồng thời tự giác khai báo y tế, nhất là đối với những người có sinh hoạt hoặc liên quan với Hội thánh truyền giáo Phục Hưng mà chưa được chính quyền hoặc cơ quan y tế liên hệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận