“Giải cứu” bất động sản ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19: Cần nhiều giải pháp thiết thực
“Cú đấm bồi” của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phía Nam đứng trước bờ vực phá sản.
Từ thực tế những khó khăn, nhiều doanh nghiệp BĐS phía Nam và cả Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có các đề xuất và mong muốn Nhà nước, ngân hàng có hỗ trợ về chính sách, thủ tục hành chính để giúp không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cả người mua nhà.
Đã có nhiều kịch bản để cứu thị trường BĐS phía Nam được đưa ra thế nhưng đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp, ảnh hưởng nhiều tới nguồn kinh tế của hàng chục triệu người. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại về dòng tiền bỏ ra vào thời điểm này sẽ khó thu hồi vì số cung cao nhưng lượng cầu thấp.Khó khăn bủa vây
Báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS - Bộ Xây dựng cho thấy, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, có khoảng 80% sàn giao dịch BĐS đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới thất nghiệp…
BĐS cũng là lĩnh vực đứng trong top những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cụ thể, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tiến hành khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên 87% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các lĩnh vực như dệt may, truyền thông, bất động sản, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, giáo dục, lao động, bán lẻ, điện tử, du lịch... bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo chuyên gia kinh tế Hoàng Đình Thảo, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và BĐS Hồng Hà nhận định, tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS là rất lớn, khiến công tác triển khai, mở bán, ra mắt dự án… của nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chỉ phải đóng cửa. Dịch Covid-19 bùng phát khiến các nguồn tài chính của khách hàng eo hẹp hơn, họ sẽ tập trung vào việc giữ tiền mặt để ưu tiên những nhu cầu thiết yếu, hạn chế tập trung đi lại và điều này sẽ ảnh hưởng đến sức mua BĐS. Nhất là thời điểm hiện tại, khi đợt dịch thứ 4 đang bùng phát mạnh tại các khu vực phía Nam, chưa biết khi nào mới có thể khống chế được sẽ khiến tâm lý người dân càng thêm e ngại đầu tư.
Ông Trần Đức Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn BĐS Trần Anh Group cho biết, từ đầu năm tới nay, ông đã 4 lần viết thư tới ngân hàng nhờ hỗ trợ giảm lãi suất vay cũng như gia hạn các khoản vay. Tuy nhiên, vẫn chưa được ngân hàng hỗ trợ. Mỗi tháng, ông phải chi trả ít nhất 4 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng, cộng thêm tiền lương cho 500 nhân viên, tiền thuê mặt bằng, thuế… trong khi dự án trong tay có rất nhiều nhưng lại không thể bán.
“Nếu kéo dài thêm thời gian nữa, tôi tin rằng doanh nghiệp tôi sẽ đứng trước bờ vực… và đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp địa ốc hiện nay”, ông Vinh nói.
Cần giải pháp cụ thể để thích ứng
Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp, như thay đổi phương thức kinh doanh, bán hàng online, tinh giảm nhân sự và đồng hành cùng Nhà nước, địa phương chống dịch Covid-19…
Theo đại diện Tập đoàn Thắng Lợi chia sẻ: "Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, tình hình kinh doanh của Tập đoàn Thắng Lợi ít nhiều bị ảnh hưởng. Từ trạng thái offline chúng tôi buộc phải chuyển tất cả sang online. Tuy nhiên, trong thách thức luôn có cơ hội, chúng tôi đã tận dụng các kênh online để tiếp cận với khách hàng tiềm năng, từ đó tìm phương hướng, giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện tại...".
Cụ thể, trong vận hành và quản lý doanh nghiệp, Tập đoàn Thắng Lợi ứng dụng công nghệ 4.0 ERP, đây là giải pháp công nghệ giúp quản lý các hoạt động chủ chốt, bao gồm: Kế toán, phân tích tài chính, quản lý mua hàng, quản lý tồn kho… Hay trong xây dựng, quản lý dự án, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Tập đoàn sử dụng công nghệ tự động Autotimeplapse để giám sát công trình, duy trì tiến độ ổn định...
“Mong rằng, với việc kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ như hiện nay, các hoạt động sẽ sớm được khôi phục để doanh nghiệp có thể nhanh chóng tăng gia sản xuất, hồi phục kinh tế trong dịp cuối năm. Trước mắt, doanh nghiệp rất mong các ban ngành có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp “vượt cạn” trong giai đoạn này như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, đẩy nhanh phê duyệt dự án tại địa phương, tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị…”, đại diện Tập đoàn Thắng Lợi chia sẻ.
Còn theo đại diện Trần Anh Group, mặc dù doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng với mục tiêu tiên quyết của doanh nghiệp là luôn mang đến những giá trị chân thực nhất, các sản phẩm tốt nhất, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân nên ngay khi dịch bệnh bùng phát. Ngoài việc chung tay ủng hộ Quỹ Vắc xin, doanh nghiệp đã thực hiện các trương trình thiện nguyện để hỗ trợ người dân, như tặng gạo, mì gói, hỗ trợ hơn 15 xe tiêm vắc xin, hàng ngày cử công nhân viên hỗ trợ các điểm tiêm sao cho nhanh chóng, an toàn và hiệu quả...
“Chỉ khi người dân khỏe thì doanh nghiệp mới khỏe. Thời gian qua, cùng với chính quyền địa phương và các y, bác sĩ, chúng tôi đã cố gắng hết sức để đồng hành tiêm vắc xin cho nhiều người dân nhất”, đại diện Trần Anh Group cho biết.
Trước những ảnh hưởng nặng nề của các doanh nghiệp BĐS phía Nam, cũng như TP Hồ Chí Minh, ngày 6/8/2021, HoREA đã có văn bản gửi tới Bộ Xây dựng, đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp BĐS, khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
HoREA nhận định, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường BĐS, làm cho hầu hết các doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau. Do đó, Nhà nước nên có những giải pháp hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và quy trình thủ tục hành chính.
Về cơ chế chính sách tín dụng, HoREA đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà; Không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn.
HoREA cho rằng, quan trọng nhất các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời, các ngân hàng thương mại xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm BĐS được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký.
Đặc biệt, HoREA đề nghị các ngân hàng thương mại quan tâm hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề xuất Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất cho các dự án BĐS như: Cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021; Cho phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng BĐS với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận