24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Minh Nhật
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giải mã kỷ lục phục hồi của chứng khoán Mỹ

Chỉ số Dow Jones đang chuẩn bị kết thúc một chuyến đi quan trọng: dù tỏ ra đuối sức gần đây, thước đo danh giá này của Phố Wall đã hồi phục gần như toàn bộ phần điểm bị mất trong đại dịch Covid-19.

Tờ Wall Street Journal nói rằng đây là một hành trình mang tính lịch sử của Dow Jones, diễn ra khi nền kinh tế Mỹ trải qua một trong những đợt sụt giảm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Giải mã kỷ lục phục hồi của chứng khoán Mỹ

Mùa xuân năm 2020, Dow Jones và S&P 500 - chỉ số rộng nhất và mang tính tham chiếu của chứng khoán Mỹ - bị thổi bay 35% điểm số chỉ trong vòng 6 tuần. Đợt giảm đó đánh dấu cú sụt nhanh nhất của Phố Wall từ một mức cao kỷ lục xuống trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đóng cửa do sự lây lan của dịch bệnh.

Nhưng cũng từ mức đáy đó, chứng khoán Mỹ đã thiết lập một chuỗi hồi phục chưa từng có tiền lệ trên thị trường tài chính thời hiện đại.

Dow Jones hiện đang ở gần mức đỉnh cao mọi thời đại ghi nhận hôm 12/2, trong khi S&P500 mới đây chốt chuỗi 5 tháng tăng mạnh nhất trong hơn 80 năm.

Hành trình của S&P 500 từ mức cao kỷ lục đến trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống - được định nghĩa bằng cú giảm 20% trở lên - cho tới ngưỡng cao kỷ lục mới diễn ra chỉ trong 126 ngày giao dịch, một quãng thời gian ngắn chưa từng thấy cho một sự hồi phục như vậy. Trong những đợt giảm trước đây kể từ năm 1928, chỉ số này mất bình quân hơn 1.500 phiên giao dịch mới quay trở lại được mức kỷ lục, tương đương thời gian 6 năm.

Sự giảm-tăng năm nay của chứng khoán Mỹ càng đáng nhớ hơn bởi diễn ra trên nền suy thoái và đại dịch bủa vây nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hàng triệu người Mỹ hiện vẫn đang thất nghiệp, lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm với tốc độ mạnh nhất trong một thập kỷ,và Covid-19 vẫn chưa bị khống chế.

Hai tuần trước, chứng khoán Mỹ lại giảm mạnh do sức ép từ biến động giá cổ phiếu các công ty công nghệ lớn. Nhưng các chỉ số đã khởi động tuần này trong sắc xanh rực rỡ.

“Tôi không nghĩ có bất kỳ dấu mốc nào khác trong lịch sử trông giống như thế này”, ông Benjamin Bowler, trưởng bộ phận nghiên cứu phái sinh thuộc Bank of America, nhận định về sự hồi phục của chứng khoán Mỹ.

Giải mã kỷ lục phục hồi của chứng khoán Mỹ

Wall Street Journal đã nêu 5 động lực dẫn tới tốc độ hồi phục lịch sử của Phố Wall trong đại dịch Covid-19:

1. CÁC BIỆN PHÁP KÍCH THÍCH TỪ CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG MỸ (FED) VÀ QUỐC HỘI MỸ

Có một sự khác biệt lớn trong cuộc khủng hoảng này, và đó là phản ứng của Fed và Chính phủ Mỹ.

Các nhà chức trách đã trở nên nhanh nhẹn va mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Fed hạ lãi suất về gần 0 và bơm hàng nghìn tỷ USD vào thị trường. Chính phủ Mỹ phát hơn 150 triệu tấm séc kích cầu cho người dân và hỗ trợ cho vay khoảng 500 tỷ USD đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Các biện pháp này, cùng với những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, mở đường cho thị trường thoát đáy. Nhiều nhà đầu tư nói rằng lịch sử đã dạy họ rằng sẽ không phải là khôn ngoan nếu đặt cược chống lại Fed. Trong vòng 10 năm qua, việc bắt đáy theo Fed ở Phố Wall trong bất kỳ đợt giảm nào, dù lớn hay nhỏ, đều mang lại lợi nhuận.

Nhờ đó, sự hồi phục của thị trường cũng gây sửng sốt không kém cú sụt kinh hoàng trước đó.

“Những cú sốc mạnh hơn trước. Nhưng phục hồi cũng mạnh hơn… Ai ai cũng đuổi theo sự đi lên của các chỉ số”, ông Bowler nhấn mạnh.

Giải mã kỷ lục phục hồi của chứng khoán Mỹ

Chủ tịch Fed Jerome Powell (trái) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, hai vị quan chức dẫn đầu nỗ lực kích thích nền kinh tế Mỹ trong đại dịch Covid-19 - Ảnh: AP/WSJ

Về phần mình, Fed cũng tiếp thu những bài học từ lần khủng hoảng trước. Hành động sớm và quyết liệt là điều quan trọng - ông Patrick Harker, Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia, phát biểu hồi tháng 4.

Sự can thiệp của Fed còn mang lại một hiệu ứng không ngờ tới: khi Fed mua vào trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu kho bạc Mỹ, lợi suất trái phiếu giảm xuống, khiến cổ phiếu càng hấp dẫn hơn.

Lợi suất thực của trái phiếu kho bạc Mỹ đã trượt xuống ngưỡng âm do giá trái phiếu tăng, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư đổ tiền vào trái phiếu có thể bị lỗ nếu tính đến yếu tố lạm phát. Vì thế, họ càng có lý do để chuyển vốn sang thị trường cổ phiếu - một hoạt động đã trở nên quen thuộc ở Phố Wall đến nỗi có hẳn một chữ viết tắt riêng: TINA (There is No Alternative - Không còn lựa chọn nào khác).

Giải mã kỷ lục phục hồi của chứng khoán Mỹ

2. KỲ VỌNG VỀ MỘT SỰ HỒI PHỤC KINH TẾ MẠNH MẼ

Hỗ trợ cho sự phục hồi của chứng khoán Mỹ còn là niềm tin vững chắc rằng nền kinh tế nước này sẽ hồi phục mạnh một khi bệnh dịch được kiểm soát.

Nhiều người tin kinh tế Mỹ đã qua giai đoạn tồi tệ nhất, và họ có cơ sở để tin như vậy: hoạt động sản xuất tăng tốc trong tháng 8, số việc làm được tạo ra đã tăng 4 tháng liên tiếp, và tiêu dùng cũng tăng trở lại sau đợt giảm mạnh.

Giải mã kỷ lục phục hồi của chứng khoán Mỹ

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, tháng 8/2020 - Ảnh: Reuters

Ngoài ra, giới phân tích nói sự sụt giảm lợi nhuận doanh nghiệp có thể đã chạm đáy. Trong quý gần nhất, lợi nhuận của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009, theo dữ liệu của FactSet. Lợi nhuận doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục đi xuống trong năm nay, nhưng với tốc độ giảm dần. Về năm tới, các chuyên gia dự báo lợi nhuận doanh nghiệp sẽ vượt qua mức trước khi xảy ra đại dịch.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế khu vực tư nhân tin rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ sẽ bật tăng trở lại vào năm tới với một tốc độ hiếm thấy trong 70 năm qua - một báo cáo của công ty nghiên cứu Leuhold Group cho hay.

“Tất cả mọi thứ liên quan đến cuộc khủng hoảng này đều cực lớn và diễn biến với tốc độ nhanh”, chiến lược gia trưởng về đầu tư Jim Paulsen của Leuthold viết trong báo cáo. “Nếu nền kinh tế tiếp tục hồi phục và tăng trưởng GDP thực đạt gần tới con số dự báo đồng thuận hiện tại, các nhà đầu cơ giá lên trên thị trường chứng khoán sẽ ngày càng mạnh”.

Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs gần đây cho biết họ kỳ vọng S&P 500 đạt mốc 3.600 điểm vào cuối năm 2020, cao hơn 6,4% so với mức điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai (14/9).

Các chuyên gia của ngân hàng Bank of America thì dự báo thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục có những bước tiến nhanh chóng.

Giải mã kỷ lục phục hồi của chứng khoán Mỹ

3. THẾ THỐNG TRỊ CỦA CÁC CỔ PHIẾU CÔNG NGHỆ LỚN

Khoảng cách giữa những cổ phiếu tăng và những cổ phiếu giảm ở Phố Wall hiện nay là rất lớn và ngày càng rộng thêm. Các hãng công nghệ lớn đã và đang hưởng lợi từ những thay đổi xã hội do đại dịch gây ra, và do đó có ảnh hưởng ngày càng lớn trên thị trường.

Một ví dụ không thể không kể đến là Apple. Cổ phiếu “táo khuyết” đã tăng 57% trong năm nay, và gần đây, vốn hóa của hãng công nghệ khổng lồ này đã vượt tổng vốn hóa của tất cả các công ty thuộc Russell 2000 - chỉ số chứng khoán Mỹ dành cho các công ty nhỏ. Thậm chí, vốn hóa của Apple cũng lớn hơn cả tổng vốn hóa của FTSE 100, chỉ số dành cho các công ty lớn nhất niêm yết ở Sở Giao dịch chứng khoán London (LSE), Anh.

Ngược lại, các công ty công nghiệp - nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề từ đại dịch - đang mất dần ảnh hưởng đối với diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ.

Giải mã kỷ lục phục hồi của chứng khoán Mỹ

Diễn biến giá cổ phiếu Apple từ đầu năm đến nay (Đơn vị: USD/cổ phiếu - Nguồn: Investing)

5 công ty lớn nhất trong S&P 500 hiện nay, gồm Apple, Amazon.com, Microsoft, Alphabet và Facebook, hiện chiếm 23% tổng vốn hóa của toàn chỉ số. Đây là tỷ lệ tập trung vốn hóa cao nhất trong 30 năm qua ở Phố Wall, theo Goldman Sachs.

Apple, công ty lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ ở thời điểm hiện tại, đóng góp hơn một nửa trong tổng mức lợi nhuận 4,8% mà S&P 500 mang lại cho nhà đầu tư từ đầu năm đến nay, theo số liệu của S&P Dow Jones Indices.

Giới đầu tư đang đặt cược rằng ảnh hưởng của các cổ phiếu công nghệ ở Phố Wall sẽ còn tăng lên trong bối cảnh người Mỹ tiếp tục làm việc ở nhà, mua sắm trực tuyến và xem phim qua mạng. Năm nay, giá cổ phiếu Amazon đã tăng 68%, Microsoft tăng 30%, Facebook tăng 30%, và Alphabet - công ty mẹ của Google - tăng 13%.

Có một cách để đo lường ảnh hưởng to lớn của các cổ phiếu công nghệ lên chứng khoán Mỹ: một phiên bản S&P 500 với tỷ trọng như nhau cho mọi cổ phiếu đã giảm 4,4% từ đầu năm, trong khi S&P 500 phiên bản tiêu chuẩn đã tăng 4,7%. Trong số các nhóm cổ phiếu ngành thuộc chỉ số này, một loạt nhóm đang ở trạng thái “đỏ” nếu so với mức điểm của đầu năm, gồm năng lượng, tài chính, dịch vụ công cộng, bất động sản, và công nghiệp.

Một trong những dấu hiệu cho thấy rõ ảnh hưởng giảm sút của nhóm cổ phiếu năng lượng là việc tập đoàn dầu khí Exxon Mobil mới đây đã bị loại khỏi chỉ số công nghiệp Dow Jones, chấm dứt quãng thời gian Exxon là một thành viên của chỉ số này kể từ năm 1928. Nhóm năng lượng hiện chỉ chiếm tỷ trọng chưa đầy 3% trong Dow Jones và S&P 500.

Ảnh hưởng lớn của cổ phiếu công nghệ cũng đồng nghĩa Phố Wall dễ tổn thương hơn trước bất kỳ một cú sụt nào của nhóm này. Tuần trước, nhóm công nghệ khiến thị trường giảm điểm khi nhà đầu tư lo ngại rằng định giá của các cổ phiếu này đã tăng quá nhanh và quá cao.

Giải mã kỷ lục phục hồi của chứng khoán Mỹ

4. SỰ TRỞ LẠI CỦA CÁC NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN

Không thể phớt lờ việc các nhà đầu tư ồ ạt gia nhập thị trường chứng khoán Mỹ. Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng này chiếm gần 20% hoạt động thị trường, tăng gấp gần 2 lần so với thời điểm năm 2010, theo dữ liệu của Bloomberg Intelligence.

Đối với các nhà đầu tư cá nhân, giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall chưa bao giờ dễ như hiện nay.

Phải nghỉ việc hoặc làm việc ở nhà do đại dịch, các nhà đầu tư cá nhân bắt đầu mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại các công ty môi giới do không cưỡng lại được sức hút từ phí hoa hồng giảm xuống mức thấp và cơ hội hưởng lãi từ mức độ biến động mạnh của thị trường.

Các nhà đầu tư mới này thường trao đổi kinh nghiệm trên các nhóm Facebook hay Reddit. Họ cũng theo dõi các nhà đầu tư lâu năm hoặc chuyên gia có ảnh hưởng trên các nền tảng mảng xã hội khác như TikTok, hay chat với các nhà giao dịch thông qua nền tảng tin nhắn Discord.

Nhiều nhà đầu tư trong số này, cùng với các nhà đầu tư tổ chức, đã rót vốn mạnh vào những cổ phiếu mà họ cho là sẽ hưởng lợi từ đại dịch hoặc những cổ phiếu mà họ tin là có thể định hình lại một số lĩnh vực.

Trong đó, phải kể đến cổ phiếu công ty cá cược thể thao DraftKings với mức tăng 354% trong năm nay; cổ phiếu công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic tăng 5%...

Giải mã kỷ lục phục hồi của chứng khoán Mỹ

Diễn biến giá cổ phiếu Tesla từ đầu năm đến nay (Đơn vị: USD/cổ phiếu - Nguồn: Investing)

Dĩ nhiên, không thể không kể đến cổ phiếu hãng xe điện Tesla với mức tăng 402% từ đầu năm, đưa hãng này trở thành nhà sản xuất ô tô đắt giá nhất thế giới, công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn thứ 8 ở Mỹ, và là một trong những doanh nghiệp gây nhiều tranh cãi nhất.

Giải mã kỷ lục phục hồi của chứng khoán Mỹ

5. GIAO DỊCH ĐỘNG LƯỢNG (MOMENTUM TRADE)

Trên nhiều phương diện, Tesla là hiện thân của thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay, ở đó các nhà đầu tư cả nhỏ lẻ và tổ chức đều ra sức săn đuổi những công ty hứa hẹn tốc độ tăng trưởng cao.

Hãng xe điện này đã trở thành biểu tượng của hoạt động giao động lượng rất “nóng” ở Phố Wall trong năm nay: vốn được đổ mạnh vào những cổ phiếu tăng nhanh nhất và cao nhất. Trên thực tế, hầu như không có cổ phiếu nào đọ được với Tesla về tốc độ tăng và mức tăng.

Dữ liệu từ ngân hàng Societe Generale tính đến tháng 6 năm nay cho thấy các nhà đầu tư các nhân trên thị trường chứng khoán Mỹ thường chuộng những cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất trong 3 tháng gần nhất. Các nhà giao dịch thuộc công ty môi giới Robinhood Markets Inc. tăng mạnh mức nắm giữ những cổ phiếu như vậy kể từ tháng 3, trong khi thờ ơ với những cổ phiếu có mức giảm giá mạnh nhất.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng rót vốn vào các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) để đuổi theo đà tăng của các cổ phiếu đang tăng mạnh.

Và cũng giống như thị trường chứng khoán Mỹ nói chung, sự tăng giá của cổ phiếu Tesla trong năm nay là rất khó chống lại. Các nhà bán khống cổ phiếu này - những người đặt cược cổ phiếu Tesla sẽ giảm - đều phải hứng chịu những khoản thua lỗ nặng nề.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả