24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phượng Hồng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giải 'cơn khát' gỗ hợp pháp cho các làng nghề

Các doanh nghiệp trong nước và làng nghề truyền thống đang tìm đến những nguồn gỗ hợp pháp với nguồn cung ổn định, bền vững. Một trong những giải pháp là liên kết chặt chẽ giữa làng nghề và các công ty ngành gỗ.

Trăn trở các làng nghề khi nguồn cung gỗ tự nhiên khan hiếm
Ông Nguyễn Văn Trường, đến từ làng nghề mộc Thụy Lân, xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) chia sẻ, trước đây, làng nghề của ông chủ yếu sử dụng những loại gỗ như nghiến, gụ, hương để sản xuất. Nguyên do bởi xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam theo hướng ăn chắc, mặc bền.

Vài năm gần đây, những loại gỗ tự nhiên khan hiếm, buộc làng nghề phải chuyển đổi, tìm kiếm những nguồn cung mới. Chia sẻ về những khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn cung hợp pháp, ông Trường cho biết: “Tại làng nghề Thụy Lâm (Hưng Yên), trước năm 2008 chủ yếu sử dụng gỗ quý trong nước, đặc biệt là gỗ nghiến, sau đó là gỗ nghiến nhập khẩu từ Lào và 5 năm gần đây là từ Châu Phi. Chúng tôi suýt mất thương hiệu khi sử dụng nguồn gỗ nhập khẩu rủi ro. Rất may sau đó chúng tôi chuyển sang sử dụng gỗ tần bì của Nga và xu hướng chuyển dịch nguồn gỗ hợp pháp này là hướng đi đúng.
Vì thế, bên cạnh đầu ra cho sản phẩm, làng nghề chúng tôi rất muốn liên kết với những nguồn cung gỗ hợp pháp, ổn định, bền vững, giảm thiểu chi phí phân tích thị trường, xúc tiến thương mại và logistics".

Chia sẻ tại Hội thảo "Liên kết công ty với các hộ tại làng nghề gỗ, giảm rủi ro và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường nội địa trong tương lai", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, khi nhắc đến ngành gỗ, đại bộ phận người dân đều nghĩ đến giá trị xuất khẩu kỷ lục 15,87 tỷ USD vào năm 2021.

Dù vậy, ngành gỗ vẫn trăn trở với vấn đề đảm bảo nguồn cung gỗ hợp pháp, theo ông Lập. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4 - 5 triệu m3 gỗ nguyên liệu, nhưng 30 - 40% trong số đó thuộc nhóm “gỗ rủi ro” - gỗ được nhập khẩu từ các vùng địa lý không tích cực và là các loài rủi ro.

Bên cạnh việc gỗ rủi ro có thể dẫn đến những hệ lụy, như vụ điều tra 301 của Cơ quan đại diện thương mại Mỹ về ngành gỗ Việt Nam cuối năm 2020 thì việc lượng lớn gỗ rủi ro được các làng nghề sử dụng có thể mang lại nhiều khó khăn trong vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm.

"Hầu hết lượng gỗ rủi ro nhập khẩu được chế biến thành các sản phẩm đồ gỗ và cung cấp cho thị trường nội địa thông qua hệ thống hơn 300 làng nghề gỗ, chủ yếu tập trung ở các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, với hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn hộ gia đình tham gia", ông Lập nói.

Làm rõ hơn quan điểm của ông Đỗ Xuân Lập, chuyên gia Tô Xuân Phúc của Tổ chức Forest Trends chia sẻ, các làng nghề gỗ truyền thống đang trải qua giai đoạn nhiều biến động.

Cụ thể, đối tượng lao động của làng nghề giờ bị già hóa, do người trẻ hướng đến làm việc tại các khu công nghiệp do thu nhập ổn định. Ngoài ra, nhu cầu từ một số thị trường truyền thống như Trung Quốc giảm sút buộc các làng nghề phải quan tâm hơn đến thị trường trong nước.

Những thay đổi này dẫn đến chuyển dịch ở cả 3 phân khúc khách hàng của các làng nghề. Trước đây, nguồn cung cho phân khúc thấp chủ yếu đến từ gỗ rừng trồng; phân khúc trung bình (dành cho đối tượng trẻ, ở thành thị) là gỗ nhập khẩu ít rủi ro; phân khúc cao cấp là gỗ tự nhiên, hầu hết là qua đường nhập khẩu, hướng đến nhóm đối tượng trung tuổi, có thu nhập cao.

Chuyên gia Forest Trends đánh giá, các làng nghề tại Việt Nam có điểm mạnh là tay nghề cao, hệ thống và cơ sở sản xuất sẵn có, truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, điểm yếu là sản xuất tự phát, phân tán, nhỏ lẻ, công nghệ đơn giản, ít thay đổi về mẫu mã, quản trị hạn chế. Điều ấy dẫn tới rủi ro là dễ lệ thuộc vào một vài thị trường và khó bắt kịp sự dịch chuyển xu thế tiêu dùng.

Liên kết giữa làng nghề và các công ty ngành gỗ

Chính phủ đã có nhiều cam kết mạnh mẽ loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung. Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (Nghị định 102) và các quyết định đi kèm đưa ra các tiêu chí xác định gỗ rủi ro nhập khẩu từ đó đưa ra các cơ chế nhằm kiểm soát rủi ro.

Theo nghị định, gỗ nhập khẩu được thực hiện thông qua thiết lập cơ chế kiểm soát nguồn gỗ nhập khẩu và các loài gỗ nhập khẩu. Gỗ rủi ro là gỗ được nhập khẩu từ các vùng địa lý không tích cực và là các loài rủi ro. Nghị định quy định khi nhập khẩu gỗ rủi ro vào Việt Nam các doanh nghiệp nhập khẩu cần phải bổ sung giấy tờ để minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Việc triển khai Nghị định 102 hy vọng sẽ khắc phục được những rủi ro trong nhập khẩu gỗ nguyên liệu, từ đó, góp phần thúc đẩy nhu cầu sử dụng gỗ rừng trồng, đồng thời thay đổi thói quen sử dụng gỗ tự nhiên.

Nhấn mạnh "gỗ quý, gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm”, ông Tô Xuân Phúc khuyến cáo các làng nghề gỗ như La Xuyên, Đồng Kỵ, Liên Hà, Hữu Bằng... cần lắng nghe tín hiệu từ thị trường quốc tế. Trước mắt, là liên kết các làng nghề với nhau, liên kết làng nghề với doanh nghiệp cung cấp gỗ hợp pháp.

Cũng khẳng định liên kết là vấn đề mấu chốt cho sự phát triển trong giai đoạn hiện nay, ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavico) chia sẻ ý tưởng xây dựng một hệ sinh thái cho các làng nghề gỗ truyền thống. Trong đó, công ty sẽ đảm bảo nguồn cung gỗ nước ngoài (gỗ Tây) thông qua một "chợ đầu mối" tại khu vực Hố Nai, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Sản phẩm được cung cấp cho làng nghề dưới dạng "phôi".

Song song với đó, Tavico còn xây dựng một không gian để các làng nghề, HTX đến trao đổi, chia sẻ kiến thức và trưng bày sản phẩm mẫu.

"Một khi doanh nghiệp gỗ và làng nghề cùng tập trung trí tuệ, tận dụng kinh nghiệm của doanh nghiệp và tinh hoa của làng nghề, sẽ tạo ra không gian cho sáng tạo, sự tươi mới cho thương hiệu và sản phẩm gỗ của Việt Nam", ông Hà bày tỏ.

Theo Chủ tịch Viforest Đỗ Xuân Lập những mô hình liên kết như Tavico đang xây dựng với một số làng nghề phía Bắc là điểm sáng trong bối cảnh các làng nghề và công ty trong ngành gỗ hiện ít sự liên kết. Nói cách khác, các làng nghề tồn tại đương đối biệt lập, chưa trở thành một bộ phận của chuỗi cung.

TS.Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích của Tổ chức Forest Trends cho rằng, các doanh nghiệp gỗ nên coi việc hỗ trợ các hộ làng nghề là thực hiện trách nhiệm cộng đồng (ví dụ Quỹ Việt Nam xanh), từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác cụ thể với các hộ; hợp tác dựa trên nguyên tắc công bằng, cùng có lợi, dựa trên các thế mạnh của mỗi bên. Nên coi hợp phần thị trường nội địa là hợp phần không thể tách rời của ngành gỗ, trực tiếp tác động tới hợp phần xuất khẩu.

"Ở góc độ cơ quan quản lý, cần quan tâm nhiều hơn tới các hộ làng nghề. Chính phủ đã cam kết kiểm soát chặt chẽ thị trường nội địa. Cần có cơ chế chính sách riêng nhằm hỗ trợ các làng nghề gỗ; có chính sách, cơ chế hỗ trợ hình thành liên kết giữa công ty và các hộ làng nghề. Đặc biệt, cần truyền thông thay đổi thói quen người tiêu dùng trong việc sử dụng gỗ quý. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm hình thành do liên kết thông qua mua sắm công", TS.Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả