Giải bài toán tự chủ về sản xuất thép trong nước
Để ngành thép phát triển bền vững và ổn định, theo các chuyên gia, Việt Nam cần có các định hướng chính sách để phát triển mạnh ngành luyện kim, vật liệu, đặc biệt là các loại thép chế biến chế tạo.
Trong những năm gần đây, ngành thép Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về năng lực cũng như công nghệ. Một số nhà máy thép có công suất lớn, chất lượng thép cao được đầu tư đi vào hoạt động. Thực tế cho thấy, với thép xây dựng, năng lực sản xuất trong nước khoảng 14 triệu tấn, đảm bảo 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được một phần nhu cầu xuất khẩu. Trong đó, có 42% sản xuất là được sử dụng từ phế liệu thép nhập khẩu, 58% sản xuất từ lò cao, sử dụng nguyên liệu là quặng sắt.
Tuy nhiên, một số chủng loại thép hợp kim, đặc biệt là HRC - nguyên liệu đầu vào cần thiết cho nhiều ngành như sản xuất thép cán nguội (CRC), tôn mạ, ống thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo có nhu cầu lớn, song năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên dẫn đến tiếp tục phải nhập khẩu với số lượng lớn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến hết quý I/2024, tính theo thị trường thì Việt Nam nhập khẩu sắt thép các loại từ Trung Quốc hơn 2,8 triệu tấn, chiếm đến 68,6% lượng nhập khẩu của toàn thị trường. Đặc biệt, với sản phẩm thép HRC, số liệu của hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập 1,89 triệu tấn, trị giá trên 1 tỉ USD, trong đó, riêng thép HRC được nhập từ Trung Quốc chiếm 1,4 triệu tấn, chiếm 74,2% tổng khối lượng.
Trong khi đó, hai đơn vị sản xuất thép HRC trong nước là Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh mỗi năm sản xuất khoảng 8,5 triệu tấn. Do phải cạnh tranh thiếu công bằng với hàng nhập khẩu bán dưới giá thành mà thị phần bán hàng nội địa của 2 nhà sản xuất HRC trong nước giảm mạnh từ 45% của năm 2021 xuống còn 30% năm 2023. Ngược lại, thị phần của hàng nhập khẩu tăng từ 32% lên gần 46% và dự kiến đà nhập khẩu mặt hàng này năm 2024 sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ.
Nhiều ý kiến cho rằng, thép nhập khẩu nhiều sẽ gây ra nguy cơ làm mất cân bằng cán cân thương mại, chảy máu ngoại tệ và làm giảm thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc chi hàng chục tỷ USD nhập thép cũng góp phần gây áp lực lên tỷ giá ngoại tệ.
Trước thực trạng nêu trên, Bộ Công Thương nhận định, tự chủ về sản xuất thép trong nước là yêu cầu tất yếu của việc tự chủ nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, cũng như quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất quốc gia.
“Do đó, để ngành thép phát triển bền vững và ổn định, Nhà nước cần phải xây dựng chính sách đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp thép tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững”, Bộ Công Thương đề nghị.
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam cần có các định hướng chính sách để phát triển mạnh ngành luyện kim, vật liệu, đặc biệt là các loại thép chế biến chế tạo.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Nam Bình, Trưởng phòng Khoáng sản luyện kim, Cục Công nghiệp cho hay, Việt Nam cần phát triển thêm các khu liên hợp gang thép có quy mô lớn với cơ cấu sản phẩm đa dạng đặc biệt là các sản phẩm thép phục vụ công nghiệp chế biến chế tạo.
“Tập trung khuyến khích sản xuất thép hợp kim và đặc biệt phục vụ ngành cơ khí, chế tạo máy. Xây dựng chiến lược phát triển ngành thép theo hướng thu hút đầu tư các liên hợp thép lớn nhằm sản xuất các chủng loại sản phẩm thép đa dạng, đặc biệt tập trung thép ứng dụng trong ngành chế biến, chế tạo, cơ khí, ô tô… tại khu vực có cảng nước sâu thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu đầu vào và thành phẩm tạo lợi thế cạnh tranh”, ông Đỗ Nam Bình đề nghị.
Cùng với đó, theo ông Bình, cần tận dụng nguồn tài nguyên quặng sắt trong nước và khoáng sản kim loại màu như crom, niken, titan, wonfram, mangan… nhằm chế tạo các loại hợp kim sắt làm nguyên liệu để sản xuất thép hợp kim đặc biệt.
“Cần có các biện pháp hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại nhằm bảo vệ ngành sản xất thép trong nước. Chỉ khuyến khích nhập khẩu một số chủng loại thép mà trong nước chưa sản xuất được”, Trưởng phòng Khoáng sản luyện kim nhấn mạnh.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, PGS.TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, cốt lõi của một nền kinh tế là phải có sản xuất trong nước lớn mạnh để vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất trong thương mại toàn cầu. Chẳng hạn như lúc bị đứt gãy nguồn cung, gián đoạn vận chuyển… nếu tự chủ được sản xuất trong nước sẽ giúp ổn định thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Ngành thép là ngành thượng nguồn của các ngành công nghiệp rất cần phải bảo vệ, việc điều tra hàng nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá là cần phải làm. Dưới góc độ quản lý Nhà nước thì ngành chức năng phải can thiệp vào, nếu không sẽ làm chết ngành sản xuất trong nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận