Giải cứu hàng không: Cứu cách nào, sao cho hiệu quả?
Những thiệt hại của hàng không là vô cùng lớn và có thể phá sản nếu không có sự can thiệp của nhà nước. Tuy nhiên, việc giải cứu bằng cách nào và sao cho hiệu quả vẫn là một dấu hỏi lớn hiện nay.
Lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng, nguy cơ phá sản nếu không được hỗ trợ
Bộ KH&ĐT thừa nhận ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm toàn ngành hàng không sụt giảm 80% doanh thu so với thời điểm quí I/2020 chưa bị ảnh hưởng lớn bởi dịch. Dự kiến số lỗ của quý I/2021 của Vietnam Airlines (VNA) ở mức 4.800 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện tại, số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái rất khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho VNA giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.
Hiện hơn 9.000 người lao động đang trong chế độ nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động. VNA hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng. Cùng với đó, các hãng hàng không tư nhân như: Bamboo Airways và Vietjet cũng gặp nhiều khó khăn và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Dự báo các hãng nãy hoạt động sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021
Trước những khó khăn trên, Bộ KH&ĐT đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% với khoản vay tín dụng trong năm 2021 - 2023 cho các hãng hàng không. Mục đích là giúp các hãng tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển, tương tự gói hỗ trợ của Chính phủ cho VNA. Đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi Quyết định 87 về điều kiện giao dịch ký quỹ, cho phép DN hàng không và các DN bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 không bị cắt margin (giao dịch ký quỹ) khi lợi nhuận âm 2 quý liên tục.
Bộ KH&ĐT cũng đề xuất giảm thuế, phí cho ngành hàng không đến hết năm 2021. Cụ thể đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 1148/2020/UBTVQH14 về việc tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít cho đến hết ngày 31/12/2021, theo hướng áp mức 1.000 đồng/lít (vẫn thuộc khung quy định theo Luật Thuế bảo vệ môi trường). Đồng thời, Bộ GTVT cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay, cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.
Chính sách hỗ trợ công bằng, minh bạch
Những người phản đối thì cho rằng không thể dùng những đồng tiền thuế của người dân để giải cứu DN. Kinh tế thị trường là mọi DN đều được Nhà nước đối xử bình đẳng, đó là tính phổ cập trên thế giới. Ngoài ra, không ai có thể đảm bảo việc cấp cho VNA thêm hàng chục ngàn tỷ đồng đợt này, rồi không có đợt khác, hay tránh được phá sản. Các DN Nhà nước khác sẽ coi đó là tiền lệ để đòi hỏi giải cứu.
Tuy vậy nhiều ý kiến khác lại cho rằng, trên thế giới, hầu hết các chính phủ cũng đã phải sử dụng tiền ngân sách để giải cứu cho các hãng hàng không. “Hàng không là một ngành xương sống quan trọng trong giao thông, có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Trước thực trạng này, cần có giải pháp hỗ trợ cấp bách" - chuyên gia Ngô Trí Long nhìn nhận. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cần có đánh giá hiệu quả về gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng mà đã được Quốc hội phê duyệt cuối năm ngoái nhưng Bộ KH&ĐT cho biết thực chất đến nay “chưa thấy tín hiệu” rõ ràng nên VNA không được các tổ chức tín dụng hỗ trợ. Trong khi đó, những năm trước, toàn bộ lợi nhuận của VNA làm ra đều nộp về ngân sách cho cổ đông nhà nước. Nay lỗ lại chưa có lối ra. Do đó, những thiệt hại của hàng không là vô cùng lớn và có thể phá sản nếu không có sự can thiệp của nhà nước.
TS Trần Du Lịch cho rằng, với mức lỗ như hiện nay, thì các Ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ rất khó đế trực tiếp cho các hãng hàng không vay nếu không có sự bảo lãnh từ phía Chính phủ. Chính phủ không thể “ép” các NHTM cho vay mà chỉ có thể hỗ trợ thông qua hai cách: Chính phủ bảo lãnh khoản vay tại các NHTM; Chính phủ hỗ trợ một phần lãi suất, trực tiếp từ dự phòng ngân hoặc gián tiếp qua việc chỉ đạo hoặc giao NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn cho NHTM giải ngân cho các DN hàng không vay. Do đó đề xuất lãi suất ưu đãi 4%/năm theo chính sách tái cấp vốn của NHNN là hợp lý. Ông Trần Du Lịch cũng đồng tình với đề xuất của Bộ KH&ĐT là việc hỗ trợ này cần công bằng, minh bạch và không phân biệt với các hãng hàng không khác. Về kiến nghị tiếp tục giảm phí cất hạ cánh, giảm dịch vụ điều hành bay, giảm thuế môi trường với xăng… các chuyên gia cho rằng Chính phủ nên chấp thuận đề nghị này và áp dụng cho tất cả các hãng hàng không nội địa. Tất nhiên, không chỉ trông chờ từ phía nhà nước mà chính các hãng hàng không cũng phải thực hiện việc huy động tài chính từ các nguồn khác. Chẳng hạn, với mức giá cổ phiếu đang rất cao hiện nay các hãng hàng không hoàn toàn có thể huy động vốn trên thị trường tài chính bên cạnh tái cơ cấu DN hoạt động hiệu quả.
Tại họp báo sáng 21/6 của NHNN, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đối với chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho VNA đến nay đã có 3 tổ chức tín dụng là SeaBank, Hàng Hải (MSB) và SHB đã có cam kết tài trợ cho VNA vay với tổng số tiền là 4 nghìn tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN. Các tổ chức tín dụng và VNA đang tích cực triển khai các thủ tục đàm phán thống nhất ký kết hợp đồng tín dụng để sớm giải ngân dự kiến trong cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận