Giải bài toán vốn cho doanh nghiệp
Ngoài vốn tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp có thể tính đến giải pháp thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH đến thời điểm hiện tại khoảng 8,2%, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến này được lãnh đạo NHNN đánh giá là "bất ngờ", phản ánh đà hồi phục rất nhanh của doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, các DN nói vẫn đang rất "khát vốn" trong bối cảnh giá nguyên liệu, chi phí đầu vào đều tăng.
Nhu cầu vốn rất cao
Trong bối cảnh kinh tế phục hồi nhanh, rất nhiều DN cho biết đang cần thêm vốn để bổ sung vốn lưu động, tiếp tục triển khai dự án, mở rộng sản xuất - kinh doanh… Với các DN vừa và nhỏ, nguồn vốn chủ yếu vẫn đến từ tín dụng NH nhưng dòng vốn này đang bị "tắc" khi nhiều NH hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) để giải ngân.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho biết nhà ở xã hội nằm trong danh sách những lĩnh vực được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ gói ngân sách 40.000 tỉ đồng. Nhưng chính sách hiện tại chủ yếu tập trung hỗ trợ cho người mua, thuê và thuê mua nhà ở xã hội, trong khi không hỗ trợ chủ đầu tư dự án thì làm sao có nguồn cung cho thị trường và người mua? "Với DN nhỏ và vừa, nhu cầu vốn cũng rất lớn nhưng không thể phát hành trái phiếu, chưa niêm yết trên sàn chứng khoán để huy động vốn, nên chỉ còn kênh chủ yếu là NH. Có điều, khi chúng tôi liên hệ NH thương mại thì họ nói phải chờ vì không còn hạn mức để giải ngân, trong khi DN thì vẫn phải hoạt động hằng ngày và rất cần vốn" - ông Nghĩa băn khoăn.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cũng cho hay việc tiếp cận vốn NH đang gặp khó vì nhiều NH thông báo hết hạn mức tăng trưởng, không thể giải ngân mới, có cách nào để DN với tay tới các nguồn vốn khác không? "Một kênh cung cấp vốn cho DN với lãi suất ưu đãi 2% so với mặt bằng chung đang được NHNN triển khai nhưng làm sao DN tiếp cận được, có cần làm đơn đề nghị không và yêu cầu cụ thể để được vay ưu đãi lãi suất này là gì?" - ông Hiến đặt vấn đề.
Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới, chuỗi cung ứng trên toàn cầu vẫn còn đứt gãy ảnh hưởng tới giá cả nguyên, nhiêu liệu, DN rất cần vay thêm vốn lưu động để trữ hàng hóa. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, nói ngành lương thực, thực phẩm được ưu đãi về lãi suất thời gian qua nhưng không bù đắp được hết khó khăn về chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng sốc. "DN giờ không chỉ thiếu vốn mà là khát vốn để tiếp tục mua nguyên liệu đầu vào nhằm duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm đóng vai trò quan trọng tới giá cả, kiểm soát lạm phát. Do đó, chúng tôi kiến nghị các NH thương mại có chính sách đánh giá lại giá trị tài sản thế chấp để nâng hạn mức giải ngân, giúp DN có thêm nguồn vốn đặc biệt với những đơn vị làm ăn tốt" - bà Kim Chi kiến nghị.
Chủ động đa dạng nguồn vốn
Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch đánh giá một trong những kênh có thể hỗ trợ DN tiếp cận vốn hiệu quả là chương trình kết nối NH và DN, vốn là "đặc sản" của TP HCM đã làm rất tốt thời gian qua. Những DN đang làm ăn tốt nhưng bị ảnh hưởng dịch, nay trong giai đoạn phục hồi đang "bung" trở lại, những DN đang khó khăn về vốn cần được tiếp sức qua chương trình kết nối NH và DN để khôi phục nhanh hơn. "Trong 6 tháng đầu năm, chương trình kết nối NH và DN ở TP HCM đã giải ngân được khoảng 93.000 tỉ đồng cho thấy sự hiệu quả và tầm quan trọng của chương trình là nắn dòng vốn vào đúng khu vực sản xuất - kinh doanh, vào các DN đang cần vốn để phục hồi" - TS Trần Du Lịch nói.
TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - phân tích mỗi năm nền kinh tế tăng trưởng tín dụng 14%-15%, là con số cao nhất khu vực, thể hiện việc không khó tiếp cận. Câu chuyện lúc này là DN có thể chủ động tìm kiếm nhiều nguồn vốn khác nhau, bên cạnh vốn tín dụng NH. Chẳng hạn, DN có thể tìm kiếm nhiều nguồn tài trợ vốn tư Chương trình phục hồi kinh tế, xã hội giai đoạn 2022-2023 của nhà nước với quy mô gần 350.000 tỉ đồng ở các lĩnh vực. Một số DN ở những lĩnh vực, ngành nghề khó khăn, khó đáp ứng điều kiện tín dụng NH có thể tính đến giải pháp thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng. "DN cũng có thể nghiên cứu mô hình đầu tư, huy động vốn mới từ vốn cộng đồng, từ công ty tài chính công nghệ (fintech) trong bối cảnh công nghệ số thay đổi nhanh chóng. Tham gia các chương trình tài chính xanh hoặc cơ hội huy động vốn từ nước ngoài như phát hành trái phiếu, vay vốn trong bối cảnh uy tín, vị thế của Việt Nam đang lên, xếp hạng tín nhiệm triển vọng tích cực..." - TS Cấn Văn Lực nói.
Vay tín chấp lãi suất quá cao Với ngành du lịch, một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề trong dịch và đang ở giai đoạn phục hồi nhanh chóng, các DN cho biết họ rất cần được bổ sung nguồn vốn. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Viettourist, phản ánh do không có tài sản thế chấp nên nhiều DN du lịch phải vay tín chấp với lãi suất khoảng 13%-14%/tháng. Mức lãi suất này rất khó để bảo đảm DN du lịch có lãi trong bối cảnh hiện nay. "Nếu được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, chúng tôi sẽ giảm bớt áp lực tài chính về nguồn vốn tín dụng. Còn hiện tại không nhiều DN mặn mà vay tín chấp để hoạt động du lịch vì lãi suất cao. Như công ty tôi chủ yếu huy động vốn từ cổ đông, khách hàng mua tour trả trước hoặc vay vốn từ cổ đông" - ông Hải nói. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận