Giải mã các lựa chọn nội các của ông Donald Trump
Rút bài học kinh nghiệm về nhân sự trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã ưu tiên lòng trung thành khi cân nhắc các vị trí nội các cho chính quyền mới.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang dần hoàn thiện danh sách đề cử cho các vị trí nội các của chính quyền mới sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Chỉ trong vòng hai tuần sau khi có kết quả bầu cử, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã công bố các lựa chọn quan trọng trong nội các mới. Ông Donald Trump chọn ông Pete Hegseth - người dẫn chương trình đài Fox News - cho vị trí bộ trưởng quốc phòng, Thượng nghị sĩ Marco Rubio làm ngoại trưởng, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Matt Gaetz làm bộ trưởng tư pháp,...
Ông Donald Trump tại Nhà Trắng hồi năm 2020. Ảnh: THE NEW YORK TIMESĐề cao lòng trung thành
Tổng thống đắc cử Donald Trump từ lâu đã khẳng định rằng lòng trung thành là điều tối quan trọng đối với bất kỳ ai trong vòng quan hệ với ông. Do đó, theo tờ The Hill, những lựa chọn nội các cho đến nay là dấu hiệu cho thấy ông Donald Trump đang tưởng thưởng cho những người luôn đứng về phía ông.
Gần như mọi đề cử của ông Donald Trump đến nay đều là những nhân vật lên tiếng bảo vệ tổng thống đắc cử, ủng hộ ông trong suốt chiến dịch tranh cử hoặc sát cánh cùng ông vào một số thời điểm đặc biệt. Bên cạnh đó, trong các thông báo đề cử, ông Donald Trump đều nhấn mạnh sự ủng hộ của những nhân vật này đối với chủ thuyết “Nước Mỹ trước tiên” của ông.
Theo The Hill, danh sách lựa chọn cho các vị trí nội các trên khác xa với “nhóm đối thủ” đã hình thành nên nhóm quan chức cấp cao trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump. “Có vẻ như nhóm này là một nhóm người gắn bó chặt chẽ hơn. Bây giờ, bạn có thể không thích những người mà họ đang tiến lên cùng, nhưng đồng thời tôi nghĩ rằng họ đã hành động khá nhanh chóng” - ông Marc Short, cựu Chánh Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, cho hay.
Còn theo trang Business Insider, những lựa chọn các vị trí nội các mới cho thấy ông Donald Trump coi trọng lòng trung thành sau nhiệm kỳ đầu tiên đầy biến động với nhiều bộ trưởng từ chức hoặc bị sa thải vì thường xuyên đối đầu với ông.
Ông Donald Trump cũng từng nói rằng sai lầm lớn nhất trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông là chọn nhầm người. Ông Donald Trump đến thủ đô Washington, D.C vào năm 2016 với tư cách là một người ngoài cuộc chưa từng phục vụ trong chính phủ và nói rằng ông dựa vào người khác để giới thiệu nhân sự, theo tạp chí Time.
GS David E. Lewis tại ĐH Vanderbilt (Mỹ) cho rằng qua danh sách đề cử nội các có thể thấy có sự nhấn mạnh về mối liên hệ giữa các cá nhân và chính sách của ông Donald Trump, đồng thời lưu ý rằng tổng thống đắc cử không còn là một chính trị gia "mới vào nghề" mà giờ đây có một "nhóm đồng minh sâu sắc hơn" để dựa vào.
“Một trong những vấn đề mà ông [Donald Trump] gặp phải trong nhiệm kỳ đầu tiên là những người mà ông ấy chọn không làm những việc mà ông ấy muốn họ làm trong chính quyền vì nhiều lý do, và tôi nghĩ rằng ông ấy đã học được cách tránh điều đó trong lần này” - GS Lewis cho hay.
Tổng thống đắc cử Donald Trump bổ sung vào nội các và đội ngũ nhân viên Nhà Trắng những người trung thành có nhiều kinh nghiệm trong quốc hội, những người ủng hộ chương trình nghị sự của ông về nhập cư và chính sách đối ngoại, theo tờ The Wall Street Journal.
Bài thử thách tại Thượng viện
Theo The Hill, danh sách nội các mà Tổng thống đắc cử Donald Trump lựa chọn sẽ là bài kiểm tra cho đảng Cộng hòa tại Thượng viện và đưa ra thước đo về mức độ độc lập mà các nhà lập pháp này dự định thể hiện so với tổng thống mới.
Lòng trung thành là ưu tiên hàng đầu khi Tổng thống đắc cử Donald Trump cân nhắc các vị trí nội các. Ảnh: THE TIMES
Theo tờ The Guardian, hàng trăm quan chức cấp cao trong chính phủ liên bang, bao gồm tất cả các thành viên trong nội các của tổng thống, đều phải được Thượng viện chấp thuận, nghĩa là họ cần sự ủng hộ của ít nhất 51 thành viên của Thượng viện để được xác nhận. Đảng Cộng hòa được dự đoán kiểm soát Thượng viện Mỹ sau cuộc bầu cử vừa rồi với 53 ghế, tạo nên ưu thế lớn đối với việc bổ nhiệm nội các của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Các thượng nghị sĩ luôn nhắc đến tầm quan trọng của thể chế đóng vai trò là một cơ quan nhằm kiểm soát Hạ viện và cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, chiến thắng thuyết phục của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử có thể làm tăng áp lực buộc các nhà lập pháp phải tuân theo ý muốn của tổng thống đắc cử.
Trên thực tế, ông Donald Trump đã bắt đầu chiến dịch gây sức ép lên các thượng nghị sĩ Cộng hòa thậm chí trước khi đưa ra bất kỳ lựa chọn nội các nào. Ông Donald Trump đã nói rằng bất kỳ ai mong muốn trở thành lãnh đạo đảng Cộng hòa phải chấp thuận các cuộc bổ nhiệm trong thời gian Thượng viện nghỉ giữa kỳ - một thủ tục cho phép tổng thống về cơ bản bỏ qua quá trình xác nhận đối với bất kỳ đề cử gây tranh cãi nào.
"Bất kỳ thượng nghị sĩ Cộng hòa nào muốn có vị trí lãnh đạo tại Thượng viện Mỹ phải đồng ý với việc bổ nhiệm trong thời gian nghỉ, nếu không, chúng ta sẽ không thể xác nhận nhân sự kịp thời. Chúng ta cần lấp đầy các vị trí ngay lập tức!” - ông Trump kêu gọi.
Vẫn chưa rõ ràng liệu các thượng nghị sĩ có đồng ý đề xuất trên hay không, mặc dù tân lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện John Thune đã gợi ý rằng ông sẵn sàng chấp nhận ý tưởng này. “Chúng ta phải hành động nhanh chóng và quyết đoán để đưa những người được tổng thống [đắc cử] đề cử vào vị trí càng sớm càng tốt, [và] tất cả các lựa chọn đều được cân nhắc để thực hiện điều đó, bao gồm các cuộc bổ nhiệm trong thời gian nghỉ” - ông Thune cho hay.
Đảng Dân chủ tại Thượng viện có thể cố gắng làm chậm quá trình bổ nhiệm trong thời gian nghỉ bằng cách tổ chức cuộc bỏ phiếu kín (vote-a-rama) - một thủ tục tẻ nhạt và kéo dài có thể buộc cơ quan này phải tiếp tục họp. Thế nhưng những chiến thuật như vậy khó có thể thay đổi kết quả cuối cùng khi đảng Cộng hòa nắm giữ đa số 53-47.
Khác biệt so với năm 2016
Khi ông Donald Trump giành chiến thắng tại Nhà Trắng năm 2016, ông và nhóm của mình dường như bị bất ngờ và hơi chậm trong nỗ lực đề cử nhân sự cho chính quyền mới, theo The Hill. Ông Donald Trump đã không nêu tên những người đầu tiên được chọn vào nội các cho đến ngày 18-11-2016, tức 10 ngày sau cuộc bầu cử.
Ngược lại, ông Donald Trump đã hành động rất nhanh chóng để đề cử không chỉ các quan chức chính trong nội các mà còn cả các quan chức cấp hai tại Bộ Tư pháp và các nhân viên cấp cao tại Nhà Trắng. Tất cả đều diễn ra trong vòng khoảng một tuần sau chiến thắng của ông Donald Trump trước Phó Tổng thống Kamala Harris.
Các đồng minh coi đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Tổng thống đắc cử Donald Trump biết mình đang tìm kiếm điều gì vào thời điểm này.
Ông Sean Spicer - cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump - nhận định quá trình chuyển giao quyền lực rõ ràng đang ở một vị trí tốt hơn nhiều so với năm 2016.
“Các kế hoạch, nhân sự, quy trình đều đã được cân nhắc, và những người xung quanh ông [Donald Trump] hiện đều cam kết thúc đẩy chương trình nghị sự. Ông ấy không còn phải băn khoăn về cam kết của họ đối với chương trình nghị sự nữa” - ông Spicer nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận