Giải bài toán đầu tư phát triển ngành logistics
Ngành logistics nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập như tính chuyên nghiệp và hiệu quả còn thấp, kết nối của hạ tầng logistics còn kém, không khai thác được đường sắt vào các cảng và khu công nghiệp…Đặc biệt, quy hoạch hạ tầng logistics chưa đồng bộ với quy hoạch sản xuất, thương mại, ứng dụng CNTT chưa nhiều...
Nhiều tiềm năng nhưng vẫn yếu kém
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tại Hội nghị: "Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng - nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng" diễn ra sáng nay, 12/7 tại Hải Phòng.
Phát biểu tại hội nghị, đánh giá về vai trò của ngành logistics, ông Hải nhấn mạnh, đây là ngành đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế với giá trị gia tăng cao.
“Nước ta đang có rất nhiều lợi thế để phát triển logistics. Điển hình như vị trí địa lý thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á; trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng...”, Đại diện Cục Xuất nhập khẩu đánh giá.
Trong thời gian qua, ngành logistics có mức tăng trưởng cao 15-16%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay là khoảng 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 30-40%.
Theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang xếp ở vị trí 39/160 nước với điểm số LPI (chỉ số năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể: 3,27, xếp thứ 3 trong khối ASEAN (chỉ sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32) trên bảng xếp hạng hoạt động logistics 2018, Việt Nam được đánh giá có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, những kết quả đáng ghi nhận đối với ngành dịch vụ logistics trong thời gian qua là sự ghi nhận rõ nhất đối với nỗ lực của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, nỗ lực của các địa phương. Trong đó có Hải Phòng là một địa phương có vị trí địa chính trị quan trọng, có vai trò đầu tầu trong ngành dịch vụ logistics của cả nước.
Tuy nhiên, ông Hải cũng thẳng thắn thừa nhận, ngành logistics nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập như tính chuyên nghiệp và hiệu quả còn thấp, kết nối của hạ tầng logistics còn kém, không khai thác được đường sắt vào các cảng và khu công nghiệp…Đặc biệt, quy hoạch hạ tầng logistics chưa đồng bộ với quy hoạch sản xuất, thương mại, ứng dụng CNTT chưa nhiều....
Thông tin tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cho biết, Hải Phòng là cửa ngõ của khu vực phía Bắc và cả nước, thông thương với các nước trong khu vực và thế giới. Hải Phòng có tiềm năng phát triển kinh tế xã hội to lớn và hệ thống cảng có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất khu vực miền Bắc, đứng thứ 2 toàn quốc (sau thành phố Hồ Chí Minh), với đường bờ biển dài 125km, hơn 400km đường thủy nội địa, 5 cửa sông lớn là Bạch Đằng, Cửa Cấm, Lạch Tray, Văn Úc và sông Thái Bình.
Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, Hải Phòng là thành phố hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành một trung tâm dịch vụ logistics quan trọng không chỉ của miền Bắc mà của quốc gia.
“Hải Phòng là thành phố duy nhất tại khu vực phía Bắc có đủ 5 phương thức vận tải truyền thống và 1 phương án vận tải chuyên dùng. Hải Phòng có nhiều bến cảng với hệ thống thiết bị hiện đại, cơ sở hạ tầng đầy đủ, an toàn, phù hợp với phương thức vận tải thương mại quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá.
Còn theo ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hải Phòng là cụm cảng lớn nhất khu vực miền Bắc gồm gần 30 cảng lớn nhỏ, trong đó có Cảng cửa ngõ Lạch Huyện cho tàu container hơn 10.000 DWT.
Do đó, theo các chuyên gia, chúng ta cần thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kết nối để đưa Hải Phòng trở thành đầu mối logistics của khu vực.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, Hải Phòng đầu tư đồng bộ hạ tầng theo hướng hiện đại, thu hút doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực logistics, đẩy mạnh cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp; cùng với đó phải quan tâm thu hút, đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực logistics.
“Để phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng, tới đây Bộ Công thương sẽ hỗ trợ Hải Phòng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối thị trường logistics; phát triển mô hình logistics cho thương mại điện tử; cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp logistics...”, ông Hải cho biết thêm.
Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam khuyến nghị, cần phát triển Hải Phòng thành trung tâm logistics vùng phía Bắc và cả nước phục vụ vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Cùng đó, kết nối với vùng phía nam của Trung Quốc bằng cách xây dựng một cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng khuyến khích hỗ trợ hoạt động như: giải phóng mặt bằng, miễn, giảm giá thuê đất đối với các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm logistics mà trong nước chưa sản xuất được...
Đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã đề xuất, cần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; tập trung đầu tư hoàn thiện một số ICD, cảng cạn theo quy hoạch; kết nối dữ liệu điện tử giữa các cơ quan quản lý nhà nước - cảng ICD - hãng tàu - chủ hàng; tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bến cảng Lạch Huyện.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề nghị thành phố Hải Phòng tập trung chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để triển khai các giải pháp trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận