Giải cứu trái phiếu
Những cuộc họp giải cứu doanh nghiệp bất động sản chỉ càng làm cho thị trường trở nên hoang mang hơn: cổ phiếu bất động sản rớt sàn. Nhưng rồi, chiếc phao cứu sinh từ các cơ quan quản lý nhà nước trên thị trường vốn và thị trường chứng khoán vẫn cứ được tung ra như một niềm hy vọng kiểu Tào Tháo động viên quân sĩ: phía trước là rừng mơ.
Vị chua của trái mơ chưa kịp làm tứa nước miếng thì vị chát của thị trường đang khiến các doanh nghiệp địa ốc xất bất xang bang. Tiền từ ngân hàng sẽ không thể đổ mãi vào đất, vào nhà vì nỗi lo nợ xấu đang hiện hữu. Kênh trái phiếu thì đang trên đe, dưới búa, ách cả đầu vào lẫn đầu ra biến niềm tin của nhà đầu tư trở thành sự hoài nghi. Thông tin bất cân xứng đã làm nhiễu loạn thị trường, hàng xấu lên ngôi, hàng tốt biến mất, kênh dẫn vốn lành mạnh trở thành què cụt.
Bùng phát mạnh mẽ năm 2020 và 2021, năm 2022, thị trường trái phiếu trở nên đầy hoang mang. Cả năm, các doanh nghiệp phát hành ở mức 270.000 tỷ đồng, chỉ hơn 1/3 (35,6%) so với năm 2021, theo VN Direct. Những trục trặc từ vụ Tân Hoàng Minh, tiếp đó là Vạn Thịnh Phát, khiến các doanh nghiệp địa ốc chùng hẵn xuống. Cả năm 2022 họ chỉ phát hành được 62.310 tỷ đồng, chỉ bằng 21% so với năm trước đó. Cũng phải khen cho Vingroup trong bối cảnh đó vẫn xoay được 16.569 tỷ đồng qua kênh dẫn vốn này. Cũng ngạc nhiên là Novaland vẫn phát hành được 15.157 tỷ đồng bằng trái phiếu.
Trong khi giá trị phát hành giảm một cách đáng kể thì áp lực trả nợ các trái phiếu đến kỳ đáo hạn của năm 2023 này ngày một tăng. Năm nay, các doanh nghiệp địa ốc sẽ phải kiếm hơn 100.000 tỷ đồng trả nợ trái phiếu, trong đó Novaland sẽ phải trả 14.476 tỷ đồng cho các trái chủ trong năm nay. Công ty này cũng đã thực hiện một loạt các hành động cắt giảm nhân sự, hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà, hay tái cơ cấu, hạ giá bán.
Nhưng thị trường đã bị bơm thổi quá nóng khiến cho cú hạ cánh khi thị trường bị xì hơi, trong ánh lửa lò thấp thoáng, thương tích là điều khó có thể tránh khỏi.
Doanh nghiệp như đi trên chiếc xe đạp, phía sau chở trái phiếu cồng kềnh mà phía trước lại là con dốc dẫn xuống vực. Dừng lại cũng ngã mà lao về phía trước sẽ té đau hơn!
Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng đã nói rất đúng: Doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu. Đằng này, làm dự án vô tội vạ, rồi đến lúc khó khăn lại tìm đến nhà nước cứu. Ngồi trên một đống tài sản nhưng vẫn muốn bảo toàn, không chịu bán rẻ đi, chẳng muốn chịu lỗ, thay vào đó là đẩy khó cho nhà đầu tư, cho người mua, còn mình cứ mãi ôm giấc mộng Nam Kha “đúng nhận, sai cãi”, lời tôi ăn, lỗ nhà nước giải cứu. Mà nào có ai hay rừng mơ đã khép!
Các chính sách về trái phiếu doanh nghiệp vẫn chủ yếu là vá lỗ hổng, và những đề xuất sửa đổi Nghị định 65 vẫn chủ yếu là giải pháp kỹ thuật giải cứu doanh nghiệp mang giải pháp tình thế.
Một trong những đề nghị củ chuối nhất từ các chuyên gia là “không hình sự hóa”. Nói vậy là cổ xúy cho cách làm tầm bậy, dẫn thị trường đến hệ quả ngày nay, khác nào đặt con dao mổ vào tay đồ tể.
Chính sách đã không tốt, tổ chức thực thi lại cũng chẳng lành, thị trường tất không thể mạnh.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận