Giải mã "cáo trạng" của Mỹ đối với tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông
Ngày 12/1, Mỹ công bố một tài liệu cập nhật được đánh giá là “cáo trạng” hoàn chỉnh nhằm vào các yêu sách về chủ quyền bị quốc tế coi là phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Hoa Nam (Biển Đông).
Trong thông cáo báo chí giới thiệu tài liệu, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết công trình nghiên cứu mới nhất kết luận rằng Trung Quốc “khẳng định những yêu sách chủ quyền phi pháp trên phần lớn Biển Đông”. Thông cáo nhắc lại rằng nghiên cứu mới dựa trên một phân tích năm 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ về các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trong phạm vi một “Đường 9 đoạn” mơ hồ ở Biển Đông. Từ năm 2014, Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định chủ quyền đối với một vùng rộng lớn tại Biển Đông cũng như tại những nơi mà Trung Quốc gọi là “vùng nội thủy” và “các quần đảo xa”. Tất cả các yêu sách này đều không phù hợp với luật pháp quốc tế được đề cập trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Yêu sách thứ nhất liên quan đến các thực thể trên biển. Nghiên cứu dẫn chứng Trung Quốc đòi hỏi “chủ quyền” đối với hơn 100 thực thể ở Biển Đông, những bãi cạn hay rạn san hô chìm dưới mặt biển khi thủy triều lên và nằm ngoài giới hạn hợp pháp của lãnh hải bất kỳ quốc gia nào. Xét từ góc độ pháp lý, những yêu sách như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế, theo đó các thực thể nửa chìm nửa nổi không thể là đối tượng định hình yêu sách chủ quyền hợp pháp hoặc không có khả năng tạo ra các vùng biển được công nhận.
Yêu sách thứ hai liên quan tới các đường cơ sở thẳng. Bắc Kinh đã tự vạch ra “các đường cơ sở thẳng” bao quanh các đảo, vùng biển và các thực thể chìm trong phạm vi không gian đại dương rộng lớn ở Biển Đông. Theo các tác giả của bản nghiên cứu, không nhóm nào trong số 4 “nhóm đảo” mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và tự đặt tên, gồm quần đảo Đông Sa (Pratas), quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa (bãi Macclesfield), và quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa), đáp ứng được các tiêu chí địa lý cho việc sử dụng các đường cơ sở thẳng theo UNCLOS.
Hai yêu sách khác mà Trung Quốc đưa ra liên quan đến các vùng biển và các quyền Bắc Kinh tự nhận là “lịch sử” trên Biển Đông.
Trung Quốc luôn khẳng định rằng họ có “quyền lịch sử” ở Biển Đông. Song theo tài liệu vừa được Mỹ công bố, những yêu sách về quyền lịch sử này “không có cơ sở pháp lý” và Trung Quốc không đưa ra được chi tiết cụ thể để chứng minh các khẳng định của họ.
Nói cách khác, quan điểm của Mỹ bác bỏ “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông, tương tự phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye, cho rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bên trong cái gọi là “Đường 9 đoạn” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Nghiên cứu nhận định: “Những yêu sách của Trung Quốc đã làm suy yếu nghiêm trọng sự thượng tôn pháp luật trên biển và nhiều quy định của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi như đã được nêu trong UNCLOS”.
Theo học giả nổi tiếng về Biển Đông Bill Hayton, nghiên cứu nói trên “có căn cứ xác đáng, lập luận chặt chẽ căn cứ vào những thông tin mới nhất từ các nguồn tin Trung Quốc. Thực tế nghiên cứu không phản ánh sự thay đổi trong lập trường của Mỹ mà giúp những ai quan tâm tới các diễn biến ở Biển Đông có được tập hợp các dữ liệu làm nền tảng cho các cuộc thảo luận về sau này”.
Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh, làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, Singapore, cho rằng nghiên cứu là động thái mới nhất chuyển dần từ cách tiếp cận chủ yếu từ góc độ quân sự được chính quyền Donald Trump vận dụng nhằm đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, sang cách tiếp cận mang tính “chính trị và pháp lý” hơn. Ông cũng chỉ ra rằng thời điểm Mỹ công bố nghiên cứu, ngay trong bối cảnh các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) bế tắc, có thể là cách để Washington định hình và gây ảnh hưởng tới tiến trình này. Ông nói: “Các quốc gia châu Á sẽ rất quan tâm tới nghiên cứu này. Các nội dung và dữ liệu trong nghiên cứu sẽ rất hữu ích trong việc củng cố lập trường của các thành viên ASEAN trong đàm phán với Mỹ”.
Trung Quốc nhanh chóng phản bác, cho rằng báo cáo của Mỹ đã “bóp méo luật pháp quốc tế và dắt mũi dư luận”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh trong cuộc họp báo: “Mỹ từ chối ký vào công ước nhưng lại tự cho mình như thẩm phán và bóp méo công ước một cách lố bịch. Để phục vụ các lợi ích hẹp hòi của chính mình, Mỹ đã dùng tiêu chuẩn kép để thao túng chính trị”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận