24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bích Lan
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giải mã dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam

Các chuyên gia nhận định xu hướng đầu tư từ dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhưng ở “cấu phần đơn giản”.

Báo cáo “Vốn đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố cho thấy, Trung Quốc không chiếm ưu thế đáng kể nào so với các nước khác trong việc xuất khẩu vốn vào Việt Nam. Theo đó, Hàn Quốc mới là “ông trùm” đầu tư vào Việt Nam.

Hàn Quốc tập trung đầu tư vào điện tử (13,4 tỷ USD), bất động sản (5,3 tỷ USD), sản xuất kim loại (4,7 tỷ USD), dệt may (3,2 tỷ USD), hóa chất (2,59 tỷ USD).

Tăng trưởng “thần tốc”

Ngược lại với những “tin đồn” rằng đầu tư FDI từ Trung Quốc chiếm ưu thế tại Việt Nam, khi xem xét mối tương quan giữa vốn Trung Quốc vào ASEAN so với tổng vốn FDI vào ASEAN, báo cáo của VEPR chỉ ra vốn Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao hơn các nước/vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan nhưng không quá lớn. Năm 2016, vốn Trung Quốc chiếm 16,3%, năm 2017 chiếm 14,1%.

Xét riêng dòng vốn của nhóm nước Đông Bắc Á vào ASEAN, có thể thấy sự phân hóa khá rõ ràng, trong khi vốn Nhật Bản đổ rất mạnh vào Indonesia, Thái Lan, Malaysia, thì ở Việt Nam, vốn Hàn Quốc chiếm ưu thế.

Theo đó, trong tỷ trọng dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam so với tổng dòng vốn chảy vào ASEAN, có thể thấy sự tăng trưởng rõ rệt của dòng vốn Hàn Quốc, từ khoảng 30% (năm 2010) lên khoảng 67% (năm 2017). Riêng 6 tháng đầu năm 2019, dòng vốn Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam tương đương 2,73 tỷ USD.

Sự “bá đạo” của dòng vốn Hàn Quốc cũng thể hiện ở số dự án của quốc gia này ở Việt Nam đã tăng mạnh trong giai đoạn 2012 – 2018, từ khoảng 3.200 dự án lên khoảng 7.500 dự án.

Để so sánh, tại năm 2018, số dự án của Nhật chỉ khoảng 4.000, của Trung Quốc khoảng 3.800, của Đài Loan khoảng 2.700 còn của Singapore khoảng 2.100.

Tổng mức vốn FDI đăng ký hàng năm, xét riêng các quốc gia Đông Bắc Á, cũng cho thấy sự vượt trội của dòng vốn Hàn Quốc. Từ năm 2012 đến năm 2018, vốn Hàn Quốc tăng gấp 2,5 lần, từ 25 tỷ USD lên khoảng 63 tỷ USD. Theo sau là Nhật Bản (năm 2018 đạt 57 tỷ USD), Singapore (năm 2018 đạt 46 tỷ USD), Trung Quốc (năm 2018 đạt 33 tỷ USD), Đài Loan (năm 2018 đạt 31 tỷ USD).

Hàn Quốc cũng cho thấy ưu thế của mình tại Việt Nam khi nhìn vào tổng số dự án đăng ký mới và tăng vốn giai đoạn 2012 – 2018, trong tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm giai đoạn 2012 – 2018.

Tính bền vững của dòng vốn Hàn Quốc còn thể hiện ở lĩnh vực đầu tư. Năm 2016, vốn Hàn Quốc tập trung vào điện tử (13,4 tỷ usd), bất động sản (5,3 tỷ usd), sản xuất kim loại (4,7 tỷ usd), dệt may (3,2 tỷ usd), hóa chất (2,59 tỷ usd).

“Nhật Bản vào Việt Nam rất sớm nhưng lại không có ý định gắn bó lâu dài với Việt Nam. Hàn Quốc thì khác, họ đầu tư bất động sản rất mạnh. Người Hàn Quốc sang Việt Nam mua, xây dựng nhà ở cũng nhiều. Họ cho thấy ý định ở lại Việt Nam rất kiên quyết”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nhận định.

…nhưng chỉ ở “cấu phần đơn giản”

Cùng quan điểm, trao đổi với DĐDN, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn- Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới lý giải, các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp, văn phòng và nhà ở cho người lao động để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam nhiều năm nay nhưng đóng góp không lớn. “Sự phát triển của Hàn Quốc chủ yếu dựa vào các “ốc đảo” của họ, tính lan toả ra các nước tương đối ít. Tuy nhiên lỗi là do Việt Nam là chính. Khi Hàn Quốc có dự định sản xuất smart phone tại Việt Nam thì chúng ta lại thiếu công nghiệp hỗ trợ, nên không làm nổi”, ông Sơn đánh giá.

Theo đó, vị chuyên gia phân tích, Việt Nam được kỳ vọng là nơi “trú ngụ” của đầu tư nước ngoài nhằm tránh bão từ chiến tranh thương mại, do đó, việc tăng vốn đầu tư là khả thi.

Tuy nhiên, xu hướng tăng đầu tư chỉ mang tính tạm thời nếu Việt Nam không giải quyết được vấn đề nền tảng là kỹ năng, chưa nói đến vấn đề cơ sở hạ tầng, logisctis.

“Đặc biệt, xu hướng đầu tư từ dòng vốn Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng nhưng ở “cấu phần đơn giản”. Trong khi đó, dòng đầu tư này có thể chuyển hướng sang Thái Lan và Indoneisa ở phần đòi hỏi công nghệ cao”, ông Sơn nhận định.

Do đó, chuyên gia cho rằng Việt Nam phải xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ. “Muốn vậy, đầu tiên phải thay đổi thể chế, trao quyền cho doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân được cởi trói mới có thể xây dựng công nghiệp phụ trợ, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước đã không còn phù hợp”, ông Sơn kiến nghị.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả