Giải bài toán cân đối thương mại trước các nước lớn
Điều đáng lo ngại là cùng với con số thặng dư với Mỹ tăng mạnh, đi kèm với con số nhập siêu từ Trung Quốc tăng lên, đặt ra câu hỏi liệu có bao nhiêu % kim ngạch xuất vào Mỹ là từ hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam, để giả mạo xuất xứ tìm đường sang Mỹ nhằm qua mặt các hàng rào thuế quan, mà ông Trump đã áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc?
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Mỹ trong năm 2018 là 34.7 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ đạt 47.5 tỷ USD, tăng 14.2%, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ là 12.8 tỷ USD, tăng 36.7%. Tuy nhiên, theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, thặng dư thương mại hàng hóa Việt Nam với Hoa Kỳ trong năm 2018 lên đến 39.5 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 1990.
9 tháng đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44.9 tỷ USD, tăng vọt 28.2% so với cùng kỳ năm trước và tương đương gần 95% của cả năm 2018. Theo đó, mức thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ leo lên mức 34.2 tỷ USD, gần bằng mức của cả năm 2018, dù còn đến 3 tháng nữa mới kết thúc năm 2019.
Trong hoạt động xuất khẩu, tập trung quá lớn vào một thị trường như Mỹ, nếu rơi vào tầm ngắm đánh thuế, hoặc bất ngờ bị gia tăng các hàng rào kỹ thuật khác, các doanh nghiệp Việt sẽ rơi vào khốn đốn. Điều này là có cơ sở, khi nhìn vào các hành động gây hấn thương mại liên tiếp của chính quyền Tổng thống Trump thời gian qua đối với Trung Quốc. Vào cuối tháng 7, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer từng cho biết Việt Nam phải thực hiện những bước đi hợp lý để giảm bớt thặng dư thương mại với Mỹ, khi chính quyền Donald Trump gia tăng áp lực lên Việt Nam.
Điều đáng lo ngại là cùng với con số thặng dư với Mỹ tăng mạnh, đi kèm với con số nhập siêu từ Trung Quốc tăng lên, đặt ra câu hỏi liệu có bao nhiêu % kim ngạch xuất vào Mỹ là từ hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam để giả mạo xuất xứ tìm đường sang Mỹ, nhằm qua mặt các hàng rào thuế quan mà ông Trump đã áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc. Nếu bị phát hiện, Việt Nam khó tránh khỏi sẽ trở thành nạn nhân kế tiếp của các đòn trừng phạt thương mại của Tổng thống Trump.
Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2018, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là 65.8 tỷ USD, tăng 12.3% so với năm 2017, khiến thâm hụt thương mại hàng hóa của Việt Nam với Trung Quốc là 23.9 tỷ USD. 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55.5 tỷ USD, tăng 17.3% so với cùng kỳ năm trước, qua đó nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc lên đến 27.7 tỷ USD, tương đương 116% cả năm 2018.
Ngoài ra, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng mạnh từ năm 2018 đến nay, do nhiều doanh nghiệp nước này đã chuyển dịch nhà máy, cơ sở sản xuất sang Việt Nam để “chạy trốn” chiến tranh thương mại. Rõ ràng, miếng bánh béo bở xuất khẩu có thể nói hầu hết rơi vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hoạt động giao thương hiện nay của nước này vẫn vượt trội hơn so với các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể trong năm 2018, nhóm doanh nghiệp FDI xuất siêu hơn 32.8 tỷ USD và 9 tháng đầu năm nay là gần 25.3 tỷ USD.
Nếu như các doanh nghiệp này làm ăn đàng hoàng, có đóng thuế đầy đủ, thì Nhà nước vẫn có nguồn thu và nền kinh tế có lợi ích, nhưng trong trường hợp các doanh nghiệp đó dở trò bằng cách chuyển giá thì Việt Nam chẳng khác nào là mảnh đất mầu mỡ cho các doanh nghiệp này lợi dụng đến canh tác, tự thu hoạch rồi xuất xứ hàng hóa để kiếm lợi nhuận và đưa về mẫu quốc.
Giải pháp nào để cân đối hơn?
Trong bối cảnh thương mại với các nước lớn bị mất cân đối trầm trọng, đặc biệt là hai đối tác lớn là Mỹ và Trung Quốc, cũng là hai quốc gia đang đối đầu nhau trong cuộc chiến thương mại hiện nay, Việc Nam tuy vừa có cơ hội nhưng cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức, thậm chí có nguy cơ rơi vào vòng xoáy cuộc chiến không mong muốn.
Chính vì vậy, việc tìm cách cân bằng lại và có chính sách khôn khéo để đối phó là điều cần thiết. Nhằm giảm mức thặng dư quá lớn, gần đây Việt Nam đã tích cực nhập khẩu thêm nhiều sản phẩm hàng hóa từ Mỹ, ngõ hầu tránh nguy cơ bị áp thuế như Trung Quốc. Hồi cuối tháng 6/2019, một hãng bay mới ra đời của Việt Nam đã ký thỏa thuận mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với tổng trị giá 5.6 tỷ USD.
Trong những phát biểu gửi tới Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ về tình trạng thâm hụt thương mại với Việt Nam, ông Lighthizer cũng cho rằng các biện pháp mà Việt Nam nên thực hiện bao gồm “tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ và giải quyết các hạn chế về khả năng tiếp cận thị trường liên quan tới hàng hóa, dịch vụ, nông sản và sở hữu trí tuệ”.
Để xử lý hàng hóa Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam, tránh tình trạng có tiếng mà không có miếng và dễ bị Mỹ trừng phạt thương mại như Trung Quốc, ngay bây giờ, chính phủ cần có chính sách ngăn chặn kịp thời, siết chặt các mặt hàng tạm nhập tái xuất, gia tăng kiểm soát hải quan đối với hàng từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, đặc biệt cần kiểm soát chặt tình trạng các chiêu trò chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI.
Sau khi bị Tổng thống Trump cáo buộc là lạm dụng thương mại, người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết Việt Nam đang thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể, gần đây nhất vào đầu tháng 10, Việt Nam đã cấp phép tập đoàn Mỹ AES đầu tư nhà máy điện khí trị giá lên đến 5 tỷ USD.
Đối phó với tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc, mà nếu tính luôn các khoản nhập khẩu không chính thức qua đường tiểu ngạch, thì con số có thể còn lớn hơn rất nhiều. Để giải quyết tình trạng này, Việt Nam nêntập trung công tác kiểm soát, kiểm tra ở các cửa khẩu giáp với biên giới. Ngoài ra, việc nâng cao các hàng rào kỹ thuật là điều cần thiết để tránh hàng hóa kém chất lượng tràn vào, nhất là khi áp lực nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng gia tăng trước việc đồng nhân dân tệ bị mất giá đáng kể so với VNĐ thời gian qua.
Phải mạnh tay và cương quyết xử lý hàng hóa Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam, dứt khoát xóa bỏ tình trạng “đánh trống người ở nước ta”. Đây là điều kiện hoàn toàn dễ bị Mỹ trừng phạt thương mại như Trung Quốc. Chính phủ cần có chính sách ngăn chặn, siết chặt các mặt hàng tạm nhập tái xuất, gia tăng kiểm soát hải quan đối với hàng từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt tình trạng chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI.
Điều quan trọng hơn là cần triển khai các cơ chế, chính sách giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, tránh việc bị các doanh nghiệp FDI nuốt chửng ngay trên sân nhà, chưa nói đến việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nếu không, mọi cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do hay lợi ích từ chiến tranh thương mại sẽ chỉ rơi vào tay các doanh nghiệp FDI.
Giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu lẫn nhập khẩu cũng cần được đẩy mạnh, nhất là khi Việt Nam hiện nay có được lợi thế là đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do, từ đó có thể phát triển thêm các thị trường giao thương ở nhiều quốc gia tại các khu vực khác, tránh phải tập trung vào 1-2 thị trường lớn mà có thể khiến ngày càng phụ thuộc nhiều hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận