Giai đoạn A gói thầu tư vấn tuyến metro số 2 tăng chi phí 99%
Giai đoạn A của gói thầu tư vấn thực hiện dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương, TP.HCM) sau nhiều lần điều chỉnh thiết kế, ký kết phụ lục hợp đồng đã khiến chi phí tăng gần gấp đôi.
Tháng 1.2012, Ban Quản lý (BQL) đường sắt đô thị TP.HCM ký hợp đồng với liên danh tư vấn (đứng đầu liên danh là công ty của Đức) gói thầu tư vấn thực hiện dự án (tư vấn IC) với giá trị 43,98 triệu euro, trong đó: giai đoạn A theo hình thức trọn gói trị giá 12,73 triệu euro để thiết kế và hỗ trợ cho việc đấu thầu các gói thầu chính và giai đoạn B trị giá 31,25 triệu euro để giám sát thực hiện xây dựng dự án.
“Trọn gói” nhưng lại phát sinh phụ lục
Dù hợp đồng được ký kết là trọn gói nhưng đến nay đã phát sinh 12 phụ lục hợp đồng, trong đó 6 phụ lục phát sinh khối lượng công việc ngoài hợp đồng với giá trị hơn 8,9 triệu euro. BQL đường sắt đô thị đã nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành và thanh toán cho Tư vấn IC hơn 18,5 triệu euro từ hợp đồng gốc giai đoạn A và hơn 7,9 triệu euro lấy nguồn từ chi phí giai đoạn B. Theo hợp đồng ban đầu, thời gian thực hiện tư vấn chỉ trong 18 tháng nhưng đến nay đã kéo dài 99 tháng. Kể từ tháng 10.2018, tư vấn đã tạm dừng huy động nhân sự hỗ trợ cho dự án. Hiện BQL đường sắt đô thị đang thương thảo phụ lục hợp đồng số 13.
Đáng chú ý, trong hợp đồng đã ký kết có điều khoản cho phép Tư vấn IC thực hiện điều chỉnh giá hợp đồng nên tư vấn đang áp dụng điều khoản này để tính chi phí phát sinh hợp đồng khoảng 3,7 triệu euro. Như vậy, tổng phát sinh các phụ lục hợp đồng tư vấn IC khoảng 12,6 triệu euro, tăng 99% giá trị hợp đồng giai đoạn A. Sở KH-ĐT TP.HCM nhận định việc thực hiện và ký phát sinh hợp đồng tư vấn đã không còn đảm bảo tinh thần của hợp đồng “trọn gói”.
Giải thích về việc phát sinh tới 13 phụ lục hợp đồng của gói thầu Tư vấn IC, ông Vũ Văn Vịnh, Phó giám đốc BQL dự án 2 (thuộc BQL đường sắt đô thị), cho rằng do các lý do khách quan nên phát sinh thêm công việc nên cần phải huy động tư vấn. Cụ thể, bản thiết kế ranh nhà ga sau khi tham vấn cộng đồng bị người dân phản đối nên cần phải điều chỉnh lại để giảm mặt bằng phải thu hồi, đồng thời sử dụng các vị trí đất công để bố trí tháp thông gió. Năm 2015, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và thống nhất điều chỉnh lại thiết kế mặt bằng các nhà ga, ranh thu hồi đất của dự án.
Ngoài ra, giai đoạn từ 2016 - 2018, BQL đường sắt đô thị tổ chức đấu thầu quốc tế một số gói thầu chính song song với điều chỉnh dự án để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, Thanh tra TP.HCM nêu ý kiến cần phải đảm bảo chặt chẽ quy định của luật Đấu thầu nên sau đó UBND TP.HCM đã hủy các gói thầu này. Điều này khiến các công việc mà tư vấn đã làm dù không được sử dụng nhưng vẫn phải trả chi phí.
Nhà tài trợ thúc giục
Về phụ lục hợp đồng thứ 13, ông Vịnh cho rằng cần phải huy động Tư vấn IC để tư vấn cập nhật, bổ sung các hồ sơ mời thầu, thực hiện vai trò tư vấn đấu thầu quốc tế các gói thầu chính của dự án. BQL đường sắt đô thị cũng đề xuất tận dụng nguồn vốn không hoàn lại của chính phủ Đức cho giai đoạn B dùng để chi trả cho phần phát sinh của giai đoạn A.
Ông Vịnh nói giá trị phát sinh không làm tăng tổng mức đầu tư; đồng thời cho hay phụ lục hợp đồng số 13 là phụ lục cuối cùng của giai đoạn A nếu phát sinh thêm trường hợp bất khả kháng nào mới. Dự kiến trong tháng 10 hoặc tháng 11.2020 sẽ hoàn tất công tác đàm phán, ký kết. Do không đủ năng lực thẩm tra chi phí phát sinh nên BQL đường sắt đô thị đề xuất UBND TP.HCM tổ chức chọn tư vấn thẩm tra chi phí phát sinh phụ lục 13 trước khi đàm phán.
Trong khi đó, quá trình lấy ý kiến về phụ lục hợp đồng số 13, nhiều sở ngành đã lưu ý BQL đường sắt đô thị một số điểm. Trong đó, Sở GTVT lưu ý việc lập dự toán phát sinh và thương thảo với tư vấn phải bảo đảm tính chất của loại hợp đồng “trọn gói”, tức là không thay đổi giá trị các công việc trong thời gian thực hiện hợp đồng và đảm bảo không phát sinh thêm chi phí do kéo dài thời gian thực hiện dự án. Còn Sở Tài chính đề nghị rà soát lại các nội dung công việc chưa hoàn chỉnh của Tư vấn IC nêu trong hợp đồng gốc và các phụ lục hợp đồng đã ký.
Bên cạnh đó, nhà tài trợ vốn cho tuyến metro số 2 đã gửi nhiều thư đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo BQL đường sắt đô thị sớm huy động lại Tư vấn IC cũng như ký phụ lục hợp đồng số 13. Nhà tài trợ cho rằng việc chậm huy động lại Tư vấn IC đã khiến dự án gần như đứng im tại chỗ trong khi dự án đang rất cần các dịch vụ của tư vấn.
Tiếp tục đình trệ, TP.HCM sẽ không được hưởng ưu đãi chiết khấu
Trong bản dịch thư của nhà tài trợ gửi UBND TP.HCM ngày 24.6 nêu rõ: “Các cam kết tiếp tục tài trợ vốn phụ thuộc vào các tiến triển mạnh mẽ và rõ rệt của dự án, Ngân hàng Tái thiết Đức đã đặc biệt yêu cầu việc tái huy động Tư vấn IC là một điều kiện để thu xếp khoản vay bổ sung cho dự án. Nếu việc huy động Tư vấn IC tiếp tục đình trệ sẽ khiến tổng mức đầu tư dự án tăng thêm đáng kể và TP sẽ không được hưởng ưu đãi chiết khấu cho khoản vay mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)”. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận