menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồng Nhung

Giải mã bí ẩn sự tăng/giảm của cổ phiếu

Nhiều năm tiếp xúc với các nhà đầu tư cá nhân và cả giới đầu tư tài chính chuyên nghiệp, tôi đúc kết được rằng cho dù một người thông minh, chuyên nghiệp và giàu có đến thế nào đi chăng nữa, anh ta cũng không thể nào tránh được các cạm bẫy tâm lý (psychological biases) rất căn bản của loài người - nếu anh ta không có tư duy và cách tiếp cận đúng đắn đối với thị trường nói chung và giá cổ phiếu nói riêng.

Ngài Peter Lynch từng có câu châm ngôn nổi tiếng: “Đằng sau mỗi cổ phiếu luôn là một doanh nghiệp đang kinh doanh. Và chỉ có 1 lý do khiến cổ phiếu tăng: doanh nghiệp đứng sau làm ăn tốt hơn, hoặc tăng trưởng mạnh từ công ty nhỏ lên quy mô khổng lồ.” Dù vậy, hầu hết cá nhân chúng ta tham gia thị trường đều coi cổ phiếu như một “mã số đánh cược” xanh, đỏ, tím, vàng mỗi ngày, tin rằng chúng được điều khiển bởi những thế lực ngầm hoặc tin tức bí mật mà không ai được biết (!) Vâng suy nghĩ này thì cũng đúng ở một góc độ nào đó, nhưng nếu ta tiếp cận công việc đầu tư (investment) với tư duy đánh bạc, ta sẽ được trả lại đúng kết quả mà một gã cờ bạc nhận về (Golden Newsletter).

Lạ lùng thay, khi ta tư duy sai, ta dễ lâm vào việc đi tìm những vấn đề sai, đặt ra những câu hỏi sai, nhận về những câu trả lời sai, và từ đó chu trình trên lại tiếp tục củng cố (reinforce) cho tư duy sai ban đầu của ta. Trong số đó, một trong những câu hỏi sai lầm phổ biến nhất mỗi khi giá cổ phiếu tăng hoặc giảm mạnh bao gồm:

- Vì sao cổ phiếu X lại tăng trần/giảm sàn phiên qua?

- Cổ phiếu X có “tin” gì không mà tăng/giảm thế kia?

- Sao cổ phiếu X tăng/giảm mạnh thế nhỉ, không thể hiểu được!

Vâng có lẽ nếu nhà đầu tư chúng ta nghĩ rằng mình có thể nắm bắt được mọi biến động giá cổ phiếu trong ngắn hạn, thì bài viết này của chúng tôi quả thực có độ cần thiết trên hết mọi sự…

3 lý do khiến các câu hỏi về giá cổ phiếu trên thể hiện tư duy lệch lạc

Khi đặt những câu hỏi dạng trên, những NĐT cá nhân chúng ta tự thể hiện mình trong vô thức với những người xung quanh rằng: thứ nhất, chúng ta không nhận thức rõ về chiến lược đầu tư của bản thân (dài hạn hay ngắn hạn), từ đó không hiểu rõ bản thân mình muốn gì, thậm chí không biết rằng người mình đang hỏi thuộc dạng nào; thứ hai, ta không biết rõ giới hạn năng lực của bản thân, nghĩ rằng mình có thể kiểm soát và hiểu biết hết thảy mọi thứ biến động về giá cổ phiếu; cuối cùng, ta không kiểm soát được tâm lý của bản thân, mất ăn mất ngủ, lo lắng trầm cảm, hoặc hưng phấn, tiếc nuối quá mức vì giá cổ phiếu biến động trong ngắn hạn, dẫn đến hậu quả là những hành vi mua bán sai lầm tiếp theo đó.

Vì lẽ này, có 3 lý do khiến tôi tin rằng các câu hỏi dạng trên lệch lạc về mặt bản chất:

(1) Ta không phân biệt được đâu là động lực ngắn hạn hay dài hạn của giá cổ phiếu, thậm chí không nhận thức được tư duy ngắn hạn/dài hạn của chính ta và người được hỏi.

Ngài Benjamin Graham - cha đẻ của công việc phân tích chứng khoán và đầu tư giá trị - đã từng có một câu châm ngôn triết lý và đúng đắn: “Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán là một cỗ máy bình chọn (voting machine) theo số đông. Nhưng trong dài hạn, nó luôn là một bàn cân (weighing machine) lí trí và lạnh lùng.” Hơn thế nữa, chúng tôi bổ sung thêm rằng: trong ngắn hạn, ở một thị trường cận biên như Việt Nam, đôi khi giá cổ phiếu trong ngắn hạn còn không được bình chọn bởi số đông, mà thậm chí bị thao túng bởi một số ít - số đó thường là người nội bộ, tổ chức tài chính hoặc cổ đông lớn.

Những NĐT giá trị am hiểu luôn biết rằng động lực ngắn hạn và dài hạn (short-term and long-term drivers) của giá cổ phiếu gần như khác nhau một trời một vực! Trong khi giá cổ phiếu ngắn hạn có thể bị tác động bởi muôn vàn những nguyên nhân vĩ mô, vi mô, tâm lý đám đông và những thế lực thao túng khác nhau - thứ chúng tôi sẽ bàn ở phần II, động lực dài hạn của cổ phiếu luôn luôn xoay quanh 2 vấn đề cực kỳ căn bản như câu châm ngôn của ngài Peter Lynch ở đầu bài vậy… Vì lẽ đó, NĐT giá trị thông minh luôn tập trung vào phân tích động lực thứ hai, và cố gắng tận dụng động lực thứ nhất sao cho họ được lợi nhất.

Ngoài ra, việc đặt câu hỏi nầy còn phụ thuộc rất nhiều vào tư duy đầu tư của chính chúng ta và người trả lời (the answerer). Nếu như một người tự nhận mình là một nhà đầu tư giá trị đích thực, ấy vậy mà anh ta lại đi đặt câu hỏi “tại sao cổ phiếu X trần/sàn trong phiên giao dịch hôm qua”, thì anh ta nên tự thấy xấu hổ về bản thân trước mặt người đối diện. Ngược lại, nếu anh ta chủ trương đầu cơ lướt sóng ngắn hạn, mà anh ta lại đi hỏi một nhà đầu tư giá trị có tư duy dài hạn rằng “lý do gì mà cổ phiếu X tăng trần suốt một tuần qua vậy?”, thì anh ta vừa thiếu tôn trọng NĐT giá trị đó, vừa hạ thấp chính bản thân mình.

(2) Giá cổ phiếu được quyết định trực tiếp bởi cung/cầu của hàng vạn người khác nhau, vì lẽ đó bất cứ câu trả lời nào cũng chỉ là giả định (assumption) thay vì là câu trả lời chính xác.

Như vậy, nếu bất cứ kẻ nào ba hoa rằng hắn ta có câu trả lời cho giá cổ phiếu chính xác nhất, có tin tức thực sự nhất đi chăng nữa, thì đó đơn thuần chỉ là một giả định/thuyết âm mưu/suy luận của một cá nhân nhỏ bé mà độc giả có thể tìm thấy ở bất cứ diễn đàn hay câu chuyện ở quán cafe nào. Bằng lý lẽ gì mà gã đó tin rằng hắn có thể đọc được suy nghĩ của 10,000 người khác nhau, với hàng nghìn lệnh giao dịch đặt trái ngược nhau ?!

Vì vậy, khi ta nhọc công đi đặt câu hỏi để nhận về một giả định mà ta cũng chẳng thể biết rằng nó chính xác hay không, thì khả năng cao câu hỏi của chúng ta không cần thiết, mà thậm chí còn lãng phí thời gian quý báu...

(3) Biến động của giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại không hề là thứ để chỉ dẫn ta hành động thuận theo xu hướng đó (tức: mua khi tăng, bán khi giảm)

Khi cổ phiếu tăng giá mạnh, người ta thường hỏi tại sao nó tăng để lao vào tranh mua, sợ bỏ lỡ mất một cơ hội gì đó… Còn khi cổ phiếu giảm giá mạnh, người ta cuống cuồng lên, đến mất ăn mất ngủ, tìm mọi người mà họ biết để tư vấn xem vì lí do gì mà cổ phiếu lại giảm, họ có nên bán cắt lỗ không hay chờ đợi tiếp, họ sợ phải đối mặt với nỗi đau của mình… Tác động từ giá cổ phiếu đến tâm lý của ta có thể trở thành một siêu hiệu ứng kết hợp tâm lý (lollapalooza effect) theo lời của ngài Munger: khiến ta vừa bị đám đông ảnh hưởng (social proof), hiểu sai về nhân quả (misunderstanding cause & effect), trở nên áp lực (stressinfluence), rồi hành động sai do não bộ ta xóa đi các nghi ngờ để quyết định nhanh, giảm thiểu nỗi đau hoặc sợ bỏ lỡ cơ hội tăng giá (doubt-avoidance tendency).

Vì thế, nếu một NĐT cá nhân suốt ngày lo lắng tìm nguyên nhân đằng sau biến động giá cổ phiếu, rồi định hướng hành động đầu tư của mình chỉ thuận theo xu hướng đó, thì không sớm thì chầy, anh ta sẽ nhận về kết quả đầu tư đáng thất vọng hơn bao giờ hết!

Đón xem Phần II: Động lực ngắn hạn và dài hạn của cổ phiếu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả